Kĩ thuật phun khí dung ở trẻ em

Phun khí dung là một phương pháp được sử dụng để đưa thuốc vào đường hô hấp. Dưới tác dụng của sóng siêu âm hoặc lực nén, thuốc từ dạng lỏng được chuyển thành những hạt hơi nước nhỏ có đường kính khác nhau (dạng sương mù) để vào đường hô hấp và cho tác dụng chủ yếu tại đường hô hấp. Tùy theo kích thước của hạt sương mà thuốc tác động tại những vị trí khác nhau của đường hô hấp. Dưới đây là các kỹ thuật phun khí dung thường sử dụng

Sự phân bố của hạt khí dung trên đường hô hấp
Sự phân bố của hạt khí dung trên đường hô hấp

1. Phun khí dung với hệ thống khí nén hoặc máy phun

1.1. Chỉ định

– Viêm thanh quản cấp và phù thanh quản sau đặt nội khí quản: phun với Epinephrine 1‰ (L-epinephrine), Racemic epinephrine.
– Hen, viêm tiểu phế quản: phun thuốc giãn phế quản Ventolin (Salbutamol),
Terbutaline (Bricanyl), Ipratropium bromide (Atrovent, Combivent (Ipratropium bromide + salbutamol)) hoặc corticoid (Pulmicort – Budesonide).
– Loãng đàm: phun với NaCl 0,9%.

1.2. Chuẩn bị bệnh nhân

– Bệnh nhân ở tư thế thoải mái (thường là ngồi), cổ ngửa nhẹ
– Đối với trẻ nhỏ, thân nhân giữ trẻ ngồi thẳng dựa trong lòng, dùng hai chân kềm giữ hai chân của trẻ, dùng một tay vòng qua kềm giữ hai tay và thân trẻ, tay còn lại giữ cổ trẻ ngửa nhẹ.

1.3. Chuẩn bị dụng cụ phun khí dung

– Hệ thống khí nén trung tâm hoặc máy phun khí dung; bình oxy hay hệ thống oxy trung tâm (trường hợp bệnh nhân cần phun khí dung với oxy)
– Dụng cụ phun: bầu khí dung (nebulizer), mặt nạ (mask) các cỡ, dây nối
– Dụng cụ lấy thuốc: ống tiêm và kim tiêm
– Thuốc: tùy theo chỉ định ta có các thuốc như đã kể trên, NaCl 0,9% để pha thuốc
– Nước sát khuẩn tay nhanh
– Mâm đựng dụng cụ, cồn và bông gòn, bồn hạt đậu.

1.4. Kỹ thuật phun khí dung với hệ thống khí nén hoặc máy phun

– Xác định chẩn đoán và thuốc cần dùng
– Giải thích thân nhân chỉ định dùng thuốc
– Tính liều thuốc như sau:
+ L-epinephrine 1‰: 0,5 mL/kg/lần (liều chuẩn 3-5 mL)
+ Ventolin: 0,15 mg/kg/lần (tối đa 5 mg, tối thiểu 2,5 mg (hen), 1,5 mg (viêm tiểu phế quản))
+ Atrovent:
Trẻ < 12 tháng: 125 μg/lần
Trẻ 12 tháng – ≤ 5 tuổi: 250 μg/lần
Trẻ > 5 tuổi: 500 μg/lần
– Lấy thuốc vào ống tiêm theo liều đã tính. Lấy thêm dung dịch NaCl 0,9% để tổng thể tích vừa đủ 4 ml.
– Mở nắp bầu phun và bơm thuốc vào. Đậy nắp bầu phun lại. Chọn mặt nạ thích hợp với trẻ (che kín mũi và cằm trẻ) và gắn mặt nạ vào bầu phun.
– Nối bầu phun với nguồn khí nén hoặc nguồn oxy.
– Chuẩn bị tư thế bệnh nhân
– Điều chỉnh lưu lượng khí (số lít/phút): tùy theo vị trí tác dụng, ta chọn lưu lượng khí khác nhau: 4-5 lít/phút (cho tác dụng tại thanh quản và khí quản), 8 lít/phút (cho tác dụng tại phế quản và tiểu phế quản) . Nếu dùng máy phun, chỉ cần mở máy vì nhà sản xuất thiết kế sẵn cho tác dụng thường ở phế quản và tiểu phế quản.
– Từ từ áp sát mặt nạ vào mũi miệng bệnh nhân, bảo bệnh nhân hít thở chậm sâu bằng miệng (nếu có thể) để đạt hiệu quả tối ưu.
– Thời gian phun thường khoảng 10-15 phút để có tác dụng tốt nhất và ít tác dụng phụ
– Nên gõ nhẹ vào thành bầu phun để đảm bảo thuốc bám trên thành bầu phun rơi xuống hết trước khi chấm dứt phun.
– Sau khi phun xong phải tắt nguồn khí (hoặc tắt máy), gỡ dây, bầu phun và mặt nạ.
– Vệ sinh mặt cho trẻ.

2. Phun khí dung với liều định chuẩn (MDI: Metered Dose Inhales)

2.1. Chỉ định phun khí dung với liều định chuẩn

– Cắt cơn hen: SABA (Ventolin)
– Ngừa cơn hen: ICS (Fluticasone), ICS + LABA (Seretide).

2.2. Chuẩn bị bệnh nhân

– Bệnh nhân ở tư thế thoải mái (thường là ngồi), cổ ngửa nhẹ
– Đối với trẻ nhỏ, thân nhân giữ trẻ ngồi thẳng dựa trong lòng, dùng hai chân kềm giữ hai chân của trẻ, dùng một tay vòng qua kềm giữ hai tay và thân trẻ, tay còn lại giữ cổ trẻ ngửa nhẹ.

2.3. Chuẩn bị dụng cụ

– Thau nước
– Chai thuốc MDI
– Buồng đệm các loại theo lứa tuổi: có mặt nạ (< 2 tuổi), không mặt nạ (3-6 tuổi), buồng đệm đơn thuần (> 6 tuổi)
– Khăn lau sạch.

2.4. Kỹ thuật

– Giải thích thân nhân chỉ định dùng thuốc và thời gian dùng thuốc
– Kiểm tra đúng tên thuốc (loại thuốc cần dùng là thuốc cắt cơn hay ngừa cơn)
– Kiểm tra hạn sử dụng của chai thuốc
– Kiểm tra lượng thuốc trong chai thuốc bằng cách thả chai thuốc vào thau nước
– Kiểm tra dụng cụ phun
– Gắn chai thuốc vào dụng cụ phun
– Lắc kỹ chai thuốc trước khi phun (lắc 5-10 cái)
– Mở nắp dụng cụ phun
– Chuẩn bị tư thế bệnh nhân

– Thực hiện phun thuốc:

+ Phun thuốc với buồng đệm có mặt nạ:

  • Gắn bình thuốc phun vào buồng đệm
  • Gắn mặt nạ vào buồng đệm
  • Giải thích cho trẻ biết trước khi cho mặt nạ vào mặt trẻ (nếu có thể)
  • Úp mặt nạ vào mũi miệng trẻ sao cho mặt nạ che kín mũi và cằm. Có thể ấn nhẹ mặt nạ lên mũi trẻ để trẻ mở miệng hít thuốc
  • Tay trẻ (hoặc tay của người trợ giúp) cầm giữ chai thuốc với ngón trỏ (hoặc ngón cái) để lên đáy chai thuốc
  • Ấn vào đáy chai thuốc và thuốc sẽ vào trong buồng đệm
  •  Giữ đợi bệnh nhân hít thở trong 10 – 15 giây (khoảng 6 nhịp thở).

+ Phun thuốc với buồng đệm không mặt nạ:

  • Gắn bình thuốc phun vào buồng đệm
  •  Cho phần miệng của buồng đệm vào giữa hai môi của trẻ và yêu cầu trẻ ngậm ôm tròn miệng quanh phần miệng của buồng đệm
  • Tay trẻ (hoặc tay của người trợ giúp) cầm giữ chai thuốc với ngón trỏ (hoặc ngón cái) để lên đáy chai thuốc
  • Ấn vào đáy chai thuốc và thuốc sẽ vào trong buồng đệm
  • Trẻ hít chậm và sâu bằng miệng trong ít nhất 6 giây
  • Sau đó, trẻ nín thở tùy theo khả năng của trẻ hoặc ít nhất trên 10 giây và thở ra buồng đệm
  •  Sau khi phun xong, lau khô phần miệng của buồng đệm, lấy chai thuốc ra khỏi buồng đệm và đậy nắp lại.

+ Nếu muốn phun tiếp lần hai, hãy đợi 30 giây – 1 phút và lặp lại các trình tự như trên: bắt đầu là lắc chai thuốc và kết thúc bằng động tác thở ra

+ Nếu phun với corticoid, bệnh nhân phải súc miệng và lau mặt sạch sau khi phun xong để tránh bị nhiễm nấm Candida.

Nguồn: Giáo trình nhi khoa Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh


Posted

in

, ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *