Bệnh lý Y khoa nguy cơ không đáng kể đến điều trị Implant.

Các bệnh lý Y khoa nguy cơ không đáng kể đến điều trị Implant có thể kể đến như loãng xương, bệnh Crohn’s, bệnh tim mạch và hút thuốc lá. Cùng tìm hiểu lần lượt các đặc điểm về từng bệnh lý/đặc điểm lâm sàng và có cái nhìn đánh giá trực quan đối với các nguy cơ trong quá trình điều trị Implant.

benh-ly-y-khoa

1. Loãng xương – Bệnh lý y khoa nguy cơ không đáng kể đến điều trị Implant

Đây là một bệnh chuyển hóa thường gặp, đặc trưng bởi sự giảm khối lượng và mật độ xương toàn bộ mà không kèm theo bất thường xương nào khác, và tăng nguy cơ và/hoặc tỷ lệ gãy xương. Tổ chức Y tế Thế giới đã thiết lập tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương dựa trên số đo mật độ xương xác định bằng máy đo độ hấp thụ tia X năng lượng kép ngoại biên. Chẩn đoán loãng xương được thiết lập khi mật độ khoáng xương T có độ lệch chuẩn thấp hơn tối thiểu 2.5 so với dân số trẻ trung bình (T≤ 2.5). Mối lo ngại chính của loãng xương trong cấy ghép implant là nó có khả năng làm thay đổi chất lượng xương, sự tạo xương, hoặc sự lành thương, từ đó ảnh hưởng đến sự tích hợp xương. Khi đánh giá xem liệu cấy ghép implant ở bệnh nhân có loãng xương có kết quả dài hạn khác biệt hay không, mặc dù đã có báo cáo về tỷ lệ thất bại cao hơn trên động vật và bệnh nhân, nhưng một tổng quan hệ thống nhận thấy không có mối liên quan giữa mật độ khoảng xương toàn thân (BMD), BMD hàm dưới, chất lượng xương với sự thất bại của implant, từ đó kết luận rằng loãng xương không phải là chống chỉ định của cấy ghép nha khoa. Một nghiên cứu khác cũng không ghi nhận được mối liên quan giữa loãng xương với viêm quanh implant, và ngay cả những bệnh nhân loãng xương trầm trọng cũng đã được phục hồi thành công bằng phục hình trên implant. Các tác giả trong một nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng theo những bằng chứng hiện nay, một mình loãng xương không ảnh hưởng đến sự thành công của implant. Tuy nhiên, một tổng quan khác lại nhận thấy có mối tương quan yếu giữa loãng xương với nguy cơ cấy ghép thất bại. Do đó, cần đánh giá toàn diện và phân tích chính xác chất lượng xương trước khi đặt implant. Một biến chứng khác có thể xảy ra ở bệnh nhân loãng xương là sự chu chuyển xương tại giao diện implant có thể bị ảnh hưởng do việc sử dụng thuốc chống hủy xương và có nguy cơ hoại tử xương hàm do bisphosphonate (BRONJ).

2. Bệnh Crohn’s

Đây là rối loạn viêm đường tiêu hóa mạn tính vô căn và có thể ảnh hưởng đến hốc miệng. Quá trình bệnh đặc trưng bởi sự bùng phát và suy giảm lặp đi lặp lại. Bệnh Crohn’s được xem là chống chỉ định tương đối của cấy ghép nha khoa. Nó liên quan đến sự thiếu hụt dinh dưỡng và khiếm khuyết miễn dịch, do đó nó có thể làm giảm sự thành công của implant. Tuy nhiên, y văn về hiệu quả của implant ở bệnh nhân bị bệnh Crohn’s vẫn còn khan hiếm với mức độ bằng chứng rất thấp. Trong các nghiên cứu tiến cứu và hồi cứu khác nhau, người ta nhận thấy implant đặt ở bệnh nhân bị bệnh Crohn’s đã tích hợp thành công, rất ít thất bại sớm. Do bằng chứng còn ít ỏi nên vẫn chưa thể rút ra kết luận cuối cùng, nhưng cần thận trọng khi lên kế hoạch implant ở những bệnh nhân này. Các phức hợp kháng nguyên-kháng thể tuần hoàn trong bệnh Crohn’s có thể gây ra quá trình viêm tự miễn ở một số bộ phận trong cơ thể. Những yếu tố liên quan đến bệnh lý này, chẳng hạn như thuốc hoặc suy dinh dưỡng, cũng đóng một vai trò quan trọng trong cấy ghép.

3. Bệnh tim mạch – Bệnh lý Y khoa nguy cơ không đáng kể

Có 5 dạng bệnh tim mạch (cao huyết áp, xơ vữa động mạch, hẹp mạch máu, bệnh mạch vành, và suy tim sung huyết) có thể ảnh hưởng quá trình lành thương, tùy thuộc vào sự cung cấp oxy từ dòng máu bình thường. Bệnh tim toàn thân có thể gây nguy hiểm và làm giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng ở mô xương, từ đó ảnh hưởng đến sự tích hợp xương của implant. Một vài tác giả còn cho rằng bệnh nhân có bệnh tim toàn thân là chống chỉ định tương đối của cấy ghép nha khoa do có nguy cơ phát triển viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cao hơn. Ngược lại, dường như không tồn tại mối tương quan giữa việc không tích hợp xương của implant với bệnh tim toàn thân, theo kết luận của một nghiên cứu hồi cứu: tỷ lệ thất bại của implant là tương tự nhau giữa nhóm bệnh tim mạch và nhóm chứng. Mặc dù gây ra những thay đổi sinh lý, nhưng bệnh tim mạch dường như không ảnh hưởng đến sự thành công lâm sàng của implant. Ngoài ra, theo 2 nghiên cứu hồi cứu và 1 nghiên cứu tiến cứu từ một trung tâm, các nhà nghiên cứu cũng không phát hiện mối liên quan giữa thất bại sớm của implant với bệnh tim mạch, kể cả những bệnh nhân có bệnh tim mạch không có khả năng liên quan (chẳng hạn như đau thắt ngực, bất thường van tim, và loạn nhịp tim). Y văn về tỷ lệ thành công và thất bại của implant ở những bệnh nhân tim mạch vẫn còn khan hiếm. Các nghiên cứu sâu hơn về implant thực hiện chức năng là cần thiết, nhưng dường như bệnh tim mạch không làm giảm tỷ lệ tồn tại ban đầu của implant. Mặc dù vậy, cần nhớ rằng bệnh nhân fim mạch thường uống thuốc kiểm soát, từ đó có thể tác động đến điều trị cấy ghép.

4. Hút thuốc lá.

Người hút thuốc lá được phân loại tình trạng thể chất ASA II (bệnh lý toàn thân nhẹ). Các sản phẩm phụ từ thuốc lá như nicotine, carbon monoxide, và hydrogen cyanide gây ra các đáp ứng sinh học độc hại. Nicotine gây giảm hồng cầu, nguyên bào sợi, và đại thực bào, làm tăng sự bám dính tiểu cầu, và gây co mạch do phóng thích epinephrine; từ đó dẫn đến thiếu sự truyền dịch và chậm lành thương. Carbon monoxide liên kết cạnh tranh với hemoglobin, do đó làm giảm sự oxy hóa mô. Hydrogen cyanide ức chế các hệ thống enzyme cần thiết cho sự trao đổi chất oxy hóa và sự vận chuyển tế bào. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm tăng biểu hiện của các chất trung gian gây viêm (ví dụ như yếu tố hoại tử mô và prostaglandin E2), và làm giảm hóa hướng động bạch cầu đa nhân trung tính, sự thực bào, và các cơ chế đốt cháy oxy hóa. Nó cũng làm tăng sản xuất enzyme phân hủy cấu trúc nền (ví dụ như collagenase và elastase) từ bạch cầu đa nhân trung tính. Một số nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của thuốc lá đến sự thất bại của implant. Một vài nghiên cứu hồi cứu nhận thấy người hút thuốc lá có tỷ lệ thất bại cao hơn, có thể gấp 2.5 lần so với người không hút thuốc lá. Số lượng implant hàm trên bị thất bại ở người hút thuốc lá cao hơn đáng kể so với người hiện không hút thuốc lá, từ đó cho thấy hàm trên có sự chênh lệch thất bại lớn giữa người hút thuốc lá và người không hút thuốc lá. Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên tiến cứu 8 năm, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng hút thuốc lá trong thời gian dài sau cấy ghép sẽ làm giảm khả năng đáp ứng của xương hoặc mô nha chu khác theo thời gian, từ đó ảnh hưởng đến tất cả những giai đoạn điều trị tiếp theo. Người ta đề nghị rằng các ứng viên cấy ghép nên bỏ hút thuốc lá. Chỉ có một số ít nghiên cứu kết luận rằng hút thuốc lá không ảnh hưởng đến sự thành công của implant. Hai nghiên cứu hồi cứu đã kết luận hút thuốc lá không phải là yếu tố quyết định sự thất bại của implant. Một nghiên cứu khác nhận thấy implant được xử lý bề mặt có thể chống lại các tác động từ thuốc lá.

Nhìn chung, hút thuốc lá cũng thuộc nhóm bệnh lý y khoa, nguy cơ làm giảm sự thành công của implant ở hàm trên, và việc ngưng hút thuốc lá trước khi điều trị implant dường như giúp cải thiện kết quả. Nhiều tác giả cho rằng có sự liên quan đáng kể giữa hút thuốc lá với sự thất bại của implant. Việc sử dụng các implant được xử lý bề mặt có thể làm giảm nguy cơ thất bại ở người hút thuốc lá, nhưng bằng chứng này chỉ mang tính sơ bộ.

Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *