Cấy ghép Implant – Đánh giá tổng quan vị trí và yếu tố nguy cơ.

Bài viết này đưa ra góc nhìn liên quan đến việc đánh giá vị trí cấy ghép và ổn định Implant, đồng thời nhìn nhận về các yếu tố nguy cơ đối với quá trình phẫu thuật trên bệnh nhân tại phòng khám. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết dưới đây.

cay-ghep-1

1. Đánh giá vị trí cấy ghép và ổn định Implant

Đánh giá vị trí cấy ghép là một yếu tố quan trọng đối với sự thành công trước mắt và lâu dài của implant. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vị trí phẫu thuật, bao gồm dạng sinh học và khối lượng mô mềm, chất lượng và hình dạng xương, tình trạng lành thương của ổ răng, mô nha chu của các răng kế cận, sự hiện diện của bệnh lý, và các vấn đề thẩm mỹ. Ở bệnh nhân này, cấy ghép tức thì là khả thi bởi vì bệnh nhân có hầu hết các yếu tố chính thuận lợi mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý là nướu có dạng sinh học mỏng có thể là một yếu tố nguy cơ cho thẩm mỹ do tiêu bản xương ngoài và tụt mô mềm. Nếu bản xương ngoài bị tiêu và implant được đặt mà không ghép xương, thì nguy cơ tụt mô mềm và mất thẩm mỹ sau phục hình là rất lớn. Do đó, trong trường hợp nướu có dạng sinh học mỏng và dạng vỏ sò cao, thì nên kết hợp ghép mô. Ngoài ra, nên sử dụng những kỹ thuật xâm lấn tối thiểu để ngăn ngừa tổn thương mô cứng và mô mềm. Bên cạnh các kỹ thuật phẫu thuật, vị trí cấy ghép phải có chất lượng và khối lượng mô cứng và mô mềm tối ưu cũng như không có tổn thương bệnh lý. Trong tất cả các yếu tố phẫu thuật ảnh hưởng đến sự thành công của implant, yếu tố liên quan và quyết định nhất trong tình huống cấy ghép tức thì chính là độ ổn định sơ khởi. Và đây cũng là điều kiện bắt buộc của phương án điều trị tải lực tức thì. Như đã báo cáo trong case lâm sàng này, độ ổn định sơ khởi đã đạt được và được đánh giá bằng các kỹ thuật chẩn đoán hỗ trợ, trong đó có dụng cụ Osstell. Mối lo ngại về sự dịch chuyển implant xuất phát từ quan niệm các vi dịch chuyển có thể cản trở sự lành thương xương. Sự mô liên kết hóa đã được ghi nhận ở các implant có độ ổn định sơ khởi kém. Điều này cũng đã được minh họa bởi nhiều nghiên cứu cho thấy sự vi dịch chuyển vượt quá 100-150 micrometer sẽ ảnh hưởng đến sự lành thương và thậm chí là thúc đẩy sự hóa sợi. Do đó, chẩn đoán vị trí cấy ghép kết hợp đánh giá implant trước và sau phẫu thuật là những công cụ giúp tiên lượng sự tích hợp xương và sự thành công của implant.

Độ ổn định của implant có thể được đánh giá bằng nhiều cách, chẳng hạn như mô-men quay ngược, tiếp xúc xương-implant, vi dịch chuyển, và phân tích tần số cộng hưởng (tức là thương số độ ổn định implant hay ISQ). Dụng cụ Osstell đã được phát triển vào năm 1999 bởi Integration Diagnostics Ltd (Thụy Điển). Phương pháp này cho phép đánh giá độ ổn định của implant bằng cách đo tần số dao động của implant trong xương. ISQ thay đổi từ 0-100. Implant có ISQ từ 70-85 được xem là rất ổn định (có thể tải lực), 65-70 là ổn định trung bình (phương pháp 1 thì), và 60-65 là ổn định tối thiểu (phương pháp 2 thì). Dụng cụ Osstell có thể được sử dụng để đánh giá độ ổn định sơ khởi, theo dõi độ ổn định sau phẫu thuật, và chẩn đoán các hoạt động quá tải bất lợi trong giai đoạn đầu. ISQ đã được chứng minh là một phương pháp tiêu chuẩn giúp đánh giá những thay đổi sinh học trong mối quan hệ xương- implant.

Mô-men quay (torque) là ma sát quay giữa implant với xương và thường được đo bằng đơn vị newton centimet (Ncm). Torque xuôi là ma sát giữa đầu implant với xương và ma sát giữa bề mặt implant với xương. Torque neo chặn được đo khi implant đã được vặn hoàn toàn, còn forque ngược được sử dụng để kiểm tra ma sát giữa implant với xương xung quanh, nhưng nó có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tích hợp xương.

2. Yếu tố nguy cơ

Có một số yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn tại của implant. Các yếu tố toàn thân và tại chỗ có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát và các bệnh lý toàn thân khác đều có thể có kết quả kém. Những thất bại của implant trong xương được chia thành sớm và muộn. Thất bại sớm là do không thể thiết lập sự tiếp xúc giữa implant với xương. Thất bại muộn thường liên quan đến tình trạng viêm do mảng bám và tải lực nhai quá mức. Thất bại sớm đặc biệt liên quan với cao huyết áp, bệnh lý dạ dày, loãng xương, đái tháo đường loại l và II, hóa trị, và uống thuốc. Hút thuốc lá nhiều cũng được xem là một chống chỉ định tương đối của cấy ghép tức thì do giảm tuần hoàn máu ngoại vi và chậm
lành thương mô.

Các yếu tố tại chỗ của xương và mô mềm là những yếu tố quan trọng đối với sự thành công của implant. Cấy ghép một implant có tỷ lệ tồn tại cao hơn và biến chứng thấp hơn so với cấy ghép nhiều implant. Chất lượng xương và mức độ tiêu xương ảnh hưởng đến kết quả sớm và muộn. Ngoài ra, sự hiện diện của bản xương ngoài, dạng sinh học dày của mô mềm, hướng và vị trí implant tối ưu cũng ảnh hưởng đến sự thành công của điều trị.

Đặt implant tức thì có nguy cơ biến chứng thẩm mỹ cao. Do đó, chẩn đoán chính xác kết hợp với ghép mô cứng và mô mềm thường cần thiết. Một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy thiếu niêm mạc mặt ngoài là biến chứng chính trong cấy ghép tức thì. Để đủ niêm mạc mặt ngoài, implant phải được đặt theo hướng trục răng và niêm mạc phải được nâng đỡ bởi bản xương ngoài có đủ độ dày và chiều cao. Độ cao gai nướu cũng là một yếu tố quan trọng khác, và nó có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm kỹ thuật nhổ răng, đường rạch, thời gian đặt implant, và mối quan hệ với mô cứng, mô mềm và răng kế cận. Như vậy, các yếu tố sinh học và phẫu thuật đều có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *