Nhận diện và phân tích các cấu trúc giải phẫu quan trọng là yếu tố chính trong sự thành công và tuổi thọ của implant nha khoa. Các cấu trúc giải phẫu phải được tôn trọng khi đặt implant, và có thể được chia thành nhóm chung và nhóm cụ thể. Bài viết này sẽ cùng nhau phân tích và đánh giá các mốc giải phẫu chung quan trọng đối với thủ thuật Implant trên bệnh nhân.
1. Tổng quan phân tích các mốc giải phẫu
2. Các mốc giải phẫu chung
Mật độ xương
Đây là yếu tố quyết định chính khi lên kế hoạch điều trị, từ thiết kế implant, đến phương pháp phẫu thuật, thời gian lành thương, làm phục hình tạm, và tải lực cho phục hình sau cùng. Có 4 loại xương khoáng hóa được mô tả bởi Lekholm và Zarb dựa trên phim X-quang và độ cứng khi khoan xương: xương loại 1, trong đó hầu như toàn bộ xương là xương đặc đồng nhất; xương loại 2, đặc trưng bởi lớp xương đặc dày bao quanh khối xương bè dày đặc; xương loại 3, đặc trưng bởi lớp xương vỏ mỏng bao quanh khối xương bè dày đặc; và xương loại 4, đặc trưng bởi lớp xương vỏ mỏng bao quanh khối xương bè mật độ thấp và độ cứng thấp. Sự khác biệt trong chất lượng xương có thể liên quan đến những vùng giải phẫu khác nhau ở hàm trên và hàm dưới. Hàm dưới thường có vỏ xương dày đặc hơn hàm trên, và cả 2 hàm đều có khuynh hướng giảm dần độ dày xương vỏ và tăng dần độ xốp của xương bè từ trước ra sau.
Sự cân bằng giữa xương vỏ và xương xốp rất quan trọng. Quá nhiều xương vỏ có thể làm chậm sự tích hợp xương, trong khi quá nhiều xương xốp lại làm hạn chế độ ổn định sơ khởi của implant cũng như sự ổn định ban đầu của nó trong xương.
Khoảng phục hình gần-xa
Phải đủ khoảng gần-xa để phục hình có thể mô phỏng hình dạng răng tự nhiên. Nó đưa ra chỉ định về số lượng implant lý tưởng có thể đặt. Nó còn liên quan với chiều rộng ngoài trong của xương, mẫu sáp chẩn đoán của phục hình dự kiến, và góc độ của thân răng và chân răng của các răng kế cận (xem phần sau). Việc thừa hoặc thiếu khoảng ở những vùng này phải được giải quyết bằng chỉnh nha, nha khoa thẩm mỹ, hoặc vật liệu phục hồi trước khi đặt implant.
Nên tuân thủ các nguyên tắc sau khi lựa chọn kích thước implant và đánh giá khoảng gần-xa để đặt implant:
- Implant nên cách răng thật kế bên tối thiểu 1.5 mm.
- Các implant kế cận nên cách nhau ít nhất 3 mm. Đặt implant quá gần răng kế cận có thể gây tiêu mào xương phía bên đến ngang mức implant. Điều này sẽ làm giảm chiều cao gai nướu. Nó còn tạo khe hở tiếp cận và dạng thoát kém, kết quả là phục hình có vùng tiếp xúc dài và kết quả lâm sàng không lý tưởng.
Chiều rộng sống hàm
Một trong những điều đầu tiên cần đánh giá là giải phẫu sống hàm theo chiều ngoài-trong, bao gồm chiều rộng mào xương đủ hay không, và có hay không có tiêu xương mặt ngoài và/ hoặc vùng lẹm mặt trong. Thiếu chiều rộng mào xương và/hoặc tiêu xương mặt ngoài đòi hỏi phải ghép xương để có thể đặt implant theo hướng ngoài trong chính xác. Sự hiện diện của những vùng lẹm xương có thể gây thủng xương. Đánh giá xương trên lâm sàng và các kỹ thuật X-quang 3 chiều, chẳng hạn như cắt lớp điện toán và CBCT, có thể giúp chẩn đoán sự thiếu hồng theo chiều ngoài trong.
Chiều rộng xương tối thiểu cho sự ổn định mô mềm sau khi khoan xương và đặt implant là ≥ 1 mm. Điều này rất quan trọng ở mặt ngoài bởi vì bất kỳ sự tiêu xương và thay đổi tiếp theo nào trong vị trí của viền nướu đều sẽ gây mất thẩm mỹ
Chiều cao sống hàm
Chiều cao xương được đo từ đỉnh của sống hàm mất răng đến cấu trúc giải phẫu giới hạn vị trí đặt implant. Chiều dài implant nên đảm bảo khoảng cách an toàn đến các cấu trúc giải phẫu quan trọng, đặc biệt là khi nhiều mũi khoan sửa soạn vị trí cấy ghép được thiết kế hơi dài hơn so với chiều dài implant được chọn. Nên có tối thiểu 2 mm xương giữa đỉnh implant với các cấu trúc mạch-thần kinh.
Bệnh nhân bị thừa chiều cao xương
Thừa xương không phải là một tình huống lâm sàng thuận lợi của cấy ghép bởi vì nó có thể tạo ra cản trở khớp cắn ở phục hình sau cùng. Trong một số trường hợp, có thể phải phẫu thuật cắt xương hoặc mô mềm để cho phép đặt bờ vai của implant ở vị trí hài hòa với đường viền nướu của những răng/implant kế cận, từ đó tạo ra tỷ lệ thân/chân thuận lợi và sơ đồ nhai phù hợp. Những điểm mốc giải phẫu này có thể được phác họa chỉnh xác trong các lát cắt CBCT để cho biết chiều cao xương còn lại. Những tình huống lâm sàng mà các răng kế cận bị giảm chiều cao xương là một thách thức, bởi vì hiện nay không có kỹ thuật phẫu thuật nào có thể lấy lại chiều cao mào xương đã mất. Trong nỗ lực để khắc phục tình trạng này, kỹ thuật chỉnh nha làm trồi răng đã được đề nghị. Ngoài ra, các implant ngắn cũng đã được chứng minh là đem lại kết quả khả quan trọng trường hợp chiều cao sống hàm giảm, miễn là lực nhai được phân bố đồng đều đồng thời lực sang bên và hoạt động cận chức năng được kiểm soát.
Góc độ của các răng kế cận
Độ nghiêng của thân răng và chân răng kế cận là một thông số quan trọng để tránh sự hội tụ của các cấu trúc trong phẫu thuật cấy ghép. Phim toàn cảnh hoặc phim quanh chóp có thể cung cấp thông tin cơ bản về khoảng cách giữa 2 chân răng. Sự di chuyển và nghiêng của các răng kế cận vào khoảng mất răng thường ảnh hưởng đến khoảng cách gần-xa khi đặt implant.
Chiều cao khoảng phục hình
Đây là khoảng cách từ mặt nhai (răng sau) hoặc cạnh cắn (răng trước) đến đỉnh sống hàm. Nó đặt ra câu hỏi “Khoảng cách này ảnh hưởng đến loại phục hình (gắn xi măng hay bắt vít), lựa chọn vật liệu, và kỹ thuật phẫu thuật như thế nào?”. Kết quả phục hình hài lòng chỉ đạt được khi đủ chiều cao thân răng. Kích thước dọc lý tưởng của từng vùng là 3 mm cho mô mềm, 5 mm cho chiều cao abutment, và 2 mm cho mặt nhai kim loại hoặc sứ. Phục hình bắt vít thường cần chiều cao thân răng ít hơn phục hình gắn xi măng, bởi vì chúng có thể được vít trực tiếp vào thân implant. Hậu quả của việc thiếu chiều cao thân răng là chiều cao abutment giảm, khối vật liệu phục hồi không đủ độ bền, và thẩm mỹ kém, đưa đến các biến chứng phục hình và tình trạng vệ sinh răng miệng kém do thiếu độ thoát.
Lực nhai
Lực nhai ở bệnh nhân được phục hồi bằng phục hình trên implant thì tương đương với răng thật. Implant có thể chịu được các lực theo hướng trục răng tốt hơn nhiều so với các lực sang bên. Ngoài ra, do thiếu cơ chế nhận cảm từ dây chằng nha chu ở răng thật, phục hình trên implant dễ bị ảnh hưởng bởi quá tải lực nhai hơn rằng tự nhiên. Do đó, sự hiểu biết về các yếu tố tạo nên lực nhai trên implant là rất quan trọng. Những bệnh nhân bị mòn mặt nhai do siết chặt răng hoặc nghiên răng hay mòn răng do lực uốn phải được nhận diện, bởi vì các thói quen cận chức năng này sẽ ảnh hưởng đến tiên lượng lâu dài của implant.
Phân tích mô mềm
Đánh giá mô mềm tại vị trí cấy ghép bao gồm xác định khối lượng mô bám dính sừng hóa, độ dày của mô liên kết sợi, và sự hài hòa hoặc bất hài hòa của dạng vỏ sò nướu. Dạng sinh học mô được chia thành dày và mỏng. Mô sừng hóa dày thì thuận lợi và dễ thao tác hơn, từ đó đem lại kết quả thẩm mỹ khả quan hơn so với mô mỏng có nguy cơ tụt nướu cao. Dạng sinh học mỏng với kết cấu nướu dạng vỏ sò cao thường đi kèm với răng hình tam giác, còn dạng sinh học dày thì đặc trưng bởi gai nướu cùn và thường đi kèm với răng hình vuông và đậm nét. Những đặc trưng về dạng sinh học mô mềm đóng một vai trò quan trọngtrong việc dự kiến vị trí bờ vai sau cùng của implant.
Một bệnh nhân có đường môi cao kết hợp với dạng sinh học mỏng thì rất khó điều trị và nên được xem là một nguy cơ giải phẫu. Thiếu hồng mô thường đòi hỏi phải ghép xương, chẳng hạn như kỹ thuật tái tạo mô có hướng dẫn, sử dụng phương pháp đồng thời hoặc phân đoạn, nhằm tái tạo đủ thế tích xương để đặt implant.
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
Leave a Reply