Viêm phổi là tình trạng tổn thương viêm nhu mô phổi, có thể lan toả hai bên phổi hoặc tập trung ở một thuỳ phổi. Vi khuẩn không điển hình là một trong các nhóm căn nguyên gây viêm phổi ở trẻ em. Loại vi khuẩn này có cấu trúc không có vách tế bào, chỉ có một màng bào tương mỏng xung quanh, không bắt màu khi nhuộm gram. Kháng sinh thông thường tác động lên vách tế bào không có tác dụng lên nhóm vi khuẩn này.
1. Nguyên nhân vi khuẩn gây viêm phổi do vi khuẩn không điển hình ở trẻ em
Có 3 loại vi khuẩn:
– Mycoplasma pneumoniae 55 – 70%
– Chlamydia pneumoniae 10 – 15%
– Legionella pneumoniae 5 – 7%, thường gặp trên trẻ có yếu tố nguy cơ như suy giảm miễn dịch, loạn sản phế quản phổi, hoặc dùng Corticoid kéo dài
Đặc điểm chung của những vi khuẩn này là chúng bám vào trong tế bào vật chủ và phát triển, phá hủy tế bào vật chủ, bởi cấu trúc vi khuẩn bị thiếu hụt một phần ở thành vách tế bào, dễ biến thể, không đủ ARN. Vi khuẩn có khả năng tạo Hydrogen peroxit phá hủy tế bào. Những vi khuẩn này đều là vi khuẩn Gram âm.
2.Giải phẫu bệnh
Tổn thương bộ máy hô hấp đa dạng. Chủ yếu ở tổ chức kẽ kèm tổn thương nhu mô phổi. Các tiểu phế quản nhỏ bị phù nề, hoại tử, nghẽn tắc mạch. Các đại thực bào và tế bào đơn nhân bị vi khuẩn phá hủy, tổn thương nhu mô lan tỏa.
3. Lâm sàng viêm phổi do vi khuẩn không điển hình ở trẻ em
– Triệu chứng cơ năng
- Đa số viêm phổi không điển hình có giai đoạn tiền triệu bằng triệu chứng viêm đường hô hấp. Đôi khi khởi phát nhanh đột ngột.
- Sốt cao, sốt liên tục > 39 – 40oC hay gặp.
- Ho nhiều, thành cơn hoặc ho khan lúc đầu sau có đờm khi ở giai đoạn xuất tiết trong lòng đường thở.
- Khàn tiếng khi ho nhiều
- Trẻ lớn có thể kèm đau ngực, đau cơ.
- Các triệu chứng khác: khò khè, khó thở thường gặp ở trẻ nhỏ
– Triệu chứng thực thể: nghe phổi có thể có rales ẩm, rales rít, rales ngáy, hoặc không nghe thấy rales.
– Tổn thương ngoài phổi: tổn thương màng phổi, tổn thương gan lách, phát ban ngoài da, rối loạn tiêu hoá, tổn thương tim mạch, thần kinh, viêm đa khớp v.v… có thể là dấu hiệu gợi ý viêm do vi khuẩn không điển hình
4. Cận lâm sàng
– Xét nghiệm huyết học: số lượng bạch cầu không tăng hoặc tăng nhẹ, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính có thể không tăng. CRP thường tăng cao.
– Các xét nghiệm sinh hóa ít có biến đổi, khi có suy thở nặng, đo khí máu sẽ thấy pH có thể giảm, paCO2 tăng, paO2 giảm, SaO2 giảm.
– Xét nghiệm vi sinh chẩn đoán căn nguyên:
- PCR, realtime PCR tìm đoạn gen vi khuẩn không điển hình từ các bệnh phẩm dịch tiết hô hấp
- Xét nghiệm kháng thể IgM (antibody) thường tăng trong máu ngày thứ 7-9 sau nhiễm trùng, duy trì đỉnh cao gấp 4 lần sau 3-4 tuần
- Test bổ thể cố định (complememt fixation test -CF test): cho kết quả kháng thể IgM và IgG sớm hơn ( chủ yếu IgM)
- Tìm kháng nguyên (Antigen): thông qua phản ứng miễn dịch gắn men kháng nguyên – kháng thể
- Phương pháp nuôi cấy vi khuẩn trực tiếp: cho kết quả muộn sau 2-3 tuần, do đó thường ít được chỉ định.
