Đặc điểm lâm sàng của u thần kinh đệm

U thần kinh đệm là một trong những loại u não phổ biết nhất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Nhận biết được các đặc điểm lâm sàng của u thần kinh đệm rất quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị sớm. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về các triệu chứng và hội chứng có thể xuất hiện trên bệnh nhân mắc căn bệnh này.

dac-diem-lam-sang-u-than-kinh-dem
Ảnh minh họa đặc điểm lâm sàng của u thần kinh đệm

1. Triệu chứng lâm sàng của u thần kinh đệm

Triệu chứng của u thần kinh đệm có thể xuất hiện từ từ hoặc có thể rõ rệt ngay từ đầu. Một số trường hợp không có triệu chứng gì cho đến khi bệnh nhân khám bệnh vì có dấu hiệu bất thường.

Triệu chứng của một khối u thần kinh đệm phụ thuộc rất nhiều vào kích thước khối u và vị trí của khối u trong não. Một số triệu chứng và hội chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Nhức đầu, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc đỡ hơn sau khi nôn
  • Nôn, buồn nôn: mức nghiêm trọng hoặc thường xuyên mà không có các dấu hiệu khác của bệnh dạ dày-ruột
  • Các vấn đề về thị giác, như nhìn đôi, thị lực mờ hoặc mất thị lực
  • Động tác vụng về. Khó đi bộ hoặc mất cân bằng do yếu chân, tay
  • Tê tay chân
  • Động kinh
  • Tăng hoặc giảm cân
  • Dậy thì sớm
  • Giảm trí nhớ
  • Nói khó, nói ngọng
  • Buồn ngủ
  • Thay đổi hành vi.
  • Hội chứng tăng áp lực nội sọ
    • Đau đầu: lan toả, lúc đầu âm ỉ sau đó đau tăng dần lúc nào cũng đau, đau vào buổi sáng nhiều hơn vào buổi chiều.
    • Nôn (hoặc buồn nôn): thường nôn vào buổi sáng, nôn tự nhiên, nôn xong thường có cảm giác bớt nhức đầu.
    • Biến đổi ở gai thị giác, như phù gai thị, teo gai thị…
    • Trường hợp tăng áp lực nội sọ nặng có thể gây nên: Mạch chậm, rối loạn chức năng hô hấp. Thay đổi cá tính: trầm cảm hoặc kích thích. Có thể bị ảnh hưởng đến nhận thức, chậm chạp, tiểu tiện không tự chủ, tri giác giảm dần, hôn mê.

2. Triệu chứng của u thần kinh đệm tương ứng với vị trí của khối u

Vị trí của khối u thần kinh đệm gây ra những triệu chứng tương ứng với chức năng mà vùng đó đảm nhận.

2.1. U thần kinh đệm ở tiểu não

Khi khối u xuất hiện ở tiểu não, biểu hiện lâm sàng chủ yếu là:

  • Hội chứng tăng áp lực nội sọ (đau đầu, nôn, phù gai thị)
  • Hội chứng tiểu não: rối loạn thăng bằng, rối loạn phối hợp động tác.
    • Rối loạn thăng bằng: thể hiện khi người bệnh đi lại, đi bộ chậm, lắc lư, ngừng lại, lệch một bên, dạng chân, chiều dài bước chân thay đổi. U ở vị trí thùy giun có thể gây thất điều, thân nghiêng trước, ra sau hay lắc lư hai bên. Nghiệm pháp Romberg dương tính.
    • Rối loạn phối hợp động tác: biểu hiện từ đơn giản đến phức tạp, gồm:
      • Rối loạn các vận động đơn giản: phát hiện bằng các nghiệm pháp sau đây: Ngón tay chỉ mũi (người bệnh nằm ngửa, hai tay và hai chân duỗi thẳng, bảo người bệnh lấy ngón tay trỏ chỉ vào mũi), gót chân đầu gối (người bệnh nằm ngửa, duỗi thẳng hai chân, bảo người bệnh lấy gót chân bên này chỉ đúng lên đầu gối bên kia chân); kết quả: người bệnh chỉ sai tầm, quá tầm.
      • Rối loạn dáng đi: bệnh nhân đi loạng choạng.
      • Rối loạn các động tác phức tạp: khi làm một động tác phức tạp, người bệnh phân tích thành một loạt động tác đơn giản nên khi tiến hành thường có rối loạn.
      • Nghiệm pháp nhấc chân: bảo người bệnh nhắc chân khỏi giường 50cm, do mất khả năng phối hợp trong thời gian và không gian nên người bệnh đưa quá mạnh, quá đích 50cm.
      • Nghiệm pháp nắm tay: bảo người bệnh nắm tay, người bệnh nắm quá mạnh.
      • Rối loạn các vận động liên tiếp: bảo người bệnh lật úp bàn tay liên tiếp người bệnh làm rời rạc và chậm chạp.

2.2. U thần kinh đệm ở thân não

Khi khối u xuất hiện ở thân não, các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Nhìn đôi do liệt dây thần kinh vận nhãn: III, VI, IV
  • Yếu tay chân
  • Rối loạn thăng bằng
  • Khó nuốt, nói khàn
  • Đau đầu
  • Buồn nôn, nôn
  • Khó phát âm hoặc khó điều khiển tay để viết chữ
  • Thăm khám lâm sàng sẽ phát hiện các dấu hiệu liệt các dây thần kinh sọ, triệu chứng của bó tháp và rối loạn thăng bằng. Trong đó liệt dây VI và VII là thường gặp nhất. Mất cảm giác vùng mặt và dấu hiệu rung giật nhãn cầu có thể gặp.
  • Bệnh nhân có u ở mái não thất IV có các triệu chứng sau: đau đầu, nôn và buồn nôn, nhìn đôi, hội chứng Parinaud (liệt vận nhãn quay lên, mắt luôn nhìn xuống dưới, đồng tử phản xạ với kích thích ánh sáng ở gần, mà không phản xạ với ánh sáng xa; hiện tượng hội tụ nhãn cầu).
  • Bnh nhân có u ở vùng hành não – tủy cổ cao có biểu hiện: Nuốt khó, đi lại loạng choạng, nôn và yếu tay chân.

2.3. U ở bán cầu đại não

  • Co giật: thường gặp ở u não ở vỏ não, nhất là u não ở thái dương nền và ở quanh vùng vận động.
  • Bất thường về phát âm: nói lắp, nói ngọng, nói khó…
  • Yếu hay liệt nửa người (hoặc nửa mặt).
  • Các dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ.
  • Rối loạn, hay mất cảm giác.
  • Thay đổi cá tính, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, buồn ngủ, ngủ gà, lẫn lộn.

2.4. U ở giao thoa thị giác/ vùng dưới đồi

  • Rối loạn về nội tiết: đái tháo nhạt, dậy thì sớm, lùn tuyến yên…
  • Rối loạn thị giác: bán manh, nhìn đôi, giảm thị lực, mất thị lực…
  • Hội chứng tăng áp lực nội sọ khi có biểu hiện chèn ép não thất III gây giãn não thất.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *