Những thay đổi trong thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ

Thời kỳ mãn kinh là giai đoạn mất chức năng sinh lý hoặc kết thúc chu kỳ kinh nguyệt (vô kinh) do giảm chức năng buồng trứng. Giai đoạn mãn kinh, cơ thể nữ giới sẽ trải qua một quá trình biến đổi rất dài với những thay đổi lớn như: dự trữ trứng ở buồng trứng suy giảm, suy giảm hormone nội tiết, dừng kinh nguyệt, cơ quan sinh dục teo lại,… Giai đoạn này thường bắt đầu từ tuổi 40 và kéo dài trong khoảng 10 – 20 năm. 

1. Những thay đổi nội tiết trong thời kỳ mãn kinh

Bắt đầu từ độ tuổi 40 và giai đoạn sớm của tiền mãn kinh, nồng độ FSH tăng nhẹ, cùng với đó là nhiều nang noãn hơn được huy động, điều này làm tăng nồng độ estrogen. Các trường hợp FSH tăng đơn độc thường do nguyên nhân giảm tiết Inhibin buồng trứng – chất ức chế tiết từ tế bào hạt của buồng trứng, có tác dụng ngăn sự tổng hợp và phóng thích FSH –  hơn là do feedback sự sụt giảm estrogen. LH có tăng nhưng không nhiều bằng FSH và đỉnh LH thưa dần.

Ở phụ nữ tiền mãn kinh, sản xuất estradiol thay đổi cùng với nồng độ FSH và có thể đạt nồng độ cao hơn so với những phụ nữ dưới 35 tuổi. Nồng độ estradiol thường không sụt giảm đáng kể cho đến giai đoạn sau của tiền mãn kinh. Mặc dù vẫn tiếp tục có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, progesterone trong giai đoạn sớm của quá trình mãn kinh thấp hơn giai đoạn giữa độ tuổi sinh sản. Testosterone không thay đổi đáng kể trong tiền mãn kinh. SHBG(sex hormone-binding globulin) giảm sút sau khi mãn kinh có thể dẫn đến tăng tương đối nồng độ estrogen và testosterone tự do.  

2. Các thay đổi về sinh lý và giải phẫu

2.1. Tắt kinh

Mất kinh liên tiếp 12 tháng.

Rối loạn kinh nguyệt là rối loạn sớm nhất trong các thay đổi ở thời kì mãn kinh.Vào tuổi mãn kinh, người phụ nữ thôi không hành kinh nữa. Nhưng trước đó một số năm, thường là 2 – 8 năm, hoạt động của buồng trứng đã giảm xuống khiến kinh nguyệt không đều, các vòng kinh thưa dần phóng noãn. Trong thời kì trước mãn kinh này, các nang noãn có 2 khả năng phát triển:

+ Trường hợp thứ nhất: các nang noãn vẫn phát triển nhưng không đủ trưởng thành do đó không rụng trứng, không tạo thành hoàng thể mà tiếp tục duy trì nang noãn, duy trì tiết Estrogen, làm niêm mạc tử cung luôn duy trì ở mức dày. Sau một thời gian dài, các nang noãn này thoái triển làm nồng độ Estrogen tụt và gây hành kinh. Chu kỳ kinh nguyệt này dài, không có Progesterone và niêm mạc tử cung dày, kết quả sẽ dẫn đến niêm mạc bong nhiều và lâu, trên lâm sàng biểu hiện rong kinh, cường kinh, kinh thưa. Hậu quả gây thiếu máu, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng tâm lý, làm giảm chất lượng sống.

+ Trường hợp thứ hai: nang noãn vẫn rụng trứng nhưng tuổi thọ hoàng thể giảm(<14 ngày), dẫn đến chu kỳ kinh bị rút ngắn, niêm mạc tử cung được chuẩn bị bởi Progesterone nhưng không tốt nên bong không đều, loang lổ, kết quả là quá trình bong niêm mạc kéo dài. Trên lâm sàng xuất hiện các chu kỳ kinh ngắn như rong kinh, gây thiếu máu, mệt mỏi, lo lắng, chán chường, tác động xấu đến tâm lý.  Nguyên nhân của sự giảm hoạt động buồng trứng không phải do thiếu FSH hay LH của tuyến yên mà trái lại, FSH và LH đã được tăng tiết. Nguyên nhân chính của sự giảm hoạt động buồng trứng là do bản thân buồng trứng đã kém nhạy với sự kích thích của các hormone hướng sinh dục của tuyến yên.

Vào giai đoạn chuyển tiếp (tiền mãn kinh), các nang noãn đã giảm nhạy đáng kể. Đến giai đoạn mãn kinh, lượng Estrogen do nang noãn chế tiết ra không còn đủ để làm thay đổi nội mạc tử cung tới mức gây được kinh nguyệt.

2.2. Rối loạn vận mạch – Cơn bốc hỏa:

+ Thường xảy ra đột ngột, tự nhiên cảm thấy bốc hỏa mặt, cổ, ngực.

+ Cơn bốc hỏa xảy ra chừng vài phút, có thể ngắn hơn, chỉ vài giây, nhưng thường kèm theo triệu chứng vã mồ hôi. Thường các cơn bốc hỏa hay xảy ra vào ban đêm hoặc trong khi có stress.

+ Triệu chứng này thường kéo dài 6 tháng đến vài năm, có thể 2 – 3 năm nhưng cũng có người đến 5 năm.

+ Triệu chứng này không gây nguy hiểm nhưng gây khó chịu do thường xảy ra trong giấc ngủ, gây mất ngủ, thậm chí trầm cảm.

– Vã mồ hôi đêm:

+ Có thể kèm theo cơn bốc hỏa mặt hoặc xảy ra đơn lẻ.

+ Cũng thường xảy ra vào ban đêm nên gây mất ngủ, khó chịu.

Các triệu chứng sẽ giảm dần sau vài năm khi người phụ nữ quen dần với sự thay đổi khi mãn kinh.

Có một điều lý thú là đối với những người phụ nữ chưa bao giờ chịu tác dụng của Estrogen thì không có những triệu chứng của rối loạn vận mạch như đã nói trên. Ví dụ, những người bị bất sản buồng trứng như bị hội chứng Turner đã không có những rối loạn vận mạch.Ngược lại, nếu những người này đã từng được điều trị bằng Estrogen thì khi ngừng cho Estrogen, các rối loạn về vận mạch sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, không phải tất cả phụ nữ mãn kinh đều có những biểu hiện rối loạn này. Có thể ở những người này, Estrogen đã được chế tiết đầy đủ nên đã không bị xảy ra những rối loạn về vận mạch.

2.3. Triệu chứng thần kinh tâm lý

  • Có hồi hộp, mệt mỏi, khó chịu.
  • Mất ngủ, giảm cảm giác khi quan hệ tình dục hay lo lắng, cáu gắt, trầm cảm.
  • Đau nhức xương khớp, có thể xuất hiện cơn đau nhức nửa đầu (migraine).

cơ chế giải thích được đưa ra:

+ Thứ nhất, do các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt và rối loạn vận mạch gây khó chịu và tác động xấu đến tâm lý.

+ Thứ hai, não có nhiều mạch máu, đặc biệt các mạch máu ở vùng dưới đồi được điều khiển bới các neuron noradrenergic. Khi nồng độ Estrogen giảm sẽ làm tăng nồng độ Norepinephrin và Prostaglandin, do đó gây co mạch, dẫn đến tình trạng kích động thần kinh, lo âu, suy sụp và mất trí nhớ.

2.4. Các rối loạn về tiết niệu:

+ Trong bàng quang có một vùng tam giác được phủ bởi biểu mô lát tầng như của âm đạo và cũng chịu tác dụng của Estrogen như biểu mô âm đạo. Khi thiếu Estrogen, vùng biểu mô này cũng bị teo, dễ bị kích thích nên người phụ nữ mãn kinh có thể bị đái rắt, đái buốt, triệu chứng như của viêm bàng quang.

+ Các cơ vòng niệu đạo, cổ bàng quang cũng bị teo nhỏ, yếu đi nên dễ bị hở và gây ra són tiểu hoặc tiểu không tự chủ.

+ Cơ bàng quang bị yếu nên nếu niệu đạo bị một chút chèn ép hay gãy gấp như trong trường hợp sa tử cung, sa thành trước âm đạo thì sẽ dễ bị bí tiểu.

2.5. Rối loạn về đường sinh dục ở thời kỳ mãn kinh:

Rối loạn về đường sinh dục
Rối loạn về đường sinh dục

– Âm đạo khô teo, giao hợp đau, dễ bị viêm, nhiễm khuẩn, khám âm đạo thấy niêm mạc mỏng, khô, nhợt nhạt.

 +Sự giảm sút estrogen khiến âm đạo mất collagen, mô mỡ và khả năng giữ nước. Thành âm đạo co lại, các nếp gấp phẳng ra, biểu mô bề mặt mỏng với chỉ vài lớp tế bào. Điều này làm giảm đáng kể số lượng các tế bào bề mặt đến lớp tế bào đáy. Các mô liên kết ở dưới biểu mô âm đạo bị teo khiến lòng âm đạo bị hẹp, gây đau đớn khi giao hợp và khi khám phụ khoa. Teo âm đạo thường chỉ xuất hiện muộn, sau mãn kinh chừng 5 năm trở lên.

 + Biểu mô âm đạo không chỉ mỏng đi mà còn không chứa glycogen nên trực khuẩn Doderlein dù có cũng không tạo được acid lactic và môi trường âm đạo trở nên mất toan tính, không bảo vệ được âm đạo chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Âm đạo dễ bị viêm so với thời kì hoạt động sinh sản.

+ Các tuyến nhờn ở âm hộ như tuyến Bartholin và Skene cũng bị teo và không được Estrogen kích thích nên ít hoặc thôi chế tiết chất nhờn khiến giao hợp khó khăn và gây đau.

  • Bề mặt âm đạo mỏng và bở nên dễ xuất huyết dưới niêm mạc hay chảy máu do những chấn thương tối thiểu. các thành mạch máu âm đạo rất hẹp, theo thời gian, cùng với thành âm đạo, nó cũng mất đi tính mềm dẻo. Đặt mỏ vịt, soi âm đạo và cổ tử cung thấy nổi nhiều mạch máu, đó là những mạch máu ẩn ở dưới lớp biểu mô rất mỏng nên đã nhìn thấy rất rõ. Cũng vì các mạch máu ở rất nông nên rất dễ bị tổn thương khi va chạm và gây chảy máu, do đó có thể gây chảy máu khi giao hợp hoặc khám phụ khoa.
  • Các dây chằng giữ tử cung và các cơ quan vùng chậu mất tính đàn hồi và sức căng nên dễ đưa đến sa sinh dục.

-Tử cung và cổ tử cung teo nhỏ. Nội mạc tử cung mỏng, không còn có hiện tượng phân bào hay chế tiết, rất ít mạch máu. Lâm sàng là triệu chứng mất kinh.

2.6. Loãng xương

Loãng xương nguyên phát là “sự mất xương” do lão hóa và sự thiếu hụt estrogen tuổi mãn kinh. Với mức estrogen sau tuổi mãn kinh thì sự điều hòa của nó trên xương giảm sút, dẫn đến sự mất cân bằng giữa tạo xương và hủy xương. Nếu loãng xương do các bệnh lý khác hoặc do thuốc thì được gọi là loãng xương thứ phát.

Mật độ xương ở bất kỳ thời điểm nào đều phản ánh sự cân bằng hoạt động giữa tạo cốt bào và hủy cốt bào. Như đã đề cập trước đó, sự lão hóa hay sự thiếu hụt estrogen dẫn đến sự gia tăng đáng kể hủy cốt bào hoạt động. Ngoài ra, khẩu phần ăn thiếu canxi hay sự giảm hấp thu canxi từ ruột làm giảm lượng canxi ion trong huyết thanh. Điều này kích thích tiết hormone tuyến cận giáp (PTH)  để giải phóng canxi từ xương bằng cách tăng hoạt động của hủy cốt bào. Tăng PTH kích thích sự sản xuất vitamin D. Sự tăng nồng độ vitamin D dẫn đến sự tăng Canxi máu thông qua:

(1) kích thích hủy cốt bào giải phóng canxi từ xương,

(2) tăng hấp thu canxi ở ruột,

(3) tăng hấp thu canxi ở thận

(4) làm giảm sự sản xuất PTH ở tuyến cận giáp.

Loãng xương là rối loạn duy nhất của xương, biểu hiện bằng khối lượng xương toàn phần bị giảm xuống. Quá trình tiêu xương đã trội hơn quá trình tạo xương làm cho mất chất xương dẫn đến nhức mỏi, đau xương, gãy xương, tử vong.  Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ mắc loãng xương. Đó là chế độ ăn, loại hoạt động và mức độ hoạt động của cơ thể, sức khỏe toàn thân, sang chấn và tổng khối lượng xương.

Chế độ ăn, đặc biệt là chế độ ăn đủ canxi và tỉ lệ hấp thu canxi qua dạ dày – ruột là rất quan trọng để duy trì xương lành mạnh. Sang chấn, sự bất động, sự hoạt động tĩnh tại của cơ thể cũng tạo điều kiện cho loãng xương xuất hiện. Sử dụng corticoid kéo dài làm tăng nhanh tình trạng mất chất xương.

Các bệnh như đái tháo đường, viêm khớp, điều trị tia xạ, cường giáp cũng hay kèm theo loãng xương. Xương dễ gãy cũng tùy thuộc vào chủng tộc, giới, tuổi tác.

Người ta phân biệt 2 loại loãng xương: type 1 và type 2. Loãng xương type 1 xảy ra ở người sau mãn kinh, loãng đi các bè xương. Loãng xương type 2 xảy ra ở người già, kể cả nam và nữ, từ 75 tuổi trở lên, loãng cả các bè xương và màng xương.

