Vấn đề liên quan đến đánh giá bệnh nhân cấy ghép Implant.

Đối với Nha sĩ, việc nắm vững liên quan đến vấn đề đánh giá bệnh nhân cấy ghép Implant rất quan trọng . Cùng tìm hiểu các vấn đề liên quan này bằng các câu hỏi thực tế lâm sàng, giúp ích được rất nhiều trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

van-de-lien-quan-1

1. Vấn đề liên quan đến đánh giá toàn thân quan trọng đối với bệnh nhân cấy ghép nha khoa

Có một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của cấy ghép nha khoa. Các yếu tố toàn thân là một trong số đó và có ảnh hưởng lớn đến kết quả cấy ghép. Bất kỳ tình trạng toàn thân nào gây ảnh hưởng hoặc làm thay đổi quá trình chu chuyển xương và lành thương đều phải được xem xét cẩn thận. Theo một tổng quan hệ thống gần đây, rõ ràng là hút thuốc lá và xạ trị (trước hoặc sau đặt implant) đều có nguy cơ thất bại implant cao hơn (lần lượt là 35% và 70%). Đối với những bệnh lý y khoa khác, chẳng hạn như đái tháo đường, người ta ngày càng thấy rõ rằng kiểm soát đường huyết kém không phải là chống chỉ định tuyệt đối của implant, với điều kiện là phải điều hòa đường huyết trong thời gian chờ tích hợp implant. Những bệnh lý toàn thân khác thường gặp mà có thể ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị gồm có cao huyết áp không kiểm soát, sử dụng thuốc chống đông, sử dụng bisphosphonate, hoặc tâm thần. Trong những trường hợp đó, cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa của bệnh nhân. Do đó, việc đánh giá toàn diện tình trạng toàn thân là vô cùng quan trọng trước khi lên kế hoạch cấy ghép nha khoa.

2. Tỷ lệ thành công của cấy ghép nha khoa khác nhau giữa người hút thuốc lá với người không hút thuốc lá?

Người ta nhận thấy hút thuốc lá ảnh hưởng đến mô nha chu theo nhiều cơ chế. Hút thuốc lá được ghi nhận là ảnh hưởng xấu đến hệ vi khuẩn trong miệng, ức chế hệ miễn dịch, và làm thay đổi hệ vi mạch, từ đó gây chậm lành thương. Người hút thuốc lá có nguy cơ thất bại implant gấp hai lần so với người không hút thuốc lá. Ngoài tỷ lệ cấy ghép thành công thấp hơn, tỷ lệ viêm quanh implant (một tình trạng tương tự như viêm nha chu ở răng thật) cũng đã được ghi nhận là cao hơn ở người hút thuốc lá so với người không hút thuốc lá. Mặc dù hút thuốc lá không phải là chống chỉ định tuyệt đối của implant nhưng việc giải thích nguy cơ cấy ghép thất bại cao hơn cho bệnh nhân hút thuốc lá là trách nhiệm của bác sĩ điều trị.

3. Vấn đề liên quan đến đánh giá nha chu quan trọng như thế nào trước khi lên kế hoạch cấy ghép nha khoa?

Khám mô nha chu cẩn thận trước khi cấy ghép cũng quan trọng như đánh giá tình trạng toàn thân của bệnh nhân bởi vì việc này cho phép bác sĩ thu thập thông tin về tình trạng bệnh nha chu hiện tại, tình trạng vệ sinh răng miệng, và các thông số niêm mạc-nướu như mức độ thắng bám, chiều rộng niêm mạc sừng hóa, và độ sâu ngách hành lang của bệnh nhân. Một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân có tiền sử viêm nha chu (đặc biệt là dạng tiến triển) có nguy cơ thất bại implant và tiêu xương cao hơn. Vệ sinh răng miệng kém được xem là một yếu tố nguy cơ quan trọng khác của cấy ghép thất bại. Một số tình trạng niêm mạc- nướu, chẳng hạn như ngách hành lang cạn hoặc thắng bám cao, có thể cần xử lý mô mềm ngoài việc đặt implant. Có bằng chứng cho thấy thiếu niêm mạc sừng hóa quanh implant có nguy cơ tích tụ mảng bám, viêm, và tụt niêm mạc cao hơn. Do đó, khám mô nha chu kỹ lưỡng sẽ hướng dẫn bác sĩ điều chỉnh phương pháp điều trị dựa trên kết quả khám nha chu.

4. Những đánh giá nào tại vị trí cấy ghép cần được thực hiện trước khi đặt implant?

Để đặt implant có đường kính và chiều dài tiêu chuẩn thì đủ thể tích xương theo chiều ngoài-trong và trên-dưới là điều kiện tiên quyết. Do đó, đánh giá vị trí cấy ghép, bao gồm đánh giá chiều cao và chiều rộng xương, cần được tiến hành. Điều này được thực hiện bằng cách đo đạc kỹ thuật số và các kỹ thuật hình ảnh. Như một quy tắc chung, đối với implant đường kính 4 mm thì mào xương theo chiều gần-xa và độ dày xương theo chiều ngoài trong tối thiểu là 7 mm để có thể đặt implant an toàn mà không xâm phạm các cấu trúc giải phẫu lân cận hoặc bị thiếu hụt xương. Một hướng dẫn chung là implant cần cách răng kế cận ít nhất 1.5 mm và 2 implant kế nhau nên cách nhau tối thiểu 3 mm. Một điều nữa cũng quan trọng là phải đảm bảo đủ khoảng cách từ bệ chuyển implant dự kiến đến răng đối diện để có thể làm phục hình trên implant với abutment và mão răng đúng kích cỡ.

5. Đánh giá thẩm mỹ để lên kế hoạch cấy ghép ở vùng thầm mỹ gồm những thành phần nào?

Phân tích thẩm mỹ cho một bệnh nhân implant bao gồm các yếu tố sau:

  • Đường cười (cao, trung bình, và thấp) và đường viền nướu
  • Nướu dày hay mỏng
  • Kích thước răng và sự sắp xếp răng
  • Hình dạng thân răng lâm sàng
  • Tỷ lệ chiều rộng/chiều cao của thân răng lâm sàng
  • Giải phẫu mô cứng và mô mềm tại vị trí cấy ghép
  • Chiều cao xương kế cận (trên phim X-quang)
  • Đánh giá khớp cắn (cắn chìa và cắn phủ).

6. Các điểm mốc giải phẫu nào phải được kiểm tra cẩn thận vì có thể ảnh hưởng đến việc điều trị?

Ở hàm trên, nếu vị trí implant dự kiến nằm gần xoang hàm, hốc mũi, và ống mũi-khẩu cái thì những vị trí đó phải được đánh giá cẩn thận để tránh xâm phận các cấu trúc này khi đặt implant. Ở hàm dưới, việc đánh giá vị trí ngoài-trong và trên-dưới của ống thần kinh răng dưới trong xương và mức độ khuyết mặt trong là quan trọng. Điều này thường được thực hiện bằng cách chụp CBCT tại vị trí quan tâm. Một quy tắc chung là phải duy trì khoảng cách an toàn tối thiểu 2 mm giữa implant và ống thần kinh răng dưới (để bù trừ cho sự biến dạng phim). Trong một số trường hợp, có thể nhìn thấy các bó mạch-thần kinh xuất phát từ mặt trong vùng răng trước hàm dưới gần đường giữa. Bất kỳ chấn thương nào cho những mạch máu này có thể gây xuất huyết trầm trọng ở vùng dưới lưỡi và có thể gây đe dọa tính mạng.

7. Các đánh giá hỗ trợ trước phẫu thuật nào cần cho từng trường hợp cụ thể?

Ngoài khám lâm sàng (bao gồm đánh giá mô nha chu), một số trường hợp còn cần các đánh giá hỗ trợ chẩn đoán như phim X-quang, mẫu sáp chẩn đoán, và hình chụp lâm sàng để giúp chẩn đoán và/hoặc lên kế hoạch điều trị. Phim X-quang bao gồm phim quanh chóp, phim cắn cánh, phim toàn cảnh, hoặc CBCT. CBCT có nhiều ưu điểm hơn các phim khác bởi vì nó cung cấp thông tin 3 chiều về vị trí điều trị dự kiến. Nó còn cho phép bác sĩ đánh giá chính xác sự liên quan với các cấu trúc giải phẫu quan trọng. Thực hiện mẫu sáp chẩn đoán cho phép bác sĩ xác định nhu cầu sửa soạn thêm vị trí cấy ghép, giúp giáo dục bệnh nhân, và làm máng hướng dẫn phẫu thuật. Hình chụp lâm sàng cũng là công cụ hỗ trợ chẩn đoán hữu ích, đặc biệt là trong những trường hợp thẩm mỹ răng trước, giúp thu thập dữ liệu về đường cười của bệnh nhân và thảo luận case với đồng nghiệp.

8. Biến dạng sống hàm được phân loại như thế nào?

Có một số cách phân loại biến dạng sống hàm, nhưng phân loại được sử dụng phổ biến nhất là phân loại của Seiberf năm 1983. Phân loại này ban đầu được đề xuất cho cải thiện mô mềm, nhưng hiện nay nó đã được thay đổi và sử dụng rộng rãi trong trường hợp chuẩn bị vị trí cấy ghép.

Có 3 loại biến dạng sống hàm theo Seibert là:

Loại I – fiêu xương theo chiều ngoài trong;

Loại II – fiêu xương theo chiều trên-dưới;

Loại III – kết hợp tiêu xương theo chiều ngoài-trong và trên-dưới.

Nguồn tài liệu:

1. Chen H, Liu N, Xu X, et al. Smoking, radiotherapy, diabetes and osteoporosis as risk factors for dental implant failure: a meta-analysis. PLoS One 2013;8(8):e71955.

2. Oates TW, Huynh-Ba G, Vargas A, et al. A critical review of diabetes, glycemic control, and dental implant therapy. Clin Oral Implants Res 2013;24(2):117-127.

3. Johnson GK, Hill M. Cigarette smoking and the periodontal patient. J Periodontol 2004;75(2):196–209.

4. Heitz-Mayfield LJ, Huynh-Ba G. History of treated periodontitis and smoking as risks for implant therapy. Int J Oral Maxillofac Implants 2009;24(Suppl):39–68.

5. Safii SH, Palmer RM, Wilson RF. Risk of implant failure and marginal bone loss in subjects with a history of periodontitis: a systematic review and meta-analysis. Clin Implant Dent Relat Res 2010;12(3):165–174.

6. Heitz-Mayfield LJ. Peri-implant diseases: diagnosis and risk indicators. J Clin Periodontol 2008;35(8 Suppl):292–304.

7. Lin GH, Chan HL, Wang HL. The significance of keratinized mucosa on implant health: a systematic review. J Periodontol 2013;84:1755-1767

8. Weber HP, Buser D, Belser UC. Examination of the candidate for implant therapy. In: Lindhe J, Lang NP, Karring T (eds), Clinical Periodontology and Implant Dentistry, 5th edn. Oxford: Wiley-Blackwell; 2008, pp 587-599.

9. Benavides E, Rios HF, Ganz SD, et al. Use of cone beam computed tomography in implant dentistry: the International Congress of Oral Implantologists consensus report. Implant Dent 2012;21(2):78-86.

10. Handelsman M. Surgical guidelines for dental implant placement. Br Dent J 2006;201(3):139–152.

11. Seibert JS. Reconstruction of deformed partially edentulous ridges using full thickness onlay grafts: part I – technique and wound healing. Compend Contin Educ Dent 1983;4:437-453.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *