Hồi hộp (đánh trống ngực) là tình trạng người bệnh cảm nhận được nhịp tim của mình đang đập trong lồng ngực, cảm nhận nhịp tim nhanh, mạnh hoặc không đều và thường được bệnh nhân mô tả là tim đập thình thịch trong ngực. Người bệnh có thể tái hiện nhịp tim của mình bằng cách gõ lên bàn.
1. Đại cương
Cảm giác hồi hộp có thể xuất hiện ở bệnh nhân nhịp xoang bình thường, thỉnh thoảng có nhịp không đều hoặc trên bệnh nhân rối loạn nhịp. Tuy nhiên không phải tất cả bệnh nhân rối loạn nhịp đều cảm thấy hồi hộp (như rung nhĩ thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi nhưng hiếm khi gây cảm giác hồi hộp).
Sự cảm nhận về nhịp tim thường tăng lên về đêm khi tác động của thị giác và thính giác ở mức thấp nhất và sự cảm nhận nội tạng trội lên.
Những người gầy cũng có thể cảm nhận được nhịp tim khi nằm nghiêng sang trái.
2. Các nguyên nhân gây hồi hộp (đánh trống ngực)
- Cảm giác hồi hộp có thể gây nên bởi các chất kích thích như caffeine hoặc nicotine, một số nhóm thuốc: chống sung huyết mũi, kháng histamine, hoặc những chất kích thích…
- Ngoại tâm thu thường lành tính, gây hồi hộp khi nghỉ và có thể mất đi khi vận động. Bệnh nhân có thể mô tả có 1 nhịp bị mất, sau đó là 1 nhịp tim mạnh hơn bình thường. Nhát ngoại tâm thu thường tạo ra 1 nhát bóp có thể tích máu nhỏ do thất trái chưa được đổ đầy hoàn toàn. Khoảng nghỉ bù sau đó làm cho máu về thất nhiều hơn nên khi thất co bóp cần lực mạnh hơn theo định luật Frank Starling
- Cơn nhịp nhanh trên thất thường xuất hiện đột ngột, cảm giác hồi hộp kéo dài và thỉnh thoảng chấm dứt bởi các nghiệm pháp hô hấp hoặc xoa xoang cảnh. Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất thường gặp ở người trẻ tuổi và không có bệnh lý tim mạch thực thể.
- Nhịp nhanh thất cũng khiến người bệnh có cảm giác hồi hộp và thường đi kèm là tình trạng ngất hoặc gần ngất. Nhịp nhanh thất thường gặp ở bệnh nhân có bệnh cơ tim hoặc tiền căn nhồi máu cơ tim.
- Các câu hỏi cần khai thác khi tiếp xúc một bệnh nhân bị đánh trống ngực:
– Bạn có thể gõ lên bàn nhịp mà bạn cảm nhận được trong cơn đánh trống ngực?
– Nhịp tim lúc đó đều hay không đều
– Khi cơn xuất hiện bạn đang làm gì?
– Bạn có làm gì để chấm dứt cơn hồi hộp được không?
– Có yếu tố nào khiến cơn hồi hộp xuất hiện không?
– Có thực phẩm nào làm triệu chứng trở nên nặng hơn không?
– Bạn có đang dùng thuốc nào không?
- Cảm giác hồi hộp kèm với các đặc điểm nguy hiểm sau cần được khảo sát kĩ để tìm nguyên nhân:
– Vừa nhồi máu cơ tim, can thiệp mạch vành qua da hoặc phẫu thuật tim trong 3 tháng trở lại đây?
– Cảm giác hồi hộp đi kèm với ngất hoặc đau ngực nặng?
– Tiền sử gia đình có người bị ngất hoặc đột tử?
– Những bệnh nhân có hội chứng Wolff-Parkinson-White hoặc bệnh lý kênh ion di truyền (vd hội chứng QT dài)?
– Có bệnh lý tim thực thể (vd bệnh cơ tim phì đại, hẹp van động mạch chủ)?
Nếu triệu chứng hồi hộp, tim đập nhanh đi kèm với khó thở xuất hiện thường xuyên ngay cả khi đang nghỉ ngơi, tâm lý ổn định thì cần nghĩ ngay đến các bệnh lý tim mạch. Cần đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị kịp thời. Vậy đánh trống ngực bệnh gì? Các triệu chứng hồi hộp, tim đập nhanh có thể chẩn đoán là dấu hiệu của bệnh tim mạch nếu có kèm các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, phù chân, đau ngực…
Các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch sẽ bị rối loạn nhịp tim, bao gồm tình trạng ngoại tâm thu, nhịp nhanh kịch phát, rung nhĩ, rối loạn thần kinh tim… dẫn đến hồi hộp, đánh trống ngực. Đây có thể là nguyên phát hoặc hậu quả của bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim hay các bệnh van tim.
Tài liệu tham khảo
- BÀI GIẢNG NỘI TỔNG QUÁT, ĐHYK Phạm Ngọc Thạch
Leave a Reply