Bài viết này nói về một số triệu chứng bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh nhân phẫu thuật Implant. Nha sĩ cần có đánh giá và nhìn nhận, tiên lượng đúng đắn đối với những trường hợp bệnh lý được liệt kê dưới đây để giảm thiểu tác động của chúng đối với thành công điều trị. Cùng tìm hiểu.
1. Loạn sản ngoại bì – Tăng nguy cơ ảnh hưởng đến điều trị Implant
Đây là bệnh di truyền đặc trưng bởi sự loạn sản bẩm sinh của một hoặc nhiều cấu trúc ngoại bì. Những biểu hiện ngoài mặt và trong miệng thường gặp gồm có khiếm khuyết nang lông và lông mày, trán gồ, sống mũi tẹt, môi dày, thiếu răng hoặc không có răng, răng hình nón, và răng thưa. Đã có một số báo cáo một case và loạt case về những bệnh nhân loạn sản ngoại bì được điều trị cấy ghép nha khoa. Hầu hết cho thấy tỷ lệ cấy ghép thành công cao ở những bệnh nhân trưởng thành; trong khi đó các báo cáo ở trẻ em và thiếu niên, chủ yếu là implant được đặt ở hàm trên hoặc vùng tiếp khớp phía trước xương hàm dưới, lại cho kết quả kém hơn. Độ tuổi phù hợp nhất để điều trị cấy ghép nha khoa ở trẻ em đang tăng trưởng vẫn còn đang được tranh cãi. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu có nhóm chứng nào chứng minh tác động tích cực hoặc tiêu cực của bệnh lý này lên điều trị cấy ghép.
2. Lichen phẳng
Lichen phẳng là một bệnh tự miễn qua trung gian tế bào T thường gặp, không rõ nguyên nhân, hầu như chỉ ảnh hưởng đến biểu mô gai lát tầng. Người ta cho rằng cấy ghép nha khoa là không lý tưởng ở bệnh nhân lichen phẳng do giảm khả năng bám dính của biểu mô vào bề mặt titanium. Các báo cáo bệnh-chứng đã ghi nhận kết quả cấy ghép thành công ở bệnh nhân lichen phẳng. Viêm niêm mạc quanh implant và viêm quanh implant dường như thường xảy ra ở bệnh nhân lichen phẳng hơn so với nhóm chứng, và viêm nướu tróc vảy có liên quan đến tỷ lệ cao hơn của viêm niêm mạc quanh implant. Mặc dù vậy, cấy ghép implant không ảnh hưởng đến sự biểu hiện lichen phẳng. Việc theo dõi dài hạn tổn thương lichen phẳng và implant là cần thiết. Theo y văn hiện nay, lichen phẳng là một yếu tố nguy cơ của phẫu thuật cấy ghép và sự thành công lâu dài không thể được đánh giá chính xác.
3. Xơ cứng bì – Ảnh hưởng đến quá trình điều trị Implant
Đây được định nghĩa là rối loạn đa hệ thống, đặc trưng bởi những thay đổi viêm, mạch máu, và xơ cứng da cùng nhiều cơ quan nội tạng khác, đặc biệt là phổi, tim, và đường tiêu hóa. Đặc điểm lâm sàng điển hình ở vùng mặt gồm vẻ mặt đơ cứng, môi mỏng, miệng nhỏ, rãnh vòng miệng, xơ cứng dây chằng dưới lưỡi, và cứng lưỡi. Da mặt và da môi cũng như niêm mạc trong miệng căng, gây cản trở hoặc phức tạp cho điều trị nha khoa. Trong y văn chỉ có một vài báo cáo case với tối đa 2 bệnh nhân xơ cứng bì được điều trị cấy ghép nha khoa. Theo một tổng quan gần đây, không có thêm nghiên cứu có nhóm chứng nào về xơ cứng bì được ghi nhận, và do đó, mức độ bằng chứng về hiệu quả cấy ghép nha khoa ở những bệnh nhân này vẫn còn thấp.
4. Rối loạn tâm-thần kinh.
Y văn về cấy ghép nha khoa ở bệnh nhân có rối loạn tâm-thần kinh khá ít ỏi và mâu thuẫn với nhau. Một số báo cáo một case và loạt case đã ghi nhận kết quả cấy ghép thành công ở bệnh nhân có các mức độ khuyết tật thể chất và tinh thần khác nhau, bao gồm bại não, hội chứng Down, rối loạn tâm thần, chứng mất trí, chứng hầu ăn, bệnh Parkinson và động kinh nặng [105-108]. Tuy nhiên, vệ sinh răng miệng kém, thói quen cận chức năng như nghiến răng, thói quen xấu như mút ngón tay, và các vấn đề hành vi khá phổ biến ở những bệnh nhân có bệnh lý tâm-thần kinh, và cấy ghép nha khoa ở những bệnh nhân này có thể dẫn tới biến chứng. Do đó, sự thành công của phục hồi chủ yếu phụ thuộc vào việc lựa chọn bệnh nhân phù hợp, và tham vấn y khoa đầy đủ trước khi điều trị cấy ghép. Tuy nhiên, cần nhớ rằng những bệnh nhân bị bệnh lý ảnh hưởng đến kỹ năng vận động có thể được hưởng lợi từ hàm phủ trên implant. Ngược lại, cần tránh làm cầu răng toàn hàm cố định trên implant do khó làm sạch hiệu quả.
5. Hội chứng Sjögren
Đây là bệnh tự miễn mạn tính ảnh hưởng đến các tuyến ngoại tiết, chủ yếu là tuyến nước bọt và tuyến mồ hôi. Triệu chứng phổ biến nhất là cực kỳ mệt mỏi, kèm theo khô mắt (viêm giác kết mạc thể khô) và khô miệng. Khô miệng có thể dẫn tới khó nuốt, sâu răng tiến triển và trầm trọng, và nhiễm trùng miệng. Hiện nay chưa có cách chữa hội chứng Sjögren, và điều trị chủ yếu là điều trị giảm nhẹ. Y văn về điều trị cấy ghép ở những bệnh nhân bị hội chứng Sjögren rất ít. Không có nghiên cứu có nhóm chứng nào; nhưng có một nghiên cứu loạt case cho thấy tỷ lệ thất bại của implant là 16.7% và tỷ lệ thất bại của bệnh nhân là 50%.
6. Nhược giáp – Ảnh hưởng đến bệnh lý toàn thân
Rối loạn tuyến giáp ảnh hưởng đến sự chuyển hóa xương. Thyroxine và một phần friiodothyronine có vai trò điều hòa một số quá trình cân bằng nội môi. Trong gãy xương và tổn thương mô mềm, các hormone này sẽ kiểm soát sự lành thương. Nhược giáp làm giảm sự huy động, trưởng thành, và hoạt động của các tế bào xương, có thể là do giảm nồng độ tuần hoàn của yếu tố tăng trưởng giống insulin-1; điều này cản trở sự tạo xương và tiêu xương, từ đó ức chế sự lành thương của vết gãy. Do đó, người ta giả thuyết rằng tình trạng nhược giáp sẽ đưa đến khả năng thất bại cao hơn của sự tích hợp xương. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu lại không ghi nhận được mối liên quan giữa tình trạng tuyến giáp với tỷ lệ thành công của implant. Như vậy, ở bệnh nhân được kiểm soát thì nhược giáp không ảnh hưởng đến sự tồn tại của implant.
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
Leave a Reply