– Xquang: hình ảnh tổn thương phổi trên phim chủ yếu là tổn thương ở nhu mô, lan tỏa, hình lưới, mờ không đều, rải rác toàn bộ 2 phế trường kiểu hình ảnh tổn thương tổ chức kẽ. Đôi khi có hình ảnh tổn thương đám mờ đậm tập trung kiểu hoại tử. Một số trường hợp có tràn dịch màng phổi một hoặc hai bên kèm theo, tuy lượng dịch không nhiều.
5. Chẩn đoán viêm phổi do vi khuẩn không điển hình ở trẻ em
5.1. Chẩn đoán xác định
– Chẩn đoán xác định viêm phổi theo tiêu chuẩn của Bộ Y Tế: ho, sốt, kèm theo thở nhanh theo lứa tuổi
– Yếu tố dịch tễ: theo mùa, vùng dịch, lứa tuổi ( 3-15 tuổi); biểu hiện lâm sàng: diễn biến âm ỉ sau tăng dần, ho khan theo cơn, Xquang tổn thương kẽ hoặc đám mờ tập trung có giá trị gợi ý.
– Chẩn đoán xác định căn nguyên vi khuẩn không điển hình: tìm được bằng chứng đoạn ADN của vi khuẩn ( PCR) và / hoặc xét nghiệm huyết thanh học kháng thể dương tính.
5.2. Phân loại thể bệnh:
5.2.1. Viêm phổi nặng do vi khuẩn không điển hình
Chưa có thang điểm phân loại rõ mức độ viêm phổi do vi khuẩn không điển hình ở trẻ em. Dựa vào thang điểm chẩn đoán viêm phổi nặng của hiệp hội truyền nhiễm Hoa Kỳ, chẩn đoán khi:
– Có 1 tiêu chuẩn chính trở lện:
- Thông khí nhân tạo.
- Sốc nhiễm khuẩn
– Hoặc có 2 trong các dấu hiệu sau:
- Rút lõm lồng ngực
- Thở nhanh
- Ngừng thở
- Rối loan ý thức
- Hạ huyết áp
- Thâm nhiễm nhiều thuỳ phổi.
- Tràn dịch màng phổi
- Sp02 < 90% thở khí trời
- Tỷ lệ Pa02/Fi02 < 250
5.2.2. Viêm phổi do vi khuẩn không điển hình:
khi không có dấu hiệu bệnh viêm phổi nặng
6. Điều trị viêm phổi do vi khuẩn không điển hình ở trẻ em
6.1. Chống suy hô hấp:
– Nếu có suy hô hấp cần sử dụng liệu pháp oxy, theo dõi sát nhịp thở, SaO2, khí máu, hút thông đường thở.
– Truyền dịch: cung cấp đủ nước và điện giải.
6.2. Điều trị hỗ trợ:
Hạ sốt, cung cấp đủ dinh dưỡng, calo theo nhu cầu
6.3. Kháng sinh:
– Lựa chọn đầu tiên là kháng sinh nhóm Macrolid: Bao gồm hoặc Erythromycin (50 mg/kg /ngày), Clarithromycin (15 mg /kg /ngày) và Azythromycin (liều 10 mg/kg/ngày).
– Quinolone là nhóm kháng sinh tiếp theo có hiệu quả cao với vi khuẩn gây viêm phổi không điển hình, Levofloxacin 20 mg/kg/ngày.
– Có thể dùng dạng uống với thể viêm phổi không nặng. Nên dùng dạng kháng sinh tiêm khi viêm phổi nặng, có suy hô hấp.
7. Phòng bệnh viêm phổi do vi khuẩn không điển hình ở trẻ em
– Phòng bệnh đặc hiệu: hiện chưa có vacxin phòng bệnh đặc hiệu 3 loại vi khuẩn trên.
– Phòng bệnh không đặc hiệu chủ yếu dựa vào chăm sóc đủ dinh dưỡng, tiêm chủng đủ theo lịch, tránh ô nhiễm môi trường.
Tài liệu tham khảo: Bộ Y Tế
Leave a Reply