Viêm loét đại tràng là một trong hai đại diện của nhóm bệnh lý ruột viêm. Bệnh lý này có thể cho hình ảnh khởi phát lâm sàng rất đa dạng, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh lý này có diễn tiến rất phức tạp, phụ thuộc vào mức độ và chế độ điều trị của mỗi bệnh nhân, do đó tiên lượng bệnh của bệnh viêm loét đại tràng ở mỗi bệnh nhân cũng rất thay đổi.
1. Định nghĩa và đặc điểm của viêm loét đại tràng
Bệnh ruột viêm (inflammatory bowel disease – IBD) là nhóm bệnh lý viêm mạn tính của đường tiêu hóa, có cơ chế bệnh sinh rất phức tạp, nguyên nhân vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Bệnh ruột viêm gồm có hai loại chính là bệnh Crohn (Crohn’s disease) và viêm loét đại tràng (ulcerative colitis – UC). UC là tình trạng viêm mạn tính đặc trưng bởi các đợt viêm tái diễn và tự thoái lui giới hạn ở lớp niêm mạc đại tràng. Đây là dạng bệnh ruột viêm thường chỉ ảnh đến đại tràng. Tổn thương viêm loét thường liên tục, hầu như luôn ảnh hưởng trực tràng và có thể cho sang thương liên tục đến các đoạn khác của khung đại tràng. Tùy theo mức độ lan rộng của tổn thương, UC có thể được phân thành các dạng viêm trực tràng, viêm trực tràng – đại tràng sigma, viêm đại tràng trái và viêm đại tràng lan rộng. Các dạng bệnh khác nhau có thể có những đặc điểm riêng về khởi phát, điều trị cũng như tiên lượng.
Khởi phát chủ yếu của UC thường là các triệu chứng phản ánh sự viêm của vùng đại – trực tràng. Các triệu chứng hay gặp ở các bệnh nhân mắc UC gồm: chảy máu trực tràng, tiêu chảy, tiêu phân nhầy, gấp đi tiêu và đau bụng; đặc biệt là đau quặn vùng bụng dưới. Hình thái lâm sàng cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào mức độ lan rộng của sang thương viêm loét. Ngoài ra, UC còn có thể có các triệu chứng khởi phát ở các cơ quan ngoài hệ tiêu hóa như da, cơ xương, mắt, huyết học, hô hấp.
Đánh giá mức độ bệnh rất quan trọng trong điều trị và tiên lượng các bệnh lý ruột viêm. Mức độ bệnh lý UC có thể được đánh giá theo phân độ của Truelove and Witts, dựa trên các yếu tố gồm số lần đi tiêu chảy, có hay không có sốt, thiếu máu, nhịp tim nhanh và tốc độ máu lắng. Phổ biến hơn, trong lâm sàng thường thang điểm Mayo để đánh giá mức độ bệnh, cũng như đánh giá đáp ứng của bệnh và diễn tiến hiện tại của bệnh UC. Thang điểm Mayo cũng là công cụ đánh giá mức độ thường được dùng nhất trong các nghiên cứu và thử nghiệm liên quan đến UC.
Các bài viết chi tiết về triệu chứng, khởi phát và đánh giá mức độ của bệnh lý UC đã được giới thiệu trên chuyên trang VinmecDr
2. Diễn tiến và tiên lượng bệnh viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng thường xuất hiện theo từng đợt. Mỗi đợt bệnh thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, sau đó có thể tự thoái lui, không còn hoặc còn ít các triệu chứng của bệnh. Nếu được điều trị phù hợp, bệnh lý UC có thể đạt được giai đoạn thoái lui dài hơn, khả năng tất cả các triệu chứng đều biến mất cao hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp đã được điều trị, bệnh nhân thường vẫn có những đợt tái phát nặng lên của các triệu chứng. Một tỷ lệ thấp các bệnh nhân không thể đạt được trạng thái thoái lui hoàn toàn tất cả triệu chứng. Nhìn chung, các bệnh nhân khởi bệnh và được chẩn đoán ở dạng bệnh viêm trực tràng thường cho các đợt bệnh nhẹ, ít triệu chứng hơn, đáp ứng tốt với các thuốc điều trị cơ bản. Các dạng viêm loét đại tràng lan rộng hơn thường có nhiều triệu chứng, khó đạt lui bệnh và kém đáp ứng với điều trị hơn, đôi khi phải cân nhắc cắt đại tràng.
Ngoại trừ mức độ lan rộng của tổn thương viêm loét trong khung đại tràng, một số yếu tố khác cũng có ý nghĩa trong tiên lượng của bệnh lý UC, có thể kể đến như:
- Tuổi tại thời điểm chẩn đoán: các nghiên cứu dịch tễ và quan sát các bệnh nhân UC cho thấy, các bệnh nhân UC được chẩn đoán ở độ tuổi cao hơn có khả năng đáp ứng với thuốc, tỷ lệ đạt được lui bệnh cao hơn đáng kể ở nhóm bệnh nhân khởi phát UC ở độ tuổi thấp hơn.
- Thuốc lá: hút thuốc lá được ghi nhận là có liên quan đến mức độ bệnh nặng hơn và khả năng đáp ứng với điều trị thấp hơn. Việc ngưng thuốc lá có thể giúp giảm triệu chứng, qua đó làm giảm mức độ bệnh và thậm chí là đạt được lui bệnh
- Sự hồi phục của niêm mạc: sự đáp ứng của niêm mạc đại tràng với điều trị và một dấu hiệu quan trọng trong tiên lượng chung của bệnh. Dữ liệu từ một số thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đáng tin cậy có thấy, niêm mạc đại tràng hồi phục (đánh giá bằng giảm điểm Mayo) với điều trị bằng infliximab trong vòng 8 tuần cho thấy giảm đáng kể nguy cơ cắt đại tràng và khả năng đạt được lui bệnh cao hơn.
Bệnh lý UC có thể gây ra một số biến chứng mạn tính hoặc có nguy cơ dẫn đến một số tình trạng làm ảnh hưởng đến tiên lượng chung của bệnh nhân như:
- Ung thư đại trực tràng: bệnh nhân UC có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn, tỷ lệ thay đổi dựa trên mức độ, độ lan rộng của tổn thương và thời gian tính từ thời điểm khởi phát UC.
- Chính hẹp đại tràng.
Nhìn chung tỷ lệ tử vong của bệnh nhân UC có cao hơn đôi chút so với dân số chung. Tỷ lệ này phục thuộc vào mức độ, đáp ứng điều trị cũng như là sự có mặt của các biến chứng. Các biện pháp điều trị đang giúp làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lý này.
Leave a Reply