Khó thở ở người già là cảm giác thở không dễ, bất thường, phải tăng công để thở. Người bệnh thường mô tả bằng những từ như cảm giác hụt hơi, ngạt thở, thở không sâu được, thở nhanh, thở mệt. Người khỏe mạnh có thể khó thở khi gắng sức quá mức. Tuy nhiên khó thở là dấu hiệu bệnh lý khi khó thở cả khi nghỉ hoặc mức độ vận động rất thấp mà cũng khó thở.
1. Đại cương khó thở ở người già
Khó thở là 1 triệu chứng không đặc hiệu và có thể do nhiều nguyên nhân gây ra: nguyên nhân tim mạch, hô hấp, thần kinh cơ, tình trạng chuyển hóa, hoặc do độc chất, do lo lắng quá mức.
Tính chất khó thở có thể giúp gợi ý một số nguyên nhân:
– Cấp hay mạn?
Khó thở cấp tính có thể do: thuyên tắc phổi, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn, phù phổi cấp, tràn khí màng phổi, nhồi máu cơ tim…
Khó thở mạn tính diễn trong nhiều tuần gợi ý suy tim mạn, béo phì, tràn dịch màng phổi 2 bên
– Thì hít vào hay thở ra
Khó thở thì hít vào gợi ý tắc nghẽn đường hô hấp trên, khó thở thì thở ra gợi ý tắc nghẽn đường hô hấp dưới
– Khi vận động hay nghỉ ngơi
Khó thở khi vận động gợi ý bệnh lý như suy thất trái, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khó thở xuất hiện lúc nghỉ có thể gặp trong suy thất trái nặng, tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi, phù phổi
2 Khó thở do suy tim
Khó thở trong suy tim thường đi kèm với cảm giác mệt.
Cơ chế chung của khó thở trong suy tim: sự tăng áp lực mao mạch phổi do tăng áp lực nhĩ trái hoặc tăng áp lực đổ đầy thất trái. Sung huyết tĩnh mạch phổi và sung huyết mao mạch phổi làm giảm trao đổi khí dẫn đến khó thở khi gắng sức và khó thở phải ngồi. Khi áp lực thủy tĩnh cao hơn áp lực keo trong mao mạch phổi, dịch thoát ra mô kẽ dẫn đến khó thở kịch phát về đêm. Nặng hơn là hiện tượng phù phế nang dẫn đến phù phổi cấp.
Phân độ chức năng suy tim của Hội tim New York dựa trên triệu chứng cơ năng và khả năng gắng sức
Độ I Không hạn chế vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở hoặc hồi hộp
Độ II Hạn chế nhẹ vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi. Vận động thể lực thông thường dẫn đến mệt, hồi hộp, khó thở hoặc đau ngực.
Độ III Hạn chế nhiều vận động thể lực. Mặc dù bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, nhưng chỉ vận động nhẹ đã có triệu chứng cơ năng
Độ IV Không vận động thể lực nào mà không gây khó chịu. Triệu chứng cơ năng của suy tim xảy ra ngay khi nghỉ ngơi. Chỉ một vận động thể lực, triệu chứng cơ năng gia tăng
Các dạng khó thở trong suy tim:
– Khó thở khi gắng sức là tình trạng khó thở xuất hiện khi làm việc nhà, khi hoạt động thể lực, khi leo cầu thang… Để đánh giá mức độ nặng cũng như diễn tiến của bệnh tim, thầy thuốc phải xác định mức độ vận động đủ gây ra khó thở trước đó của bệnh nhân.
– Khó thở phải ngồi là dấu hiệu của bệnh lý suy tim giai đoạn nặng. Ban ngày do ảnh hưởng của trọng lực ở tư thế đứng hoặc ngồi nên phân bố dịch trong cơ thể được giữ thăng bằng. Khi bệnh nhân nằm, máu từ hệ thống tĩnh mạch về tim nhiều hơn và ở bệnh nhân có rối loạn chứng năng thất trái 🡪 dịch thoát vào phế nang 🡪
phù phổi. Mức độ nặng của suy tim tương ứng với số gối bệnh nhân nằm ngủ, bệnh nhân càng cần nhiều gối khi ngủ để bớt khó thở 🡪 bệnh càng nặng. Khi suy tim nặng bệnh nhân có thể phải ngủ ở tư thế ngồi.
– Khó thở kịch phát về đêm là cơn khó thở đột ngột, đánh thức bệnh nhân dậy, gây ra do sự tích tụ dịch trong phế nang. Người bệnh không nói nên lời, thở hổn hển, ngồi ở cạnh giường để thở hoặc phải mở cửa sổ để cố gắng bớt cảm giác khó thở. Những triệu chứng này có thể nhầm lẫn với hen phế quản – bệnh lý cũng gây khó thở về đêm, nặng ngực, ho, khò khè nhưng bệnh nhân suy tim thường có ho đàm lẫn bọt hồng hoặc đàm lẫn máu và không đáp ứng với thuốc giãn phế quản.
– Phù phổi là tình trạng tụ dịch trong phế nang ở bệnh nhân suy thất trái do tăng áp lực nhĩ trái cuối tâm trương làm tăng áp lực tĩnh mạch phổi và mao mạch phổi, khi áp lực này vượt quá áp lực keo sẽ đẩy dịch thoát ra ngoài lòng mạch vào phế nang. Những bệnh nhân phù phổi cảm thấy vật vã, cảm giác như chết đuối trên cạn, có thể ho khạc đàm lẫn bọt hồng.
3. Khó thở ở người già do thiếu máu cơ tim
Khó thở ở người già được coi là 1 triệu chứng tương đương đau thắt ngực, xuất hiện khi gắng sức hoặc lo lắng, giảm khi nghỉ ngơi, đáp ứng với nitroglycerin. Những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân đái tháo đường đôi khi chỉ có biểu hiện khó thở mà không có triệu chứng đau ngực. Do vậy những bệnh nhân này khi có khó thở đi kèm với nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch phải tầm soát có thiếu máu cơ tim hay nhồi máu cơ tim hay không.
4. Do thuyên tắc phổi
Xuất hiện đột ngột, tính chất đau ngực kiểu màng phổi, thường kèm thở nhanh, ho ra máu, tư thế nằm giúp bệnh nhân dễ chịu hơn là ngồi dậy.
5. Khó thở do bệnh phổi
Ở những trường hợp bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay hen phế quản có thể khó thở về đêm, khò khè, ho đàm giống do suy tim. Tuy nhiên những bệnh nhân này thường bớt sau khi ho được đàm ra ngoài hoặc dùng thuốc giãn phế quản chứ không phải bớt khó thở khi ngồi dậy như suy tim.
Tài liệu tham khảo
- BÀI GIẢNG NỘI TỔNG QUÁT, ĐHYK Phạm Ngọc Thạch
Leave a Reply