Loãng xương type 1 hay xảy ra 7-10 năm sau mãn kinh. Sự giảm mật độ xương bắt đầu từ trước khi mãn kinh. Tỉ lệ giảm mật độ xương càng tăng khi tuổi càng cao.

Loãng xương ở tuổi mãn kinh là do tình trạng thiếu Estrogen gây ra, bằng chứng cho thấy sử dụng Estrogen thay thế đã cải thiện được rõ rệt, đề phòng được loãng xương hoặc ít nhất cũng làm chậm được quá trình loãng xương.

2.7. Rối loạn tim mạch trong thời kỳ mãn kinh

Estrogen có tác dụng bảo vệ tim mạch theo các cơ chế sau đây:  

+  Điều hòa vận chuyển các ion, đặc biệt các ion canxi ở màng tế bào.

+ Trên hệ động mạch vành: Giúp tạo mạch máu bằng cách kích thích phát triển tế bào nội mạc mạch máu, hạn chế sản sinh tế bào cơ trơn. Ngăn cản xơ vữa động mạch bằng cách ngăn cản quá trình oxy hóa các lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL) và ngăn cản sự thâm nhập của cholesterol este hóa vào thành động mạch, qua đó giúp loại bỏ cholesterol ra khỏi thành mạch. Trực tiếp gây giãn mạch, tăng cường tác dụng giãn mạch của các chất có liên quan đến nội mạc như NO, prostacyclin, giảm tác dụng co mạch liên quan với nội mạc mạch máu của Angiotensin II, Endothelin.

+ Trên tế bào cơ tim: tác dụng lên chuyển hóa tế bào qua các phản ứng sinh hóa men lysosome, điều hòa sinh năng lượng qua ly giải Glycogen, điều hòa hô hấp tế bào qua men creatininkinase trong ty lạp thể, dẫn truyền tín hiệu tại tế bào qua vai trò của NO, có tác dụng dương tính gây co sợi cơ, làm tăng cường chức năng tim

Do đó khi giảm Estrogen có thể đưa đến các rối loạn lipid, huyết áp… và đưa đến các bệnh lý thường gặp là: tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ và thuyên tắc, huyết khối tĩnh mạch.

2.8. Tăng huyết áp: 

  • Thiếu estrogen làm giảm tính đàn hồi của động mạch, quá trình phát triển có thể mất 5 đến 20 năm.
  • Sự tăng hoạt của hệ thần kinh giao cảm
  • Sự hoạt hóa hệ thông renin- angiotensin- aldosterone – Tăng béo phì, béo bụng.
  • Stress oxy hóa

2.9. Bệnh mạch vành: 

 Tác động gây xơ vữa động mạch của thời kỳ mãn kinh là do hội chứng chuyển hóa thời kỳ mãn kinh:

  • Rối loạn chuyển hóa lipid và lipoprotein

+ Triglycerid máu tăng

+ LDL-C tăng

+ HDL-C giảm

+ Thải trừ triglycerid giảm

  • Rối loạn chuyển hóa glucose và insulin

+ Đậm độ insulin tăng

+ Thải trừ insulin giảm

+ Bài tiết insulin của tụy tạng giảm

+ Đề kháng với insulin

+ Tích tụ mỡ của thân mình tăng

+ Tăng acid uric máu

  • Rối loạn cầm máu và tan sợi huyết

+ Tăng hoạt tính đông máu của yếu tố VII, tăng yếu tố VIIc và fibrinogen

+ Giảm antithrombin III

+ Tăng yếu tố ức chế chất hoạt hóa plasminogen

2.10. Đột quỵ:

Nguyên nhân hay gặp nhất là nhồi máu não: xơ vữa ở những điểm nhánh của động mạch não. Vỡ túi phình động mạch não ít gặp hơn, gây xuất huyết trong não và khoang dưới nhện.

2.11. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch:

Hơn 90% bắt nguồn từ tĩnh mạch sâu chi dưới, biến chứng thường gặp là thuyên tắc phổi. Viên estrogene làm tăng nguy cơ 2-3 lần nhưng số tăng tuyệt đối rất nhỏ.

2.12. Biểu hiện ở da và phần phụ của da

Vì thiếu Estrogen nên mô lien kết dưới da bị mỏng đi, giảm tính đàn hồi làm cho da bị mỏng và nhăn nheo. Da của người mãn kinh bị nhăn một phần còn do trữ lượng nước ở da đã giảm hẳn.

Các phần phụ của da như tuyến mồ hôi, tuyến bã, hệ thống lông cũng bị teo, giảm hoạt động nên da bị khô, lông tóc bị rụng, thưa đi, hói đầu.

NGUỒN THAM KHẢO

Những thay đổi trong thời kỳ tiền mãn kinh – Vinmec.com


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *