Tổng quan về thuốc đặt Nội nha – Góc nhìn về Calcium hydroxide.

Trong quá trình sửa soạn ống tuỷ, cho dù Nha sĩ đã sử dụng các loại hoá chất chuyên dụng nhằm rửa trôi mùn ngà nhiễm khuẩn và diệt tác nhân gây hại này, thì một số vùng trong hệ thống ống tuỷ vẫn không thể làm sạch hết được. Vì thế, người ta mới cho ra đời các loại thuốc dùng trong ống tuỷ có tác dụng diệt khuẩn. Bài viết dưới đây tóm tắt sơ lược và đồng thời chỉ ra ưu điểm của Calcium hydroxide, một loại hợp chất rất phổ biến trong điều trị Nội nha. Cùng tìm hiểu.

1. Những loại thuốc có tác dụng kháng khuẩn trong hệ thống ống tuỷ

Những vi khuẩn tránh được tác động của việc sửa soạn cơ – hóa học thường nằm ở những vùng mà dụng cụ sửa soạn và chất bơm rửa không thể tới được. Những vùng không bị ảnh hưởng này bao gồm ống ngà, eo tủy, ống tủy bên, chóp phân nhánh và thậm chí cả những vùng của ống tủy chính mà dụng cụ không thể đưa tới.

Calcium-hydroxide-1
Nhiễm trùng ống tủy có thể lan ra những vùng khó làm sạch. (a) Một lớp biofilm phủ lên những thành ống tủy bất thường và những ống ngà phía dưới bị vi khuẩn trong biofilm xâm nhập. (b) Hình chữ nhật ở (a) được phóng lớn.
Calcium-hydroxide-2
Những vùng khó làm sạch (a và b). Nhiễm trùng ống tủy lan rộng đến ống tủy bên và vùng phân nhánh ở phía chóp. Lưu ý sự hình thành biofilm không chỉ ở ống tủy chính mà còn ở những vùng chia nhánh. Vi khuẩn ở những vùng này vẫn có thể tồn tại dù đã được sửa soạn và bơm rửa.

Mặc dù những chất bơm rửa như NaOCl hay Chlorhexidine có tính kháng khuẩn mạnh nhưng hiệu quả của chúng phần lớn chỉ giới hạn trong ống tủy chính. Do vậy, các chất bơm rửa cần được bổ sung thường xuyên và duy trì trong thời gian thích hợp để hiệu quả kháng khuẩn có tác dụng lên được những vùng không thể sửa soạn bằng dụng cụ. Trong thực hành lâm sàng, các chất bơm rửa nên được khuếch tán đến những vùng nói trên, nhưng thời gian chúng ở trong ống tủy rất ngắn, gây ra những giới hạn đáng kể. Có thể so sánh như sau, chất bơm rửa tác động trong ống tủy từ 10 đến 30 phút, còn việc băng thuốc thì có thể kéo dài đến vài ngày. Do vậy, việc băng thuốc nội tủy làm tăng khả năng khuếch tán, xâm nhập và tiêu diệt vi khuẩn ở những vùng khó tiếp cận. Qua nhiều năm, trong số rất nhiều hợp chất được đề nghị sử dụng thì calcium hydroxide vẫn được sử dụng phổ biến nhất.

2. Calcium hydroxide – Hợp chất không thể thiếu trong điều trị nội nha

Calcium hydroxide là một hợp chất vô cơ có công thức Ca(OH)2 và có độ pH kiềm mạnh (xấp xỉ 12.4). Trong dung dịch nó phân ly thành ion hydroxyl và ion canxi, và hầu hết tác dụng sinh học của nó đều có liên quan đến cấu tạo này. Calcium hydroxide nguyên chất có dạng bột, nhưng nó nên được trộn với chất lỏng, gel hay chất nền dạng kem (hoặc tá dược lỏng) để dễ dàng đưa vào ống tủy và tăng cường hoạt tính kháng khuẩn. Vì hiệu quả của calcium hydroxide phụ thuộc vào độ pH nên tá dược lỏng lý tưởng phải là loại cho phép nó phân ly ra ion. Sự phân ly này thay đổi tùy theo loại tá dược được sử dụng. Câu hỏi được đặt ra là liệu tá dược có tính nhờn hoặc trơn có tác dụng hay không, vì chúng không cho phép sự phân ly mạnh và do đó sẽ không giải phóng ion hydroxyl.

Đa số các chủng vi khuẩn thường thấy trong ống tủy bị nhiễm trùng đều bị loại bỏ sau một thời gian ngắn tiếp xúc với pH cao của calcium hydroxide trong ống nghiệm. Hiệu quả diệt khuẩn của ion hydroxyl lên tế bào vi khuẩn là tổng hợp của các tác động lên lipid, protein và DNA, hậu quả là phá hủy bộ máy tế bào và làm biến đổi mạnh mẽ chức năng tế bào. Calcium hydroxide cũng được chứng minh là có làm bất hoạt các yếu tố độc lực của vi khuẩn, như lipopolisaccharide (nội độc tố) và lipoteichoic acid, là thành phần tương ứng của màng tế bào vi khuẩn gram âm và gram dương. Tác dụng kháng khuẩn của calcium hydroxide phụ thuộc vào ion hydroxyl trong dung dịch, tác dụng này sẽ cao hơn khi sử dụng Ca(OH)2 dạng paste (ở ống tủy chính). Nếu hợp chất này cần được khuếch tán vào mô và nồng độ hydroxyl giảm do tác động của hệ thống đệm của mô (hệ đệm bicarbonate và phosphate), acid, protein, carbon dioxide thì hiệu quả kháng khuẩn của nó có thể bị giảm hay thậm chí bị vô hiệu. Hơn nữa, nhiều chủng vi khuẩn như Enterococcus faecalis và vài nhóm Candida đã cho thấy tính đề kháng với calcium hydroxide.

3. Kết quả nghiên cứu về hợp chất này

Mặc dù có nhiều nghiên cứu cho thấy sự cải thiện của việc khử trùng ống tủy sau khi băng thuốc giữa các lần hẹn, nhưng lại không có nhiều nghiên cứu lâm sàng so sánh tỷ lệ thành công giữa việc điều trị nội nha ống tủy răng nhiễm trùng trong một với nhiều lần hẹn. Một vài nghiên cứu cho thấy điều trị qua hai hay nhiều lần hẹn với chất băng thuốc nội tủy là calcium hydroxide làm tăng tỉ lệ thành công thêm 10-20% so với điều trị một lần hẹn. Mặt khác, cũng có nhiều nghiên cứu cho biết hầu như không có sự khác biệt đáng kể nào hoặc thậm chí là điều trị nội nha một lần hẹn thành công cao hơn 10%. Các kết quả trái ngược trên có thể do số liệu có được không đầy đủ để đi đến kết luận, làm cho việc phân tích thống kê không chính xác. Một nghiên cứu sử dụng cỡ mẫu lớn là những ca điều trị được thực hiện bởi cùng một bác sĩ cho thấy tỷ lệ thành công cao hơn đáng kể đối với răng bị nhiễm trùng được điều trị trong 2 hoặc nhiều lần hẹn có sử dụng calcium hydroxide khi so sánh với những phương pháp điều trị trong một lần hẹn.

Để đạt được kết quả điều trị tốt nhất, bác sĩ lâm sàng cần có kiến thức sâu rộng về giải phẫu hệ thống ống tủy, nắm rõ những nguyên tắc làm sạch, tạo hình và sử dụng các chất kháng khuẩn trong ống tủy một cách hợp lý.

Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *