Viêm não cấp do virus ở trẻ em: Định nghĩa, dịch tễ học, chẩn đoán

Viêm não cấp là một bệnh lý nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc chẩn đoán viêm não cấp do virus ở trẻ em đang gặp nhiều khó khăn. Với những triệu chứng khác nhau, việc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị phù hợp là điều cần thiết để giúp trẻ khỏi bệnh một cách nhanh chóng và an toàn. Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về định nghĩa, dịch tễ học và chẩn đoán bệnh lý nguy hiểm này ở trẻ em.

1. Định nghĩa

Viêm não cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở mô não – có thể lan toả hay khu trú, do nhiều nguyên nhân gây nên nhưng phần lớn là do một số loại virus.

Bệnh viêm não cấp do virus có thể lây truyền qua muỗi đốt (đối với các loại arbovirus như viêm não Nhật Bản); qua đường hô hấp (như virus Herpes Simplex-HSP) hoặc qua đường tiêu hoá (như các loại virus đường ruột). Bệnh thường khởi phát cấp tính diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong và di chứng khá cao; hay gặp ở trẻ em với các độ tuổi khác nhau.

2. Dịch tễ học

Bệnh viêm não cấp gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc có xu hướng tăng vào mùa nóng (từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm).

– Viêm não Nhật Bản: Lưu hành ở hầu hết các địa phương nước ta, thường gây dịch vào các tháng 5,6,7; gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 2 đến 8; lây truyền qua trung gian muỗi đốt.

– Viêm não cấp do các virus đường ruột: bệnh xẩy ra quanh năm nhưng nhiều hơn ở các tháng từ 3 đến 6; thường gặp ở trẻ nhỏ và lây truyền qua đường tiêu hoá.

– Viêm não cấp do virus Herpes Simplex: bệnh xẩy ra quanh năm, thường gặp ở trẻ trên 2 tuổi (HSP typ 1). Trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh viêm não cấp do HSP typ 2.

– Các loại virus khác ít gặp hơn có thể xẩy ra rải rác quanh năm với các bệnh cảnh riêng; các virus cúm, sởi, quai bị, Rubella, Adenovirus, Epstein-Barr, HIV, Cytomegalovirus…

Minh-hoa-viem-nao-cap
Minh họa viêm não cấp

3. Chẩn đoán Viêm não cấp ở trẻ em

Chẩn đoán dựa vào các yếu tố dịch tễ học, các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng; loại trừ các bệnh có biểu hiện thần kinh nhưng không phải viêm não (xem phần chẩn đoán phân biệt).

3.1. Yếu tố dịch tễ

Căn cứ vào tuổi, mùa, nơi cư trú, số người mắc trong cùng một thời gian.

3.2. Lâm sàng

3.2.1. Giai đoạn khởi phát

– Sốt: sốt là triệu chứng phổ biến, xẩy ra đột ngột, sốt liên tục 39-40C nhưng cũng có khi sốt không cao;

– Nhức đầu, quấy khóc, kích thích, kém linh hoạt;

– Buồn nôn, nôn.

Có thể có các triệu chứng khác tuỳ theo loại virus như:

+ Ho, chảy nước mũi;

+ Tiêu chảy, phân không có nhày, máu;

+ Phát ban: mẩn đỏ, bọng nước hoặc ban ở lòng bàn tay, bàn chân kèm loét miệng (bệnh tay – chân – miệng gặp ở viêm não do Enterovirus 71).

3.2.2. Giai đoạn toàn phát

Sau giai đoạn khởi phát, các biểu hiện thần kinh sẽ nhanh chóng xuất hiện:

– Rối loạn tri giác từ nhẹ đến nặng như: ngủ gà, li bì, lơ mơ đến hôn mê;

– Thường có co giật;

– Có thể có các dấu hiệu thần kinh khác: dấu hiệu màng não, các dấu hiệu thần kinh khu trú (liệt nửa người hoặc tứ chi), tăng hoặc giảm trương lực cơ…

– Có thể có suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tim hoặc sốc.

3.2.3. Các thể lâm sàng

– Thể tối cấp: Sốt cao liên tục, co giật, hôn mê sâu, suy hô hấp, truỵ mạch và dẫn đến tử vong nhanh;

– Thể cấp tính: diễn biến cấp với các biểu hiện lâm sàng nặng, điển hình;

– Thể nhẹ: rối loạn tri giác mức độ nhẹ và phục hồi nhanh chóng.

3.3. Cận lâm sàng

Dịch não – tuỷ: Có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán, cần được chỉ định xét nghiệm dịch não- tuỷ sớm khi nghi ngờ viêm não.

– Dịch trong, áp lực bình thường hoặc tăng;

– Tế bào bình thường hoặc tăng từ vài chục đến vài trăm/mm3, chủ yếu là bạch cầu đơn nhân;

– Protein bình thường hoặc tăng (thường tăng nhẹ trong viêm não Nhật Bản), glucose và muối bình thường.

Chú ý:

– Nên gửi dịch não- tuỷ để làm các xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán xác định căn nguyên virus (như PCR, ELISA, phân lập virus…);

– Không nên chọc dò dịch não- tuỷ trong trường hợp có dấu hiệu tăng áp lực trong sọ có nguy cơ gây tụt (lọt) não, đang sốc, suy hô hấp nặng.

Máu

– Công thức máu: số lượng bạch cầu tăng nhẹ hoặc bình thường;

– Điện giải đồ và đường huyết thường trong giới hạn bình thường.

Các xét nghiệm xác định nguyên nhân(áp dụng tại cơ sở có điều kiện)

– Tìm kháng thể IgM đặc hiệu cho từng loại căn nguyên bằng kỹ thuật thử nghiệm miễn dịch gắn enzym (ELISA);

– Tìm kháng nguyên đặc hiệu cho từng loại căn nguyên bằng kỹ thuật phản ứng khuyếch đại chuỗi polymeza (PCR),

– Phân lập virus từ dịch não-tuỷ, máu, bọng nước ở da, dịch mũi họng, phân.

Các xét nghiệm khác:chỉ định khi cần thiết

– Điện não đồ;

– Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) não;

– Chụp tim phổi.

3.4. Chẩn đoán phân biệt

Cần loại trừ các bệnh thần kinh sau đây:

– Co giật do sốt cao;

– Viêm màng não mủ;

– Viêm màng não do lao;

– Ngộ độc cấp;

– Sốt rét thể não;

– Chảy máu não – màng não;

– Động kinh.

Nguồn tài liệu: Bộ Y tế

Xem thêm: Viêm não ở trẻ: Dấu hiệu, cách xử lý và hướng dẫn chăm sóc


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *