Nhồi máu não – Đại cương

Nhồi máu não là một bệnh lý tim mạch phổ biến, làm giảm lưu lượng máu chảy vào não và gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, khó thở, mất cân bằng, khó nói và đau ngực. Bệnh thường xảy ra do các tắc nghẽn tạm thời hoặc vĩnh viễn của các mạch máu đưa máu đến não, gây ra thiếu máu và oxy cho não. Nhồi máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ, một bệnh lý nguy hiểm có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như tàn phế và tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhồi máu não là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ, và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trên toàn thế giới.

1. Phân loại nhồi máu não

Đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính (acute ischemic stroke) hay còn gọi là nhồi máu não là tình trạng dòng máu đột ngột không lưu thông đến một khu vực của não làm mất chức năng thần kinh tương ứng (hình 1).

Nhồi máu não
Nhồi máu não. Hình 1- Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy huyết khối gây hẹp tắc tại động mạch não giữa đoạn M1-2 (vòng tròn màu đỏ)

Hệ thống phân loại đột quỵ được xây dựng dựa trên Thử nghiệm đa trung tâm điều trị đột quỵ cấp (TOAST), trong đó phân chia nhồi máu não thành 3 thể chính như sau:

  • Nhồi máu não động mạch lớn
  • Nhồi máu não động mạch nhỏ, hoặc nhồi máu ổ khuyết
  • Nhồi máu não do cục tắc di chuyển từ tim

Nhồi máu não động mạch lớn thường liên quan đến huyết khối hình thành trên thành động mạch bị vữa xơ, thường là động mạch cảnh, động mạch sống nền và động mạch não; tuy nhiên, nhồi máu não động mạch lớn cũng có thể do huyết khối hoặc cục tắc từ tim và đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây tái phát nhồi máu não.

Nhồi máu ổ khuyết do tắc mạch nhỏ (thường là những động mạch xuyên nằm sâu trong não) mà nguyên nhân thường do bệnh lý mạch máu. Nhiều khi không xác định được nguyên nhân gây nhồi máu não và được xếp vào loại nhồi máu não không rõ nguyên nhân.

2. Giải phẫu bệnh nhồi máu não

Não là cơ quan có hoạt động chuyển hóa cao nhất trong cơ thể. Mặc dù chỉ chiếm 2% khối lượng của cơ thể, nhưng nó cần 15-20% tổng cung lượng tim lúc nghỉ để cung cấp glucose và oxy cần thiết cho quá trình trao đổi chất.

Các bán cầu não được cấp máu bởi sự kết nối của 3 động mạch chính, cần đặc biệt ghi nhớ là các động mạch não trước, não giữa và não sau.

Các động mạch não trước và giữa đảm bảo tuần hoàn phía trước, nguyên ủy là các động mạch cảnh trong. Động mạch não trước cấp máu cho phần giữa của thùy trán và thùy đỉnh và các phần trước của hạch nền và bao trong.

Nhồi máu não
Nhồi máu não
Hình 2. Chụp động mạch máu não tư thế nghiêng
Hình 3. Hình ảnh chụp động mạch cảnh trong tư thế trước-sau

Các động mạch đốt sống tham gia tạo thành động mạch nền. Các động mạch tiểu não sau (PICAs) phát sinh từ các động mạch đốt sống xa. Các động mạch tiểu não trước dưới (AICAs) phát sinh từ đoạn gần của động mạch nền. Các động mạch tiểu não trên (SCA) phát sinh xa từ đoạn xa của động mạch nền trước khi phân chia thành các động mạch não sau (PCAs).

Bảng 1 – Giải phẫu mạch máu nuôi não

Vùng mạch máu Cấu trúc được nuôi dưỡng
Tuần hoàn trước (hệ cảnh)
ĐM não trước Nhánh vỏ não: trán giữa, thùy đỉnh

Nhánh xiên bèo vân: đầu nhân đuôi, nhân bèo, cánh tay trước bao trong

ĐM não giữa Nhánh vỏ não: Vùng trán bên, và thùy đỉnh, vùng trước va bên thùy thái dương

Nhánh xiên bèo vân: Nhân bèo xấm và nhạt, bao trong

ĐM mạch mạc trước Dải thị giác, thái dương trong, đồi thị, vành tia, cánh tay sau bao trong,
Tuần hoàn sau (hệ sống nền)
ĐM não sau Nhánh vỏ não: Tùy chẩm, phần sau, trong thùy thái dương, thùy đỉnh

Nhánh xiên: Tân não, đồi thị phần sau, và giữa

ĐM tiểu não sau dưới Thùy nhộng dưới, phần sau dưới bán cầu tiểu não
ĐM tiểu não trước dưới Phần trước dưới bán cầu tiểu não
ĐM tiểu não trên Phần thùy nhộng trên, tiểu não trên

3. Sinh lý bệnh nhồi máu não

Nhồi máu não cấp tính do huyết khối hoặc cục tắc làm thiếu máu cục bộ, dẫn đến thiếu oxy và giảm ATP tế bào, ảnh hưởng tới sự chênh lệch nồng độ ion qua màng tế bào, gây phù tế bào não.

3.1. Vùng trung tâm và vùng rìa ổ nhồi máu

Tắc mạch não cấp tính gây ra các vùng thiếu máu cục bộ không đồng nhất. Các vùng có lưu lượng máu não dưới 10 ml/100g mô/phút được gọi vùng lõi hay trung tâm ổ nhồi máu và ở vùng này, tế bào não sẽ hoại tử sau vài phút nhồi máu não.

Khu vực ngoại biên của ổ nhồi máu (lưu lượng máu não <25 mL/100g mô/phút) hay còn gọi là vùng rìa ổ nhồi máu mà ở đây, tế bào não có thể tồn tại trong vài giờ vì vẫn còn được tưới máu.

3.2. Dòng thác thiếu máu cục bộ

Tế bào thần kinh khử cực trong tình trạng thiếu oxy và không đủ ATP khi nhồi máu não gây đình trệ hệ thống vận chuyển ion qua màng tế bào, từ đó làm rối loạn hoạt động của bơm natri-kali, tăng natri nội bào, tăng thể tích nước nội bào. Hậu quả là phù não xảy ra rất sớm khi thiếu máu não.

Bên cạnh đó, hoạt động trao đổi natri-canxi qua màng tế bào cũng bị rối loạn. Các ion can xi đi vào trong tế bào, giải phóng giải phóng một số chất dẫn truyền thần kinh như glutamate, hoạt hóa N-methyl-D-aspartate (NMDA) và các thụ thể kích thích khác trên các tế bào thần kinh, từ đây tạo ra một vòng xoắn bệnh lý tạo ra một dòng canxi khổng lồ đi vào tế bào và kích hoạt các enzyme thoái hóa khác nhau, dẫn đến sự phá hủy tế bào thần kinh. Các gốc tự do, axit arachidonic và oxit nitric tạo ra làm tế bào thần kinh tổn thương nặng nề hơn.

Thiếu máu cục bộ trực tiếp phá hủy hàng rào máu não (thường xảy ra trong 4 – 6 giờ sau đột quỵ) làm protein và nước tràn vào khoảng gian bào gây phù mạch, phù não, nặng nhất thường sau 3 – 5 ngày và kéo dài nhiều tuần nếu nước và protein được tái hấp thu.

Trong vòng vài giờ đến vài ngày sau đột quỵ thiếu máu não, các cytokin được hình thành, thúc đẩy quá trình viêm và cản trở vi tuần hoàn. Vùng ngoại vi ổ nhồi máu dần dần bị thu hẹp, vùng trung tâm ổ nhồi máu lan rộng. Các tế bào hình sao, tế bào đuôi gai lớn và vi tế bào thần kinh đệm dần bị hoại tử. Nhu mô não bị nhồi máu sẽ dịch hóa và bị các đại thực bào tiêu hủy. Vùng mô hoại tử này dần mất đi, thay thế bằng các nang nước trong não.

3.3. Nhồi máu chuyển dạng xuất huyết

  • Khoảng 5% bệnh nhân nhồi máu não không biến chứng, không điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối có hiện tượng chảy máu trong ổ nhồi máu.
  • Hình thái có thể là những chấm xuất huyết trong ổ nhồi máu hoặc một hoặc nhiều khối máu tụ, làm suy giảm thần kinh và có thể phải can thiệp phẫu thuật hoặc dẫn lưu.
  • Nguyên nhân chuyển dạng xuất huyết có thể do tái tưới máu, tái thông mạch bị tắc, do tuần hoàn bàng hệ hoặc do vỡ hàng rào máu não làm hồng cầu thoát quản.
  • Thường xảy ra từ 2 – 14 ngày sau đột quỵ.
  • Thường gặp ở những bệnh nhân:
    • Có bệnh lý tim mạch gây huyết khối trong buồng tim
    • Sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết rt-PA với những bệnh nhân có những ổ giảm tỷ trọng ngay khi chụp cắt lớp không cản quang những giờ đầu.

3.4. Phù não và co giật sau đột quỵ

Mặc dù phù não nặng có thể xảy ra ở những bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu hệ cảnh (tuần hoàn trước) nhưng cũng ít gặp (10-20%). Phù và thoát vị là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong sớm ở bệnh nhân nhồi máu não.

Co giật xảy ra ở 2-23% bệnh nhân trong những ngày đầu tiên sau nhồi máu. Một phần nhỏ bệnh nhân sau nhồi máu não bị co giật mạn tính.

4. Nguyên nhân gây ra nhồi máu não

Đột quỵ thiếu máu não là hậu quả của các nguyên nhân gây giảm hoặc tắc nghẽn dòng máu (huyết khối ngoại sọ hoặc nội sọ gây lấp mạch). Thiếu máu cục bộ và tổn thương tế bào thần kinh không hồi phục khi lưu lượng máu não dưới 18 ml/100g mô não/phút, tế bào chết nhanh chóng khi lưu lượng máu dưới 10ml/100g mô não/phút.

4.1. Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ của nhồi máu não bao gồm các yếu tố có thể thay đổi và không thể thay đổi. Xác định các yếu tố nguy cơ ở mỗi bệnh nhân có thể giúp người thầy thuốc nhanh chóng xác định hoặc định hướng nguyên nhân gây đột quỵ và đưa ra phác đồ điều trị và phòng ngừa tái phát hợp lý.

4.1.1. Các yếu tố nguy cơ không thay đổi:

  • Tuổi
  • Chủng tộc
  • Giới tính
  • Tiền sử đau nửa đầu kiểu migrain
  • Loạn sản xơ cơ
  • Di truyền: gia đình có người bị đột quỵ hoặc bị các cơn thiếu máu não thoáng qua

4.1.2. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi:

  • Tăng huyết áp (quan trọng nhất)
  • Đái tháo đường
  • Bệnh tim: rung nhĩ, bệnh van tim, suy tim, hẹp van hai lá, bệnh tim bẩm sinh có luồng thông trái – phải (ví dụ lỗ bầu dục thông), giãn tâm nhĩ và tâm thất
  • Rối loạn lipid máu
  • Thiếu máu não thoáng qua (TIAs)
  • Hẹp động mạch cảnh
  • Tăng homocystine máu
  • Các vấn đề về lối sống: uống rượu quá mức, hút thuốc lá, sử dụng ma túy, ít hoạt động thể lực
  • Béo phì
  • Dùng thuốc tránh thai hoặc dùng hormone sau mãn kinh
  • Bệnh hồng cầu hình liềm

4.2. Tắc động mạch lớn

  • Do vỡ xơ vữa động mạch: thân chung động mạch cảnh, động mạch cảnh trong
  • Do huyết khối từ tim: hẹp van hai lá, rung nhĩ…

4.3. Đột quỵ ổ khuyết

Đột quỵ ổ khuyết chiếm 13-20% bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não. Phần lớn đột quỵ ổ khuyết liên quan đến tăng huyết áp.

Nguyên nhân thường gặp:

  • Mảnh vữa xơ nhỏ (microatheroma)
  • Nhiễm lipohyalin
  • Hoại tử dạng fibrin thứ phát sau tăng huyết áp hoặc viêm mạch
  • Vữa xơ động mạch hyaline
  • Bệnh mạch amyloid
  • Bệnh lý mạch máu khác…

4.4. Đột quỵ do cục tắc (emboli)

Cục tắc từ tim có thể chiếm tới 20% nguyên nhân gây nhồi máu não cấp, hay gặp trong các bệnh:

  • Bệnh van tim (hẹp van hai lá, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, van tim nhân tạo)
  • Nhồi máu cơ tim, rung nhĩ, bệnh cơ tim giãn hoặc suy tim sung huyết nặng: gây huyết khối trong buồng tim rồi di chuyển lên mạch não.
  • U nhày nhĩ trái.
Nhồi máu não
Nhồi máu não
Hình 4 – Hình ảnh đột quỵ thiếu máu não đa ổ ở bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim

4.5. Đột quỵ do huyết khối (thrombus)

Nguyên nhân:

  • Do nứt vỡ mảng vữa xơ động mạch: tổn thương và mất các tế bào nội mô, lộ ra lớp dưới nội mạc làm hoạt hóa tiểu cầu, hoạt hóa các yếu tố đông máu, ức chế tiêu sợi huyết
  • Hẹp động mạch: làm tăng tốc độ dòng máu chảy, tăng kết dính tiểu cầu, làm dễ dàng hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn mạch.
  • Ở những bệnh nhân trẻ tuổi, cần lưu ý:
    • Các bệnh lý tăng đông (kháng thể kháng phospholipid, thiếu protein C, thiếu protein S, có thai)
    • Bệnh hồng cầu hình liềm
    •  Loạn sản xơ cơ
    • Lóc tách động mạch
    • Co mạch liên quan đến các chất kích thích (cocaine, amphetamine)

5. Dịch tễ học nhồi máu não

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và là nguyên nhân hàng thứ năm gây tử vong ở Hoa Kỳ. Hàng năm có khoảng 795.000 người ở Hoa Kỳ bị đột quỵ trong đó số người mới bị là 610.000 người và đột quỵ tái phát 185.000 người. Các nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng 82-92% đột quỵ ở đây là nhồi máu não.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn.

Đàn ông có nguy cơ đột quỵ cao hơn phụ nữ; đàn ông da trắng có tỷ lệ đột quỵ là 62,8/100.000 dân, tử vong 26,3% trong khi phụ nữ có tỷ lệ đột quỵ là 59/100.000 dân và tỷ lệ tử vong là 39,2%.

Mặc dù đột quỵ thường được coi là bệnh lý của người có tuổi nhưng 1/3 số đột quỵ xảy ra ở người dưới 65 tuổi. Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *