Viêm là một phản ứng bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh và các yếu tố bên ngoài. Quá trình viêm được kích hoạt bởi các chất cytokine, chemokine và các tế bào miễn dịch, có thể gây ra các triệu chứng như đau, sưng, nóng và đỏ, quá trình viêm quá mức có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và cần được điều trị kịp thời.
1. Giới thiệu về phản ứng viêm
Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước sự tổn thương mô do vi sinh vật, chấn thương vật lý hoặc các yếu tố bên ngoài khác. Phản ứng viêm là quá trình phức tạp bao gồm nhiều sự kiện trong mạch máu và tế bào khác nhau, nhằm loại bỏ các vi sinh vật và khởi động quá trình tái tạo mô.
2. Sự kiện diễn ra trong mạch máu
Sự giải phóng histamin, serotonin, prostaglandin, bradykinin và leukotrien từ các mô tổn thương, tế bào nội mạc, tiểu cầu, basophils và mast cells kích hoạt một loạt chuỗi các sự kiện trong phản ứng viêm. Chuỗi này bao gồm sự giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch, bộc lộ những phân tử bám dính, sự di chuyển của các tế bào bạch cầu (WBCs) vào hướng về phía vi sinh vật (hoá hướng động).
- Sự giãn mạch dẫn đến tăng dòng máu đến vùng bị vi sinh vật xâm nhập, gây ra sự đỏ và nóng.
- Tăng tính thấm thành mạch tăng cường cho phép protein huyết thanh và WBCs ra khỏi mạch máu và vào mô, gây ra sưng và đau.
- Bộc lộ những phân tử bám dính cho phép WBCs rời khỏi mạch máu và vào mô nơi vi sinh vật đang có mặt.
+ Giai đoạn đầu quá trình viêm: P-selectins: Gắn với phân tử Sialyl-Lewis trên WBCs và giữ chúng gần với thành mạch (margination); PE-cams: Cho phép WBCs di chuyển giữa các tế bào nội mô của thành mạch (diapedesis).
+ Giai đoạn muộn quá trình viêm: Sau khi WBCs đến vùng bị tổn thương, chúng tiết IL-1, IL-8, TNF-alpha. Từ đó, tiếp tục bộc lộ của các phân tử bám dính ở gian đoạn muộn E-selectins (tương tự P-selectins); PE-cams; I-Cams, V-Cams: Gắn với các integrin trên WBCs trên thành mạch và giữ chúng chặt vào thành (Tight Binding) - Hoá hướng động: Sự di chuyển của WBCs về hướng vi sinh vật được kích hoạt bởi leukotrien, C5a, IL-8 và yếu tố kích hoạt tiểu cầu, các yếu tố này đóng vai trò như tín hiệu để hướng dẫn WBCs đến vi sinh vật. Các WBCs được kích hoạt sẽ giải phóng thêm IL-1,TNF-alpha, kích thích các cơ quan:
+ Gan: Phóng thích các protein đáp ứng với phản ứng viêm cấp: IL-6, Ferritin, Fibrinogen, Haptoglobin, CRP, Ceruloplasmin,…
+ Não: Kích thích hạ đồi làm tăng nhiệt độ cơ thể gây ra sốt.
+ Tủy đỏ: Dưới tác dụng của IL-1, TNF alpha, IL-3, IL-5,… gây tăng sinh WBCs.
3. Sự kiện tế bào trong phản ứng viêm
WBCs rời khỏi mạch máu và đi vào mô nơi vi sinh vật đang có mặt, dẫn đến các sự kiện tế bào khác nhau, bao gồm thực bào (phagocytosis) và tiêu diệt vi sinh vật không đặc hiệu.
- Hiện tượng thực bào chủ yếu bởi neutrophils và macrophages. Neutrophils và macrophages thực bào vi sinh vật, đưa nó vào tế bào, tạo thành phagosome, kết hợp với lysosomes để tạo thành phagolysosome. Các enzyme lysosome phân hủy các phân tử lớn của vi sinh vật thành các mảnh nhỏ và mang đến các hạch bạch huyết gần đó. Neutrophils cũng tiêu diệt các vi sinh vật này trong phagolysosome thông qua sự “bùng nổ hô hấp” (respiratory burst), trong khi macrophages biểu hiện kháng nguyên trên các phân tử MHC II trên bề mặt tế bào, tương tác với các tế bào T-helper.
- Tiêu diệt vi sinh vật không đặc hiệu được thực hiện bởi các tế bào tiêu diệt tự nhiên (Natural killer cell), được kích hoạt thông qua phức hợp MHC I hoặc qua quá trình gây độc tế bào qua kháng thể phụ thuộc (ADCC – Antibody dependent cell mediated cytotoxicity):
+ Phức hợp MHC I: Khi virus xâm nhập vào tế bào mô, virus sẽ làm biểu lộ MHC I bất thường hoặc ức chế việc hình thành MHC I bình thường của tế bào. Từ đó, kích hoạt các tế bào NK phóng thích perforin và granzymes, kích hoạt quá trình chết tế bào theo chương trình (apoptotic) của các tế bào bị nhiễm virus.
+ Gây độc tế bào qua kháng thể phụ thuộc: Kháng thể IgG được tạo bởi tương bào (plasma cells) sẽ gắn với kháng nguyên của virus đã được bộc lộ trên phức hợp MHC I của tế bào nhiễm virus. Các tế bào NK được kích hoạt thông qua gắn với phần Fc của kháng thể IgG qua protein CD-16. Tiếp tục phóng thích perforin và granzymes nhằm kích hoạt quá trình chết tế bào theo chương trình (apoptotic) của các tế bào bị nhiễm virus.
4. Kết luận
Viêm là quá trình quan trọng trong phản ứng miễn dịch của cơ thể trước sự tổn thương mô do vi sinh vật hoặc các yếu tố bên ngoài khác. Các sự kiện mạch máu và tế bào trong viêm nhằm loại bỏ các vi sinh vật và khởi động quá trình tái tạo mô. Hiểu rõ các quá trình phức tạp liên quan đến viêm là rất quan trọng để có một thái độ xử trí hớp lí đối với phản ứng viêm: Tăng cường đề kháng, loại bỏ yếu tố gây viêm, giải quyết kịp thời biến chứng có hại trong quá trình viêm.
Các độc giả có thể truy cập vào trang web vinmecdr.com, để tham khảo thêm những bài viết chuyên sâu về hệ miễn dịch của cơ thể con người.
Tài liệu tham khảo
Abul K Abbas, Andrew H. Lichtman, and Shiv Oillai. 2021. Cellular and Molecular Immunology. 10th ed.
Leave a Reply