Phục hồi tạm sau điều trị Nội nha – Đặc điểm chung.

Bài viết nói về đặc điểm chung của phục hồi tạm sau điều trị nội nha, đồng thời nêu ra những điểm cần lưu ý khi sử dụng loại phục hồi này trên răng đã điều trị tuỷ để đạt được hiệu quả tốt nhất đối với bệnh nhân trên thực tế lâm sàng. Cùng tìm hiểu sâu hơn vấn đề này.

1. Đặc điểm chung của phục hồi tạm sau điều trị nội nha

Phục hồi tạm (provisional restoration – PR) phải bền và chống hở để ngăn ngừa vi lậu (microleakage) và sự xâm nhập của vi khuẩn. Vi lậu ở thân răng được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây thất bại nội nha. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng điều trị nội nha không tốt hoặc phục hồi thân răng không tốt đều góp phần làm gia tăng vi lậu và độ nhạy cảm với vi khuẩn hay các sản phẩm phụ của chúng.

phục-hoi-tam-1
Phim cận chóp của các răng cối lớn hàm trên bên phải thể hiện tình trạng trám bít với côn gutta percha chất lượng kém. Có thể nhìn thấy các ống tủy không được điều trị và phục hồi không đạt chuẩn với nhiều khoảng trống vật liệu.

Sự tái nhiễm nước bọt của hệ thống ống tủy chân răng và tiếp xúc với độc tố của vi khuẩn có thể dẫn đến viêm quanh chóp và gây thất bại nội nha. Việc sử dụng các miếng trám tạm tốt sẽ làm giảm khả năng rò rỉ vi khuẩn trước, trong và sau điều trị nội nha.

Phục hồi tạm thường có khả năng bịt kín kém. Chúng chủ yếu được sử dụng để phục hồi ngắn hạn đảm bảo thẩm mỹ và chức năng trong khi vẫn bảo vệ mô mềm và mô cứng, trước khi phục hồi vĩnh viễn được thực hiện. Phục hồi tạm tốt sẽ ngăn ngừa được những thất bại cơ học như nứt gãy và giúp tránh tái nhiễm vi khuẩn vào ống tủy chân răng. Một nghiên cứu hồi cứu đã đánh giá 775 răng răng đã điều trị tuỷ ở 508 bệnh nhân cho thấy tỷ lệ tồn tại cao hơn ở răng đã phục hồi là trong vòng 2 tuần sau điều trị nội nha.

Thời gian phục hồi tạm phải được xem xét trước khi lựa chọn vật liệu thích hợp. Đối với phục hồi ngắn hạn thì người ta khuyến cáo dùng cement như zinc oxide eugenol (ZOE) chỉ trong thời gian 1 – 2 tuần. Ở giai đoạn dài hơn, đặc biệt khi các phục hồi cuối cùng có thể bị trì hoãn thì nên sử dụng các loại cement chắc hơn để đảm bảo sự bịt kín tốt. Glass ionomers, zinc phosphate, polycarboxylate hoặc hợp chất glass ionomer có nhựa (resin modified glass ionomer – RMGI) cho khả năng bít kín ngà răng ở mức chấp nhận được và có các tính chất vật lý thuận lợi, làm cho chúng thích hợp để trám tạm ngắn đến dài hạn. Tuy nhiên, những cement này không có các tính chất thích hợp để sử dụng làm phục hồi chắc chắn; do đó, chúng cần được loại bỏ trước khi đặt những phục hồi vĩnh viễn. Vật liệu trám tạm calcium sulfate có khuynh hướng dễ bị mài mòn, không ổn định theo thời gian và hút ẩm. Chúng chỉ có thể được sử dụng với thời gian ngắn ở những xoang nhỏ và phải được loại bỏ hoàn toàn bằng một viên gòn hoặc gạc trước khi đặt phục hồi sau cùng. Nghiên cứu so sánh về sự rò rỉ của các vật liệu trám tạm khác nhau (intermediate restoration material (IRM), CavitTM và TemBondTM) đã chỉ ra rằng không có vật liệu trám tạm nào ngăn ngừa được sự rò rỉ khi thử nghiệm trong 30 ngày bằng kĩ thuật đánh dấu vi khuẩn. Nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng việc trì hoãn phục hồi sau cùng làm ảnh hưởng đến tiên lượng răng đã điều trị tuỷ. Khi so sánh giữa phục hồi vĩnh viễn và phục hồi tạm thì người ta nhận thấy răng đã điều trị tuỷ được phục hồi với phục hồi vĩnh viễn có tỷ lệ tồn tại cao hơn là được phục hồi với phục hồi tạm, kể cả nếu phục hồi vĩnh viễn có bị trì hoãn.

2. Lưu ý khi tiến hành sử dụng trên răng đã điều trị tuỷ

Trước khi bắt đầu phục hồi cho răng đã điều trị tuỷ, tất cả những phục hồi hiện có nên được loại bỏ, trừ khi mới được nha sĩ đặt vào gần đây. Kẽ hở dưới phục hồi hỏng là nguyên nhân chính của bệnh lý nội nha mới hoặc bệnh lý nội nha tái phát. Mô ngà sâu cũng nên được loại bỏ hoàn toàn trước khi mở lối vào tủy. Nên thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng và chụp phim X quang để đánh giá chất lượng trám bít ống tủy, sự hiện diện của nứt gãy và sự cần thiết của điều trị nha chu (ví dụ như làm dài thân răng). Khi cấu trúc răng hiện có không đủ thì có thể yêu cầu phục hồi tạm trước khi điều trị nội nha để đảm bảo răng được cô lập khỏi môi trường miệng và sự nhiễm nước bọt.

phuc-hoi-tam-2
Phim X quang của (a) 2 răng cối nhỏ hàm trên bên trái bị sâu nặng trước khi được cách ly lâm sàng bằng cement glass ionomer trong điều trị nội nha. (b) Phim X quang sau cùng của các răng cối nhỏ được phục hồi với chốt thép không gỉ và trám tái tạo.

Chẳng hạn như răng bị mất chất lớn, những hộp bên sâu (deep proximal boxes) thì có thể trám tạm nhanh bằng glass ionomer hoặc hợp chất glass ionomer có nhựa. Làm vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự cô lập bằng đê cao su và góp phần cải thiện hình thức sửa soạn lối vào. Vật liệu màu trắng đục hoặc màu xanh có thể được sử dụng vì dễ phân biệt chúng với cấu trúc răng và dễ dàng lấy đi khi được thay thế bởi các phục hồi vĩnh viễn.

Trong suốt quá trình điều trị nội nha, sự loại trừ vi khuẩn khỏi hệ thống ống tủy chân răng là yêu cầu nghiêm ngặt. Do đó cần phải đặt một phục hồi tạm bền chặt giữa các buổi điều trị. Bề dày của vật liệu phục hồi tạm nên được tối đa hóa, trong khi chiều cao của miếng gòn bên dưới nên được giảm tối thiểu.

Gạc tổng hợp được ưa chuộng hơn bông gòn, vì nó không hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn.

Răng hư hỏng nặng có thể đòi hỏi làm mão tạm hoặc onlay trước khi được điều trị nội nha. Một vài vật liệu có thể được sử dụng trong việc chế tạo các phục hồi tạm, bao gồm nhựa acrylic và composite. Công thức của vật liệu nhựa acrylic thường được sử dụng nhất là dựa trên polymethyl methacrylate (PMMA). Nhựa acrylic có thể được sử dụng để chế tạo phục hồi tạm trực tiếp hay gián tiếp. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng phục hồi được làm gián tiếp giúp cải thiện tính toàn vẹn của bờ phục hồi so với khi được làm trực tiếp.

Chế tạo gián tiếp cung cấp phục hồi tạm có độ bền cao được chỉ định cho bệnh nhân yêu cầu hàm giả bán phần cố định với kế hoạch điều trị dài hạn và bệnh nhân có lực nhai trên mức trung bình. Các phục hồi tạm được làm từ polycarbonate, nhựa composite hoặc các vật liệu khác có thể được sử dụng để thay thế. Phục hồi nội thân (intracoronal) và ngoại thân (extracoronal) cũng có thể được làm từ vật liệu composite.

Các răng trước và một số răng cối nhỏ bị tổn hại thân răng thì bên cạnh phục hồi tạm, còn có thể đòi hỏi chốt tạm để tăng độ bền chắc và hình thức lưu giữ. Đặt lên chốt tạm làm sẵn một lượng cement tối thiểu để chúng có thể dễ dàng được lấy đi lúc đặt phục hồi sau cùng. Nhiều vật liệu khác cũng được giới thiệu để sử dụng tương tự như chốt tạm; tuy nhiên chốt vĩnh viễn làm sẵn cũng có thể tạo sự lưu giữ tốt khi gắn tạm bằng cement.

Cement tạm được dùng để gắn các mão tạm (thuật ngữ trước đây là “temporary crowns”) và chốt tạm thường là xi măng kẽm oxide. Một số loại có công thức chứa eugenol, nhưng các cement không eugenol cũng được sử dụng rộng rãi. Nếu sử dụng composite hoặc cement nhựa (cement resin) để tái tạo thì người ta khuyến cáo dùng cement tạm kẽm oxide không eugenol. Eugenol có khả năng ức chế sự trùng hợp nhựa, vì thế những chất trám chứa eugenol cần phải được loại bỏ cẩn thận trước khi sử dụng vật liệu dán hoặc phục hồi có nhựa. Các kết luận được báo cáo liên quan đến sự ức chế trùng hợp nhựa của eugenol còn nhiều mâu thuẫn. Một số nghiên cứu thì mô tả sự giảm lực liên kết với ngà, trong khi các nghiên cứu khác lại không tìm thấy ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, các phục hồi thường bị hở và có thể gây khó chịu cho bệnh nhân có tủy răng còn sống. Quan trọng hơn, chúng cho phép sự nhiễm khuẩn vào răng khi đang điều trị nội nha, đặc biệt nếu sử dụng chốt tạm. Tương tự như các phục hồi vĩnh viễn, các chốt tạm làm sẵn phải được đặt trước khi tháo để cao su.

Sau khi hoàn tất điều trị nội nha, nên đặt lại phục hồi tạm bền chắc để đảm bảo bảo vệ và bít kín tạm thời. Tốt nhất là phục hồi sau cùng được làm từ composite hoặc amalgam nên được đặt trước khi tháo đê. Điều quan trọng là bất cứ viên gòn nào bên dưới đều phải được lấy đi trước khi đặt phục hồi sau cùng: gòn ẩm là vật liệu hoàn hảo cho vi sinh vật có hại và là lớp nền không vững chắc khi chịu lực tải từ các phục hồi sau cùng. Các phục hồi tạm còn dư như CavitTM và IRM cũng ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của phục hồi vĩnh viễn và phải được loại bỏ hoàn toàn khỏi xoang.

Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *