Viêm loét đại tràng là một trong hai đại diện của nhóm bệnh lý ruột viêm. Bệnh lý này có thể cho hình ảnh khởi phát lâm sàng rất đa dạng, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Chẩn đoán và đánh giá bệnh viêm loét đại tràng chính xác và phù hợp rất quan trọng để có thể thiết kế chiến lượng điều trị hiệu quả cho bệnh nhân
1. Định nghĩa viêm loét đại tràng
Bệnh ruột viêm (inflammatory bowel disease – IBD) là nhóm bệnh lý viêm mạn tính của đường tiêu hóa, có cơ chế bệnh sinh rất phức tạp, nguyên nhân vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Bệnh ruột viêm gồm có hai loại chính là bệnh Crohn (Crohn’s disease) và viêm loét đại tràng (ulcerative colitis – UC). UC là tình trạng viêm mạn tính đặc trưng bởi các đợt viêm tái diễn và tự thoái lui giới hạn ở lớp niêm mạc đại tràng. Đây là dạng bệnh ruột viêm thường chỉ ảnh đến đại tràng. Tổn thương viêm loét thường liên tục, hầu như luôn ảnh hưởng trực tràng và có thể cho sang thương liên tục đến các đoạn khác của khung đại tràng.
2. Đặc điểm lâm sàng
Khởi phát chủ yếu của UC thường là các triệu chứng phản ánh sự viêm của vùng đại – trực tràng. Các triệu chứng hay gặp ở các bệnh nhân mắc UC gồm: chảy máu trực tràng, tiêu chảy, tiêu phân nhầy, gấp đi tiêu và đau bụng; đặc biệt là đau quặn vùng bụng dưới. Hình thái lâm sàng cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào mức độ lan rộng của sang thương viêm loét. Ở các bệnh nhân bệnh ở dạng viêm trực tràng, các triệu chứng chủ đạo là đi tiêu gấp, đau quặn bụng dưới, đi phân nhầy máu. Còn các bệnh nhân có mức độ bệnh lan rộng hơn có thể có tiêu chảy, sụt cân, sốt nhẹ, thiếu máu.
Tại thời điểm chẩn đoán, gần một nửa trường hợp UC là dạng viêm trực tràng; khoảng 35% có mức độ lan rộng vượt qua đại tràng sigma và phần còn lại là dạng bệnh lan tỏa cả khung đại tràng. Triệu chứng thường biểu hiện không cấp tính, có thể xen kẽ các đợt tự giới hạn và sau đó tái phát trở lại.
Ngoài ra, UC còn có thể có các triệu chứng khởi phát ở các cơ quan ngoài hệ tiêu hóa với tần suất bắt gặp dao động từ 10 đến 20%. Một số dấu hiệu ngoài tiêu hóa của UC gồm:
- Triệu chứng da: bệnh lý ruột viêm có thể cho các tổn thương dạng hồng ban nốt và viêm da mủ hoại thư
- Triệu chứng cơ xương: đau khớp và viêm khớp là một trong những khớp phát ngoài hệ tiêu hóa thường gặp nhất của các bệnh lý ruột viêm. Đặc điểm là các tổn thương không phát hủy các khớp ngoại biên.
- Triệu chứng ở mắt: các bệnh lý ruột viêm được ghi nhận có liên quan đến bệnh lý viêm màng bồ đào và viêm thượng củng mạc ở mắt.
- Triệu chứng huyết học: tăng nguy cơ huyết khối ở cả tĩnh mạch và động mạch.
- Triệu chứng hô hấp: có thể gây các triệu chứng ho đàm, cơ chế chưa rõ ràng.
3. Chẩn đoán viêm loét đại tràng
Chẩn đoán bệnh lý viêm loét đại tràng nói riêng và nhóm bệnh ruột viêm nói chung thường phải phối hợp nhiều yếu tố. Bắt đầu từ ghi nhận những dấu hiệu trên lâm sàng, các yếu tố nguy cơ gợi ý nhóm bệnh này. Chẩn đoán được ủng hộ bởi những dấu hiệu bệnh học quan sát bằng nội soi đại trực tràng và xác định bởi những bằng chứng về mô bệnh học.
Nội soi và sinh thiết đại tràng cần thiết để xác nhận chẩn đoán UC và loại trừ các nguyên nhân gây viêm đại tràng khác. Hình ảnh UC điển hình là tổn thương viêm đối xứng và liên tục, bắt đầu từ chỗ nối hậu môn trực tràng (vị trí chuyển tiếp của biểu mô lát của hậu môn và biểu mô trụ của trực tràng). Dấu hiệu giai đoạn sớm của UC có thể là giảm hoặc mất hình ảnh mạch máu bình thường, ửng đỏ và phù niêm mạc đại tràng. Các giai đoạn nặng hơn, UC có thể cho thấy hình ảnh niêm mạc bị bao phủ bởi chất nhầy màu vàng nâu, loét và có thể quan sát được các vị trí chảy máu.
4. Đánh giá bệnh lý viêm loét đại tràng
4.1 Đánh giá mức độ bệnh
Đánh giá mức độ bệnh rất quan trọng trong điều trị và tiên lượng các bệnh lý ruột viêm. Mức độ bệnh lý UC có thể được đánh giá theo phân độ của Truelove and Witts:
- Mức độ nhẹ: Tiêu chảy ít hơn 4 lần/tuần, không có sốt, nhịp tim không nhanh, không có thiếu máu, rộ lắng hồng cầu (ESR) thấp hơn 30mm/giờ.
- Mức độ trung bình: trung gian giữa mức độ nhẹ và mức độ nặng
- Mức độ nặng: Tiêu chảy thường xuyên, xuất hiện máu trên 6 lần/tuần, sốt trên 37.5 độ C, nhịp trên 90 lần/phút, thiếu máu với mức Hb thấp hơn 75% so với bình thường, ESR cao hơn 30 mm/giờ
Ngoài ra có thể dùng thang điểm Mayo để đánh giá mức độ nặng và theo dõi điều trị ở bệnh nhân viêm loét đại tràng. Chi tiết về thang điểm Mayo sẽ được giới thiệu riêng trên chuyên trang VinmecDr
4.2 Đánh giá biến chứng cấp tính
Chẩn đoán các biến chứng cấp tính của UC cũng rất quan trọng trong điều trị bệnh lý này. Một số biến chứng cấp tính thường gặp của UC như:
- Chảy máu – khoảng 3% bệnh nhân UC có chảy máu tiêu hóa mức độ nặng, đôi khi cần can thiệp ngoại khoa
- Viêm đại tràng toàn phát và phình đại tràng nhiễm độc – các triệu chứng gồm chảy máy, đau bụng, chướng bụng, sốt và chán ăn. Phình đại tràng nhiễm độc có đặc điểm là đường kính đại tràng lớn hơn 6 cm hoặc trực tràng hơn 9 cm kèm với dấu hiệu nhiễm độc
- Thủng – thủng đại tràng thường nằm trong bối cảnh phình đại tràng nhiễm độc. Thủng có thể xuất hiện ở những bệnh nhân viêm loét nặng, lâu ngày; nguy cơ dẫn đến viêm phúc mạc – tử suất cao.
Leave a Reply