Bệnh ruột viêm có hai dạng chính là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Bệnh Crohn có khởi phát lâm sàng rất đa dạng, có thể cho triệu chứng ở đường tiêu hóa và ở các cơ quan nằm ngoài đường tiêu hóa. Chẩn đoán và đánh giá bệnh Crohn chính xác là tiền đề để thiết lập chế độ điều trị bệnh hiệu quả và an toàn.
1. Giới thiệu bệnh Crohn
Bệnh ruột viêm (inflammatory bowel disease – IBD) là nhóm bệnh lý viêm mạn tính của đường tiêu hóa, có cơ chế bệnh sinh rất phức tạp, nguyên nhân vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Bệnh ruột viêm gồm có hai loại chính là bệnh Crohn (Crohn’s disease – CD) và viêm loét đại tràng (ulcerative colitis).
So với viêm loét đại tràng, tổn thương thành ruột do bệnh Crohn ảnh hưởng tất cả các lớp của thành ống tiêu hóa, thường ảnh hưởng đến ruột non và đoạn đầu của đại tràng. Hiếm khi CD ảnh hưởng đến trực tràng, nhưng CD có khả năng ảnh hưởng mọi vị trí của hệ tiêu hóa.
Đối với các tổn thương ở ruột non ở dạng CD điển hình, bệnh nhân có thể biểu hiện như một trường hợp tắc ruột non – biểu hiện là những đợt co thắt đại tràng tái diễn, đôi khi có thể kèm theo buồn nôn và nôn. Có thể có các dấu hiệu thể hiện tình trạng viêm ruột như: tiêu phân lỏng, chán ăn, sụt cân, sốt nhẹ. Trong khoảng 1/4 bệnh nhân CD, rò hậu môn đôi khi là vấn đề nổi bật nhất hoặc thậm chí là triệu chứng khởi phát đầu tiên của bệnh. Đối với các tổn thương nằm ở các vị trí không điển hình của CD, khởi phát thường gặp nhất là các bệnh lý loét dạ dày tá tràng. Ít gặp hơn là loét miệng dạng áp-tơ, nuốt khó, nuốt đau.
Ngoài các biểu hiện trên, triệu chứng bệnh Crohn có thể khởi phát ở các cơ quan ngoài hệ tiêu hóa như ở khớp, da, mắt, hệ niệu…
Bệnh Crohn được gợi ý bởi các triệu chứng lâm sàng của tình trạng ruột viêm (đau bụng, tiêu lỏng, mệt mỏi, sốt nhẹ, chán ăn) và các dấu hiệu liên quan rối loạn hấp thu dinh dưỡng (thiếu máu, thiếu calcium, thiếu vitamin D). Chẩn đoán được thành lập với các bằng chứng hình ảnh học, quan sát đại thể qua nội soi và giải phẫu bệnh học. Các dấu hiệu sinh hóa tuy không được dùng đơn độc để chẩn đoán CD nhưng có vai trò trong đánh giá và theo dõi mức độ bệnh.
Các bài viết chi tiết về triệu chứng và chẩn đoán bệnh Crohn đã có trên chuyên trang VinmecDr.
2. Đánh giá bệnh Crohn bằng chỉ số hoạt động bệnh Crohn
Chỉ số hoạt động của bệnh Crohn (Crohn’s Disease Activity Index – CDAI) là công cụ thường được dùng nhất để đánh giá mức độ hoạt động của CD. Chỉ số này đánh giá mức độ bệnh Crohn dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau.
- Thông tin cơ bản về thể trạng bệnh nhân: giới tính, chiều cao, cân nặng
- Tổng số lần tiêu phân lỏng trong 7 ngày vừa qua
- Mức độ đau bụng trong 7 ngày vừa qua: không có, nhẹ, vừa hay nặng
- Đánh giá chung về tổng trạng trong 7 ngày vừa qua
- Có sử dụng các thuốc cầm tiêu chảy hay không
- Có xác định được các khối vùng bụng
- Hematocrit
- Các triệu chứng ngoại tiêu hóa: đau khớp/viêm khớp, viêm màng bồ đào/viêm mống mắt, các dấu hiệu trên da, xuất hiện các lỗ rò, sốt trên 37.8 độ C.
Các tham số này sẽ được tính toán với các hệ số khác nhau để đưa ra giá trị chung CDAI. Công cụ CDAI là công cụ được sử dụng nhiều nhất trong các nghiên cứu quan sát và thử nghiệm liên quan đến CD. CDAI là cũng là công cụ dùng để lựa chọn và theo dõi điều trị được khuyến cáo bởi Hiệp hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ. Mức độ bệnh Crohn được đánh giá dựa trên CDAI như sau:
- CDAI < 150: đạt được lui bệnh
- CDAI 150-220: CD mức độ nhẹ
- CDAI 220-450: CD mức độ trung bình
- CDAI >450: CD mức độ nặng
CDAI được xem là tiêu chuẩn trong đánh giá mức độ bệnh và theo dõi đáp ứng với điều trị. Ưu điểm của CDAI là có nhiều bằng chứng, giá trị tốt và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Nhược điểm của CDAI là khó khai thác đánh giá khách quan triệu chứng trong vòng 7 ngày của CD, cần có các dữ kiện cận lâm sàng, cần thăm khám kỹ lưỡng để tìm các khởi phát có thể xuất hiện kín đáo của bệnh Crohn. Công thức tính cũng khá phức tạp và thường cần sử dụng công cụ để tính toán.
Cũng cùng mục đích như CDAI, nhưng loại bớt các tham số cận lâm sàng và triệu chứng khai thác trong 7 ngày, có thể sử dụng chỉ số Harvey-Bardshaw. Chỉ số này có giá trị tương đương khoảng 90% so với CDAI.
3. Đánh giá bệnh Crohn bằng bảng phân loại Montreal.
Phân loại Montreal dành cho bệnh Crohn (Montreal Classification for Crohn’s Disease) giúp đánh giá bệnh Crohn dựa trên phương diện hình thái lâm sàng chủ yếu và diễn tiến của bệnh. Phân loại theo Montreal cũng được Hiệp hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ dùng trong để thiết kế chế độ điều trị cho bệnh nhân CD. Phân loại này đánh giá CD dựa trên 03 yếu tố gồm: Tuổi tại thời điểm chẩn đoán, Vị trí tổn thương và Diễn tiến chủ yếu của bệnh.
- Tuổi tại thời điểm chẩn đoán (Age – A):
- A1: ≤ 16 tuổi
- A2: 17-40 tuổi
- A3 >40
- Vị trí chủ yếu của tổn thương (Location – L):
- L1: Đoạn cuối hồi tràng
- L2: Đại tràng
- L3: Hồi đại tràng
- Diễn tiến chủ yếu của bệnh (Behavior – B):
- B1: Không gây hẹp, không xâm lấn
- B2: Gây chít hẹp chủ yếu
- B3: Xâm lấn chủ yếu
- Có thể thêm L4 vào các giá trị của tiêu chí L nếu như có các tổn thương đồng thời ở tiêu hóa trên
- Có thể thêm p vào các giá trị của tiêu chí B nếu như có các tổn thương đồng thời ở quanh hậu môn (perianal)
Một trường hợp CD được đánh giá bằng phân loại Montreal có thể được thể hiện như sau: A2 (L3+L4) B3p
Leave a Reply