Phục hồi răng đã điều trị nội nha có thể quan trọng giống như việc trám bít ống tủy và có ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu cuối cùng là loại trừ vi khuẩn – nguyên nhân chủ yếu của bệnh lý nội nha. Do đó, những nha sĩ thực hiện phục hồi răng đã điều trị nội nha có trách nhiệm đảm bảo rằng mỗi giai đoạn của điều trị đều phải phù hợp, được thực hiện tốt và kịp thời. Bài viết này tóm lược tổng quan chung và giải thích ngắn gọn liên quan đến khái niệm phục hồi răng đã điều trị nội nha. Cùng tìm hiểu.
1. Tổng quan chung
Việc phục hồi cho răng đã điều trị nội nha phải được lên kế hoạch trước khi bắt đầu điều trị. Những phục hồi tạm thời trong suốt quá trình điều trị tủy giúp bảo vệ hệ thống ống tủy khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, bao gồm zinc oxide eugenol hoặc calcium sulfate được sử dụng trong thời gian ngắn và glass ionomer hoặc glass ionomer lai nhựa (resin-modifed glass-ionomer) trong những khoảng thời gian dài hơn. Lý tưởng nhất là tái tạo cùi vào thời điểm trám bít ống tủy, trước khi tháo bỏ để cao su. Tiên lượng trên những răng trưởng thành được cải thiện nhờ sự bảo tồn cấu trúc răng, tránh đặt chốt khi có thể, tránh để lại những khoảng hở giữa gutta percha và bề mặt cùi cũng như làm phục hồi toàn diện ở các răng trước và phục hồi bán phần ở các răng sau. Những bằng chứng gần đây cho thấy, phương pháp tiếp cận bảo tồn, tái tạo trực tiếp bằng composite hứa hẹn khả năng phục hồi tốt cho những răng sau nguyên vẹn. Chốt sợi liên quan đến thất bại phục hồi cao hơn chốt kim loại, nhưng ít liên quan đến nứt gãy hơn. Khi chỉ định đặt chốt thì nên sửa soạn bảo tồn, lấy đi ít nhất lượng cấu trúc chân răng có thể. Trám composite cho răng chưa trưởng thành chưa đóng chóp làm tăng tỷ lệ tồn tại lâu dài của răng hơn so với phục hồi bằng mão thép không gỉ làm sẵn. Chất lượng phục hồi quan trọng với cả phục hồi tạm và phục hồi sau cùng; nhiễm trùng phải được loại bỏ hoàn toàn. Lý do chính phải nhổ các răng đã điều trị nội nha không phải do điều trị nội nha thất bại mà là do sâu răng, phục hồi không hợp lý, bệnh lý nha chu và nứt gãy chân răng.
2. Phục hồi răng đã điều trị nội nha là gì?
Phục hồi cho răng đã điều trị nội nha (endodontically treated teeth – ETT) thường được xem là độc lập với điều trị nội nha (RCT). Tuy nhiên, cả hai không thể tách rời khi lập kế hoạch điều trị, thực hiện quá trình điều trị và tiên lượng điều trị. Phục hồi răng đã điều trị nội nha có thể quan trọng giống như việc trám bít ống tủy và có ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu cuối cùng là loại trừ vi khuẩn – nguyên nhân chủ yếu của bệnh lý nội nha. Do đó, những nha sĩ thực hiện phục hồi răng đã điều trị nội nha có trách nhiệm đảm bảo rằng mỗi giai đoạn của điều trị đều phải phù hợp, được thực hiện tốt và kịp thời.
Việc phục hồi cho những răng đã điều trị nội nha trưởng thành đã được nghiên cứu rộng rãi, và hiện có rất nhiều tài liệu với phạm vi rộng lớn của các kết quả nghiên cứu lâm sàng. Tuy nhiên, rất ít dữ liệu kết quả lâm sàng có chất lượng cao. Hơn nữa, nhiều thông tin sẵn có đã lỗi thời, chỉ áp dụng được cho những tình huống cụ thể, hoặc bị làm sai bởi những biến số quan trọng, làm cho việc giải thích các kết quả trở nên khó khăn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nha sĩ vẫn không nhất quán trong việc quyết định lựa chọn phục hồi khi điều trị. Vì thế, cần đánh giá các kết quả dữ liệu dựa trên bằng chứng, cung cấp hướng dẫn thực hành cho các nha sĩ phục hồi và tập trung vào những yếu tố tiên lượng phục hồi có ảnh hưởng tốt đến hiệu quả lâu dài của răng đã điều trị nội nha.
Phục hồi là một phần không thể tách rời của điều trị nội nha. Chất lượng phục hồi là điều vô cùng quan trọng cho cả phục hồi tạm và phục hồi sau cùng với mục tiêu chính là loại bỏ vi sinh vật khỏi hệ thống ống tủy chân răng. Phục hồi sau cùng nên được đặt càng sớm càng tốt, tốt hơn hết là tại thời điểm trám bít ống tủy và trước khi tháo để cao su. Cấu trúc răng phải được bảo tồn. Răng vĩnh viễn chưa trưởng thành có thể được phục hồi theo lối bảo tồn bằng việc tái tạo composite trực tiếp cho đến khi kết thúc giai đoạn mọc răng chuyển tiếp, khi đó 1 phục hình từng phần được chế tạo gián tiếp mới được chỉ định. Răng phía trước không nên làm phục hình toàn phần nếu còn nguyên vẹn cấu trúc sau điều trị nội nha và lỗ mở tủy bảo tồn mô răng. Những răng phía sau có lượng lớn mô răng nguyên vẹn thì có thể được phục hồi bằng composite trong thời gian ngắn hạn; tuy nhiên mão toàn phần sẽ mang lại lợi ích cho những trường hợp mất cấu trúc răng đáng kể để bảo vệ chúng tránh nguy cơ nứt gãy chân răng và múi răng.
Chốt không làm tăng độ bền của răng, chúng chỉ nên được đặt khi không thể sử dụng cách thức khác để đảm bảo sức kháng và sức lưu giữ của răng. Hầu hết các răng đã điều trị nội nha bị nhổ là do sâu răng, bệnh lý nha chu, thất bại phục hồi, và nứt gãy chân răng; những yếu tố ngoại lai này cần phải được xem xét kĩ. Vi lậu xảy ra ở phục hồi làm ảnh hưởng đến kết quả và thành công của mọi điều trị nội nha. Dù cho bất kì hệ thống chốt và cùi nào được sử dụng thì sự kết hợp một vành đai ngà thích hợp trong thiết kế mão răng sẽ làm tăng tỉ lệ thành công. Quan trọng nhất là việc bảo tồn cấu trúc thân răng làm tăng tiên lượng lâu dài và lưu giữ các răng đã điều trị nội nha.
Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017
Leave a Reply