Nguyên tắc cơ bản trong chụp cộng hưởng từ tim

Cộng hưởng từ tim (CMR) là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh rất linh hoạt cho phép đánh giá cấu trúc và chức năng của tim với độ phân giải không gian cao và không giới hạn mặt phẳng khảo sát, mà không sử dụng bức xạ ion hóa.

Cộng hưởng từ tim

Cộng hưởng từ tim

1.Nguyên tắc chụp cộng hưởng từ tim

Bệnh nhân được đặt trong một từ trường mạnh, 1,5 – 3 Tesla (T). Điều này buộc tất cả các nguyên tử Hidro trong bệnh nhân phải xếp song song cùng hướng hoặc ngược hướng với từ trường bên ngoài.

Xung cộng hưởng từ làm từ hóa các nguyên tử Hidro, khiến chúng bị tách ra khỏi hướng ban đầu. Khi nó phân rã trở lại trạng thái thư giãn sẽ phát ra năng lượng tần số vô tuyến.

Thời gian thư giãn để phục hồi từ hóa dọc và sự phân rã của từ hóa ngang bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh của các nguyên tử Hidro.

Các tín hiệu tạo ra để tạo dựng hình ảnh. Các chuỗi các xung và độ dốc từ trường khác nhau có thể được sử dụng để nhấn mạnh các đặc điểm mô khác nhau hoặc làm nổi bật các chi tiết giải phȁu cụ thể.

Các mô ít nguyên tử Hidro (Ví dụ: phổi chứa đầy khí) cho chất lượng hình ảnh CHT không rõ nét.

2.Các chỉ định chính cho cộng hưởng từ tim bao gồm:

  • Đánh giá chức năng tâm thất ( tiêu chuẩn vàng ).
  • Đánh giá bệnh cơ tim .
  • Đánh giá thiếu máu cục bộ và khả năng sống còn của cơ tim . Đánh giá tình trạng ứ sắt của tim.
  • Đánh giá bệnh tim bẩm sinh.
  • Đánh giá bệnh van tim.
  • Chẩn đoán và theo dõi bệnh động mạch chủ.
  • Đánh giá bệnh màng ngoài tim và khối u tim.

3.Yêu cầu khi chụp cộng hưởng từ tim

Cung cấp càng nhiều thông tin và các vấn đề lâm sàng cần đánh giá trước khi chụp càng tốt. Tính linh hoạt của CHT cho phép áp dụng nhiều loại kỹ thuật khác nhau để đánh giá các mục tiêu khác nhau. Cần đánh giá các vấn đề lâm sàng chi tiết để xác định mục tiêu, từ đó xây dựng một phương thức hình ảnh phù hợp.

Đánh giá các chống chỉ định tuyệt đối trước khi chụp.

Trong đánh giá bệnh cơ tim và bệnh tim thiếu máu cục bộ, dùng điện tâm đồ khi nghỉ để có thêm gợi ý.

Trong đánh giá bệnh cơ tim phì đại, phải xem xét các nguyên nhân khác có thể gây phì đại cơ tim, đặc biệt là đánh giá mức độ nặng, thời gian kéo dài bệnh, và mức độ kiểm soát huyết áp. Với các thăm dò đánh giá sống còn cơ tim, cần cung cấp thông tin chi tiết về tiền sử can thiệp tim mạch, kết quả chụp động mạch vành hoặc cầu nối chủ vành nếu có, điều này sẽ tạo thuận lợi nhiều cho việc đánh giá kết quả.

Đối với các thăm dò về van tim cần có các bản đánh giá siêu âm tim.

Khi có rào cản ngôn ngữ (người dân tộc, người nước ngoài), cần có người phiên dịch, vì khi bệnh nhân không hợp tác tốt , nhất là giai đoạn nín thở thì sẽ không thu được chất lượng hình ảnh tốt.

Bệnh nhân phải nằm yên trong khoảng 1 giờ và có khả năng nín thở theo yêu cầu.

Nếu đánh giá gắng sức cơ tim bằng adenosine cần kiêng cà phê trong 24 giờ trước khi làm. Tương tự với những bệnh nhân làm nghiệm pháp với dobutamine, cần dừng thuốc chẹn beta giao cảm hoặc thuốc chẹn kênh canxi.

Đánh giá chức năng thận của bệnh nhân để có biện pháp dự phòng và điều trị tổn thương thận do thuốc đối quang từ gadolinium.

Đối với bệnh nhân béo phì, đánh giá liệu bàn chụp và máy quét có an toàn cho bệnh nhân hay không.

Đánh giá bằng phim X-quang những bệnh nhân nghi ngờ có dị vật kim loại trong mắt/ổ mắt (chống chỉ định tuyệt đối với CHT).

3.1 Chống chỉ định tuyệt đối với chụp cộng hưởng từ tim

  • Bệnh nhân có cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn/máy phá rung ( ICD ) mà không có chức năng chụp cộng hưởng từ hoặc dây dȁn tạo nhịp còn lưu lại/bị gãy. Kim loại trong mắt/ổ mắt.
  • Clip phình động mạch não bằng kim loại. Cấy ghép ốc tai điện tử.
  • Bơm insulin.
  • Không có bằng chứng về tác hại của CHT trong thai kỳ. Tuy nhiên, nên tránh chỉ định trong thai kỳ, đặc biệt là trong quý đầu, trừ khi bắt buộc (lợi ích lâm sàng và việc chụp CHT không thể trì hoãn).
  • Phụ nữ đang cho con bú nên được khuyến cáo vắt bỏ sữa mẹ trong 24 giờ sau khi tiêm thuốc đối quang từ gadolinium.

3.2 An toàn

Khi được chỉ định đúng và loại trừ các chống chỉ định, CHT là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh rất an toàn. Tuy nhiên, các trường từ tính mạnh 1,5T hoặc 3T có thể hút vật sắt trong cơ thể và có thể gây chết người. Tất cả các bệnh nhân trước khi chụp CHT nên được kiểm tra có vật liệu cấy ghép chứa sắt từ và thiết bị không được coi là an toàn trong từ trường.

Các xung tần số vô tuyến được sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh có thể tạo ra hiệu ứng làm nóng dây dȁn hoặc vật liệu cấy ghép trong cơ thể gây tổn thương nhiệt tại các điểm tiếp xúc. Các miếng dán điện cực điện tâm đồ có thể bị đốt nóng và đốt cháy theo cơ chế tương tự. Cần thay thế bằng miếng dán carbon an toàn với từ trường.

Ngoài từ trường chính, các từ trường gradient được sử dụng và thay đổi chế độ bật, tắt nhanh chóng trong quá trình chụp ảnh để tạo ra các chuỗi tín hiệu liên tiếp cho phép định vị theo không gian. Điều này tạo ra tiếng ồn rất lớn (> 100 dB) và có thể gây mất thính lực . Tất cả bệnh nhân và bất cứ ai có mặt trong phòng chụp phải đeo tai nghe hoặc nút tai bảo vệ. Chuyển đổi gradient nhanh cũng có thể kích thích thần kinh ngoại biên gây khó chịu.

3.3 Thiết bị cấy ghép

Các biện pháp phòng ngừa cần thiết phụ thuộc vào thành phần vật liệu của thiết bị cấy ghép, và nếu có nghi ngờ, nên hỏi tư vấn nhà sản xuất. Trong trường hợp không có dữ liệu để hướng dȁn, các rủi ro và lợi ích của việc chụp CHT phải được cân nhắc cẩn thận. Đối với các thiết bị sắt từ tính yếu, cần quan tâm đến sự biến dạng của thiết bị. Đặc biệt, nếu không phải là tình trạng khẩn cấp, nên chụp ít nhất 6 tuần sau khi cấy ghép để đảm bảo thiết bị được cố định tốt.

Stent mạch vành và mạch máu thường có sắt từ rất yếu . Chụp CHT có thể được thực hiện một cách an toàn trong phần lớn các trường hợp. Tương tự, phần lớn các van tim và vòng van nhân tạo an toàn với CHT. Những vật liệu khác được coi là an toàn có điều kiện, tức là không có nguy hiểm trong các điều kiện cụ thể. Đó là các thiết bị bít hoặc gây tắc mạch, lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới hoặc coil nút mạch.

Chỉ buộc xương ức và dây dȁn tạo nhịp màng ngoài tim là an toàn; tuy nhiên, chúng có thể gây cản trở việc phân tích hình ảnh.

3.4 Máy tạo nhịp tim/máy phá rung tự động

Máy tạo nhịp tim thế hệ cũ có thể không phù hợp với chụp cộng hưởng từ do ảnh hưởng của từ trường lên vỏ máy và điện cực có thể làm hỏng điện cực và di chuyển máy. Những máy tạo nhịp tim thế hệ mới hiện nay đã và đang được sử dụng rộng rãi với cấu trúc mới an toàn khi tiến hành chụp CHT. Do đó trước khi chụp CHT cần tham khảo kĩ ý kiến của bác sĩ rối loạn nhịp về tính an toàn của máy, cũng như cần lập trình lại máy trước và sau khi chụp để đảm bảo chống nhiễu trong qua trình chụp.

Máy phá rung tự động (ICD) trước đây được cho là chống chỉ định tuyệt đối chụp CHT. Ngày nay các máy ICD thế hệ mới được thiết kế an toàn đối với chụp CHT. Các dữ liệu theo dõi lâm sàng trên nhiều trung tâm trên thế giới đã cho thấy tính an toàn của ICD trong khi chụp MRI. Cần lưu ý tham khảo ý kiến chuyên gia về rối loạn nhịp

trước khi chụp CHT, bệnh nhân cần được lập trình máy ICD trước và sau khi chụp. Đồng thời theo dõi sát trong quá trình chụp để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và chắc chắn không có bất thường gì ảnh hưởng tới thiết bị.

Thiết bị ghi điện tâm đồ liên tục cấy dưới da có thể được coi là an toàn có điều kiện khi chụp CHT. Chúng tạo ra hình nhiễu và theo lý thuyết, hiệu suất của máy có thể bị ảnh hưởng bởi từ trường mạnh. Do đó, máy ghi điện tâm đồ cấy ghép nên được tham vấn trước khi tiến hành chụp, sau đó xóa bộ đệm bất kỳ dữ liệu nhân tạo không phù hợp nào có thể tích lũy trong quá trình chụp.

3.5 Thuốc đối quang từ Gadolinium

Hai nguy cơ chính khi dùng gadolinium là sốc phản vệ với gadolinium chelate hoặc một trong các tá dược của nó và bệnh xơ hóa hệ thống nguồn gốc thận (NSF: nephrogenic systemic fibrosis).

Chất đối quang từ trong chụp CHT hoàn toàn khác biệt với các chất tương phản i-ốt được sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh tia X, do đó, dị ứng với một loại không gây dị ứng với loại khác trừ khi nó là tá dược thông thường.

Thuốc đối quang từ không gây suy thận hoặc tổn thương thận do thuốc cản quang; tuy nhiên, ở những bệnh nhân bị suy thận đáng kể (mức lọc cầu thận (eGFR) < 30 mL/min/1,73m² ), có nguy cơ mắc xơ hóa hệ thống nguồn gốc thận – một tình trạng đặc trưng bởi sự phát triển xơ hóa của da và đa nội tạng, thường trong vòng vài ngày đến vài tuần . Xấp xỉ 5% bệnh nhân tiến triển ác tính.

Các chelate gadolinium vòng an toàn hơn đáng kể so với các chất đối quang thế hệ cũ.

Trong một nghiên cứu ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cho thấy tỷ lệ gặp bệnh xơ hoá hệ thống nguồn gốc thận khoảng 2,4%. Ở những bệnh nhân có eGFR < 30 mL/min/1,73m 2 hoặc ở những người đang thận nhân tạo chu kỳ, nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi đưa quyết định. Nếu có dùng thuốc đối quang từ, nên dùng liều thuốc thấp nhất có thể và nên dùng loại gadolinium chelate. Bệnh nhân đang điều trị thay thế thận nên được chạy thận nhân tạo ngay sau khi chụp.

Thận trọng ở những bệnh nhân bị suy thận các mức độ đang chờ đợi hoặc gần đây đã được ghép gan, vì nguy cơ mắc hội chứng gan thận.

3.6 Bệnh nhân không ổn định

Không nên đưa bệnh nhân có huyết động không ổn định vào máy chụp do thiết bị theo dõi và hồi sức không đảm bảo an toàn trong khi chụp. Bệnh nhân cần hồi sức tim phổi (CPR) phải được chuyển ra khỏi máy chụp ngay lập tức. Chụp CHT không dành cho các bệnh nhân có tình trạng lâm sàng không ổn định.

Cộng hưởng từ tim trong một nghiên cứu đơn lẻ cho thấy là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, chính xác, có thể sử dụng tái đánh giá khối lượng cơ thất trái và bề dày thành tim, thể tích thất trái và thất phải, đánh giá tưới máu cơ tim cũng như khả năng phát hiện xơ hóa cơ tim hay tình trạng viêm. Vì vậy CHT tim là phương tiện hữu ích được lựa chọn để đánh giá và theo dõi những bệnh nhân có bệnh lý cơ tim.

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *