Hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ theo Bộ Y tế

Hướng dẫn điều trị chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) này được viết cho các nhà lâm sàng cung cấp CSGN và chăm sóc cuối đời cho những người bệnh mắc các bệnh nghiêm trọng mà họ thường xuyên chăm sóc ở ngay tại cơ sở làm việc của họ. 

Cham soc giam nhe
Quy trình CSGN

1. Giới thiệu phương pháp chăm sóc giảm nhẹ

Chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) là chuyên ngành chăm sóc, điều trị vận dụng những chứng cứ tốt nhất hiện có nhằm ngăn ngừa và giảm nhẹ các đau khổ về thể chất, tâm lý, xã hội, hay tâm linh – mà người bệnh là người lớn hay trẻ em mắc bệnh nặng, nghiêm trọng, đang phải chịu đựng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm thế giới có hơn 56,8 triệu người cần chăm sóc giảm nhẹ (CSGN), trong đó 25,7 triệu người gần giai đoạn cuối đời. Các bệnh không lây nhiễm như ung thư, sa sút trí tuệ, bệnh mạch máu não và bệnh phổi chiếm 69% nhu cầu CSGN của người trưởng thành. 75% người trưởng thành cần được CSGN sống trong các nước thu nhập thấp và trung bình, và tỷ lệ cao nhất là ở các nước có thu nhập thấp.

CSGN là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh nhằm giúp giảm bớt đau khổ cho người bệnh và gia đình, đặc biệt đối với bệnh Ung thư, suy các cơ quan trọng yếu, bệnh mạn tính giai đoạn cuối hay bệnh lý cấp tính, trẻ sinh cực non hay người cao tuổi suy yếu, CSGN cần được dễ dàng tiếp cận và cần được tích hợp vào tất cả các mức độ chăm sóc.

2. Các nguyên tắc trong chăm sóc giảm nhẹ

2.1. Nguyên tắc thứ nhất 

Nghĩa vụ đạo đức của nhân viên y tế là làm giảm bớt khổ đau về thể chất, tâm lý hay xã hội…bất kể căn bệnh có thể được chữa khỏi hay không. 

2.2. Nguyên tắc thứ hai 

Chăm sóc giảm nhẹ đáp ứng với bất kỳ đau khổ nào cấp tính hay mạn tính mà chưa được dự phòng hay giảm nhẹ một cách đầy đủ. 

Các loại hình và mức độ đau có thể thay đổi theo địa điểm, hoàn cảnh kinh tế – xã hội, văn hóa, thời gian, do đó công tác chăm sóc giảm nhẹ và quy mô chăm sóc giảm nhẹ cũng cần thay đổi theo từng nhóm người bệnh. 

2.3. Nguyên tắc thứ ba

Đánh giá các giá trị mà mỗi người bệnh trân trọng trong cuộc sống, đối với trẻ em cần đánh giá theo giai đoạn phát triển của trẻ để có thể chăm sóc phù hợp 

Có thể áp dụng chăm sóc giảm nhẹ ngay trong giai đoạn sớm của những bệnh lý nghiêm trọng đồng thời kết hợp các liệu pháp điều trị chữa bệnh như là hóa trị cho người bệnh ung thư hay lao kháng thuốc và thuốc kháng vi rút dành cho người bệnh HIV/AIDS 

Nên được đào tạo ở ba cấp bậc: 

  • Đào tạo chăm sóc giảm nhẹ cơ bản cho tất cả sinh viên y khoa, sinh viên điều dưỡng, sinh viên dược 
  • Đào tạo chăm sóc giảm nhẹ bậc trung cấp/nâng cao cho tất cả các chuyên gia y tế 
  • Đào tạo chăm sóc giảm nhẹ chuyên sâu

2.4. Các nguyên tắc dựa trên y đức (phương Tây)

  • Không làm hại
  • Làm điều có lợi
  • Tự chủ/Tự quyết/Quyền tự ra quyết định
  • Công bằng
  • Không bỏ rơi
  • Nguyên tắc “Hệ quả kép” tức bất kỳ phương pháp nào điều trị nào cũng có thể gây ra tác dụng xấu. Nếuđược người bệnh mong muốn, các biện pháp can thiệp hoàn toàn vì mục đích mang lại lợi ích cho người bệnh có thể được sử dụng ngay cả khi có thể đi kèm với các rủi ro, vốn có thể dự đoán nhưng không chủ ý gây ra.

3. 8 bước chính trong đánh giá chăm sóc giảm nhẹ

3.1 Tiền sử bệnh hiện tại

  • Mong muốn của người bệnh trong việc nhận và thảo luận các thông tin y khoa và đưa ra các quyết định chăm sóc sức khỏe.
  • Hiểu biết của người bệnh về bệnh (nếu người bệnh đồng ý thảo luận), bao gồm: chẩn đoán, các điều trị trước đây và hiện nay, tiên lượng ước đoán, bất kỳ lo lắng hoặc nỗi sợ cụ thể
  • Hiểu biết của gia đình về bệnh (nếu người bệnh từ chối thảo luận và cho phép gia đình thảo luận thay mình), bao gồm: chẩn đoán, các điều trị trước đây và hiện nay, tiên lượng ước đoán, bất kỳ lo lắng hoặc nỗi sợ cụ thể

3.2 Các triệu chứng

Các triệu chứng hiện tại, bắt đầu với triệu chứng gây khó chịu nhất.

Đối với mỗi triệu chứng:

  • Lần xuất hiện đầu tiên
  • Tần suất và kéo dài (nếu không hằng định)
  • Mức độ nặng theo thang điểm từ 0 – 10, ở thời điểm hiện tại, mức bình quân cả cơn, và lúc nặng nhất trong 24 giờ qua.
  • Các tính chất (sự mô tả của người bệnh về triệu chứng)

3.3 Tiền sử xã hội

  • Các thành viên trực hệ trong gia đình (chồng/vợ hoặc bạn đời, cha mẹ, con cái, anh chị em)
  • Các thành viên sống chung nhà
  • Tình trạng tài chính của người bệnh và hộ gia đình
  • Nơi người bệnh được sinh ra
  • Quá trình làm việc của người bệnh
  • Tiền sử nghiện rượu nặng hoặc sử dụng các chất bất hợp pháp (cần phải bảo mật thông tin)
  • Những niềm vui và nỗi buồn, các trải nghiệm mất mát
  • Nhận định của người bệnh về chất lượng cuộc sống hiện tại
  • Các nguồn hỗ trợ cảm xúc chính

3.4 Dị ứng thuốc

Các thuốc đang sử dụng cần quan tâm

  • Liều chính xác
  • Đường dùng thuốc (uống, đặt trực tràng, dán, tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch …)
  • Khoảng cách thời gian dùng thuốc
  • Định kỳ hay khi cần

3.5 Khám thể chất

Các dấu hiệu sinh tồn

  • Nhiệt độ và nhịp thở luôn quan trọng
  • Nhịp tim, huyết áp và độ bão hòa oxy chỉ thu thập khi có ích cho quyết định y khoa Khám thể chất cơ bản đặc biệt chú ý tới các vùng bị ảnh hưởng bởi bệnh lý hoặc liên quan đến các triệu chứng

Tránh gây ra khó chịu

Tình trạng hoạt động

  • Đối với những người bệnh ung thư: Thang điểm ECOG
  • Đối với những người bệnh không ung thư: Thang điểm PPS

3.6 Đánh giá hoàn cảnh xã hội, tâm lý, tâm linh

  • Các khó khăn xã hội liên quan đến bệnh lý (di chuyển, tài chính, bảo hiểm, an toàn, mối quan hệ gia đình, các xung đột xoay quanh mục tiêu chăm sóc)
  • Các triệu chứng và rối loạn tâm lý (căng thẳng, khủng hoảng, đau buồn, mất mát, lo âu, trầm cảm…)
  • Các vấn đề tâm linh: niềm tin, giá trị, ý nghĩa cuộc sống
  • Các lo ngại, sợ hãi, nguyện vọng (đặc biệt ở giai đoạn cuối đời)

3.7 Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh

Chỉ khi cần cho quyết định y khoa. Ví dụ, có thể hữu ích:

  • Đánh giá chức năng thận (creatinine huyết thanh) để có thông tin cho những quyết định về các thuốc và liều thuốc.
  • Chụp cắt lớp vi tính người bệnh ung thư phổi và không có kết quả nào gần đây giúp ước đoán tiên lượng và nguy cơ khó thở nặng hơn.

3.8 Cảm nhận lâm sàng

Tóm tắt các vấn đề y khoa và các loại hình đau chính

Chẩn đoán phân biệt cho mỗi triệu chứng (nguyên nhân nhiều khả năng nhất)

Mục tiêu chăm sóc: Bất kỳ mục tiêu chăm sóc nào đã thống nhất giữa người bệnh hoặc gia đình và bác sĩ, hoặc ghi rõ rằng chưa rõ mục tiêu chăm sóc.

3.9 Các can thiệp đề xuất

  • Đối với mỗi thuốc: Liều chính xác, đường dùng (uống, đặt hậu môn, dán, tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch …), khoảng cách thời gian dùng thuốc, định kỳ hay khi cần
  • Bất kỳ hỗ trợ tâm lý xã hội nào cần thiết

Nên lập kế hoạch để xác lập các mục tiêu chăm sóc (ví dụ: nơi chăm sóc mong muốn, nếu điều này chưa được thảo luận trước đó).


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *