Hồi sinh tim phổi cơ bản ở người lớn

Cấp cứu ngừng tuần hoàn là phần quan trọng nhất trong hồi sinh tim phổi khi xảy ra ngừng tuần hoàn – hô hấp. Mục tiêu là duy trì tuần hoàn và thông khí thích hợp tới khi xác định được nguyên nhân và điều chỉnh được căn nguyên gây ngừng tuần hoàn. Nếu não ‘ không được tưới máu đầy đủ trong 3 – 4 phút (có thể ít hơn nếu bệnh nhân đang thiếu oxy) sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục. Quan trọng là phải đánh giá thật nhanh và bắt đầu ngay hồi sinh tim phổi.

1.Tiếp cận bệnh nhân 

  • Đảm bảo an toàn cho người cấp cứu và bệnh nhân.
  • Kiểm tra bệnh nhân có đáp ứng không. Lay bệnh nhân và nói to: “Anh/chị có làm sao không?”.
  • Nếu bệnh nhân đáp ứng, đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn và có thể gọi người đến hỗ trợ.
  • Nếu bệnh nhân không đáp ứng, báo động yêu cầu trợ giúp, gọi to, nhấn chuông báo động hoặc gọi điện thoại di động với chế độ bật loa ngoài cho đội cấp cứu, còn bản thân tiến hành ép tim ngay, vừa ép vừa quan sát hoặc chuyển sang
  • Bước 2 (đánh giá hô hấp) nếu chưa chắc chắn là bệnh nhân đã ngừng tim và ngừng thở (lưu ý: Thời gian dành cho bước này càng nhanh càng tốt, tối đa không quá 10 giây ).

2.Đánh giá hô hấp, đường thở

  • Khai thông đường thở: Đặt hai ngón tay ở dưới cằm, ngửa đầu bệnh nhân lên.
  • Nếu thất bại, đặt ngón tay phía sau góc xương hàm dưới và giữ lực hướng lên trên và ra trước. Loại bỏ răng giả và bất cứ vật gây tắc nghẽn nào nhìn thấy được trong miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bắt đầu thở, xoay bệnh nhân tới tư thế an toàn và cố gắng giữ đường thở tới khi đặt được dụng cụ ngăn tụt lưỡi cho bệnh nhân.
  • Giữ đường thở thông thoáng, quan sát, nghe và cảm nhận hô hấp của bệnh nhân: Nhìn vận động lồng ngực, nghe âm thở ở miệng bệnh nhân và cảm nhận luồng khí thở vào má người cấp cứu (không quá 10 giây).
  • Nếu bệnh nhân tự thở được, chuyển bệnh nhân về tư thế an toàn, tiếp tục   kiểm soát nhịp thở và tìm kiếm trợ giúp.
  • Nếu bệnh nhân không thở hoặc chỉ thở ngắt quãng hoặc thở yếu, báo cho người bên cạnh (hoặc tìm trợ giúp nếu có 1 mình). Bắt đầu hỗ trợ hô hấp bằng cách hô hấp nhân tạo (bóp bóng hoặc thổi ngạt) với 2 nhịp bóp chậm, sâu, có hiệu quả làm phồng và xẹp rõ rệt lồng ngực bệnh nhân (có thể bỏ qua bước này và tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay nếu bệnh nhân thở chỉ thở ngáp ).

3.Đánh giá tuần hoàn

  • Đánh giá dấu hiệu tuần hoàn bằng bắt mạch cảnh, mạch bẹn nhưng không quá 10 giây.
  • Nếu có mạch bẹn hoặc mạch cảnh nhưng bệnh nhân không thở: Tiếp tục hồi sức hô hấp và đánh giá tình trạng hô hấp và tuần hoàn mỗi 10 nhịp thở (mỗi nhịp thở khoảng 6 giây).
  • Nếu không có mạch cảnh hoặc mạch bẹn: Ép tim ngay tần số ép 100 – 120 nhịp/phút. Phối hợp ép tim và thổi ngạt/bóp bóng, tỷ lệ tương ứng 30/2 (30 nhịp ép tim, 2 lần thổi ngạt/bóp bóng).
  • Tỷ lệ ép tim và hô hấp nhân tạo tương tự với hồi sinh tim phổi với 2 người cấp cứu (Theo hướng dẫn hồi sinh tim phổi cơ bản của Hội Hồi sức Châu Âu năm 2015).

Hồi sinh tim phổi

Thứ tự hồi sinh tim phổi cơ bản

4.Một số điểm cập nhật và lưu ý trong hồi sinh tim phổi cơ bản

  • Phải ngay lập tức gọi cấp cứu khi gặp người ngừng tuần hoàn (có thể sử dụng các thiết bị di động mà không cần thiết phải rời khỏi bệnh nhân).
  • Phải bắt đầu cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức khi bệnh nhân không thở hay có những dấu hiệu thở bất thường (thở ngáp cá).
  • Thứ tự cấp cứu là ép tim – kiểm soát đường thở – hô hấp nhân tạo (CAB) nếu chỉ có 1 người cấp cứu ban đầu. Bắt đầu ép tim trước khi hô hấp nhân tạo (thổi ngạt/bóp bóng) để giảm thiểu thời gian bệnh nhân không được hỗ trợ tuần hoàn, tỷ lệ ép tim/ hô hấp nhân tạo là 30/2.
  • Ép tim có chất lượng cao khi đạt được tần số và tốc độ đúng, để lồng ngực nở lại hoàn toàn trước khi bắt đầu ép nhịp tiếp theo, hạn chế tối đa thời gian nghỉ giữa các lần ép, tránh thông khí quá mức.
  • Tần số ép tim khuyến cáo từ 100 – 120 nhịp/phút.
  • Độ lún của lồng ngực khi ép tim ít nhất là 5 cm nhưng không quá 6 cm (dễ gây chấn thương lồng ngực).
  • Trong phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản, khuyến cáo năm 2015 của Hội tim mạch học Hoa Kỳ nhấn mạnh việc “tiến hành sớm và thực hiện đúng kỹ thuật ép tim”. Sau khi gọi trợ giúp phải ngay lập tức tiến hành ép tim.
  • Nếu chưa được đào tạo hoặc không biết cách thực hiện đúng kỹ thuật thổi ngạt, chỉ cần ép tim đơn thuần.
  • Nếu đã được đào tạo và biết cách thổi ngạt đúng, vẫn phải bắt đầu bằng ép tim 30 nhịp trước, sau đó thổi ngạt 2 lần.
  • Quá trình ép tim phải được tiến hành liên tục tới khi có chuyên viên y tế hoặc có máy phá rung tự động (AED: automated external defibrillator) hoặc khi có dấu hiệu tuần hoàn được khôi phục .

Mục tiêu là duy trì tuần hoàn và thông khí thích hợp tới khi xác định được nguyên nhân và điều chỉnh được căn nguyên gây ngừng tuần hoàn. Nếu não ‘ không được tưới máu đầy đủ trong 3 – 4 phút (có thể ít hơn nếu bệnh nhân đang thiếu oxy) sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục. Quan trọng là phải đánh giá thật nhanh và bắt đầu ngay hồi sinh tim phổi.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *