Nguyên nhân đau bởi vấn đề nội nha không phải do thần kinh cảm thụ đặc biệt (nociceptive pain) có thể kể đến là do viêm, đau ngà hay đau thần kinh ngoại vi hoặc trung ương. Cùng tìm hiểu cơ chế và nguyên nhân gây ra triệu chứng này trên bệnh nhân để nắm rõ hơn các vấn đề, đồng thời có hướng xử trí phù hợp trên lâm sàng.
1. Nguyên nhân do quá trình viêm
Viêm là một đáp ứng miễn dịch tự bảo vệ bình thường của cơ thể đối với mô nhiễm trùng. Các tế bào miễn dịch lưu thông di chuyển qua hàng rào nội mạc để đến các mô bị tổn thương và loại bỏ các mầm bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, viêm không được kiểm soát có thể dẫn đến một loạt các rối loạn cấp tính, mãn tính và toàn thân. Mô tủy là mô giàu mạch máu và thần kinh, có rất ít khe hở vì bao bọc xung quanh nó là các thành ngà cứng chắc. Viêm xảy ra trong mô tủy, hay còn gọi là viêm tủy, thường rất đau.
Khi nhiễm trùng từ lỗ sâu tiến đến gần mô tủy, lipopolysaccharide (LPS) từ thành tế bào vi khuẩn và các yếu tố nguy hại khác sẽ kích thích một phản ứng viêm từ hàng loạt các tế bào nằm trong mô tủy. Các tế bào bị ảnh hưởng giải phóng các yếu tố trung gian gây viêm như prostaglandin và bradykinin, các chất này sẽ kích hoạt hoặc gây nhạy cảm lên các neuron cảm giác trong mô tủy, đến răng tăng cảm giác đau với nhiệt và cơ học, hoặc gây ra dị cảm đau dẫn (allodynia). Trong giai đoạn tiến triển của viêm tủy, phần lớn các phần của mô tủy đều bị viêm và cuối cùng mô tủy sẽ bị thoái hóa. Trong quá trình thoái hóa, các sợi thần kinh tủy răng có thể vẫn còn nguyên vẹn một phần và tiếp tục gây ra cảm giác đau tự phát. Thuật ngữ chẩn đoán viêm tủy có hồi phục và viêm tủy không hồi phục dựa trên dấu hiệu lâm sàng của mô tủy nhưng các dữ liệu lâm sàng dựa trên bằng chứng để xác định liệu tủy răng có thực sự bị viêm hồi phục hay không hồi phục thì vẫn còn chưa rõ ràng. Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc giảm đau opioid, acetaminophen và steroid là các thuốc có tác dụng hiệu quả trong điều trị đau do viêm.
2. Đau ngà (dentinal pain)
Sự mất hay hư hại lớp men hoặc cement có thể làm lộ ngà răng vào xoang miệng và gây ra dấu hiệu lâm sàng hoặc nhạy cảm. Đau ngà thường là đau ngắn, đau chói xảy ra khi phản ứng với nhiệt, hơi, xúc giác, thẩm thấu hoặc kích thích hóa học. Thuyết thủy động học giải thích rằng các kích thích tạo ra sự dịch chuyển của chất lỏng trong các ống ngà, từ đó kích hoạt các sợi thần kinh được phân bố trong ống ngà. Nhạy cảm ngà có liên quan trực tiếp đến kích thước và độ mở của ống ngà. Mất men hoặc cement thường là hậu quả của sự ăn mòn (attrition), xói mòn (erosion), mài mòn (abrasion) hoặc mòn ngót do lực khớp cắn (abfraction). Người ta ước tính có khoảng 30% người trưởng thành có nhạy cảm ngà tại một số thời điểm nhất định trong đời. Sau đó các triệu chứng có thể hết khi các ống ngà bị bịt kín bởi các loại muối vô cơ, ngà bẩn, ngà gian ống, ngà thứ phát hoặc ngà sửa chữa. Hầu hết các biện pháp điều trị nhạy cảm ngà đang có hiện nay đều làm bịt kín các ống ngà, do đó ngăn cản sự dịch chuyển của dịch trong ống ngà và cuối cùng là cắt hầu hết triệu chứng. Các biện pháp điều trị bao gồm sử dụng kem đánh răng có chứa stronti hoặc muối oxalat, chúng sẽ làm lắng đọng muối khoáng trong các ống ngà. Trám răng bằng glass ionomer, nhựa hoặc nhựa dán cũng đem lại hiệu quả cao. Các phương pháp điều trị bảo tồn như vậy được khuyến cáo là biện pháp điều trị ban đầu để làm dịu đau, vì thường ít thấy tủy răng bị viêm hoặc bệnh lý tủy ở những răng có nhạy cảm ngà. Thay vào đó, tình trạng này chỉ là sự thể hiện độ nhạy cảm của các neuron cảm giác bình thường trong mô tủy với các kích thích, khi mà lớp men và cement bảo vệ bị phá hủy.
3. Tổn thương thần kinh (neuropathic pain)
Đau thần kinh (neuropathic pain) là một dạng của đau mãn tính, gây ra bởi một kích thích nguyên phát hoặc rối loại chức năng trong hệ thống thần kinh ngoại vi hoặc thần kinh trung ương. Đau thần kinh có một sinh lý bệnh phức tạp và có thể ảnh hưởng đến vùng miệng – mặt cũng như các bộ phận của cơ thể. Xét về sự liên quan với nha khoa hoặc nội nha thì ngày nay người ta hiểu rằng đau thần kinh có thể xảy ra do các thủ thuật nha khoa như phẫu thuật nhổ răng khôn, phẫu thuật cắm implant, điều trị nội nha có phẫu thuật và không phẫu thuật, thậm chí cả sau gây tê chích. Đau thần kinh cũng có thể xảy ra như là hậu quả của các rối loạn khác trong cơ thể như đái tháo đường (bệnh lý thần kinh do đái tháo đường), HIV (bệnh lý thần kinh HIV) và herpes zoster (đau thần kinh hậu zona). Những bệnh lý thần kinh ngoại vi này có thể xảy ra ở vùng miệng – mặt kể cả trong miệng, đó là những trường hợp mà việc chẩn đoán sẽ rất khó
khăn. Và thật không may là, rất nhiều bệnh nhân phải trải qua những thủ thuật điều trị nha khoa không cần thiết chỉ để làm giảm những cơn đau kiểu này. Do đau thần kinh có thể gây ra suy nhược nghiêm trọng và rất khó chữa, nên cần phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn hoặc giảm thiểu các tổn thương thần kinh trong quá trình lập kế hoạch điều trị nha khoa. Các răng cối lớn và răng cối nhỏ hàm dưới có chóp răng gần lỗ thần kinh cằm của kênh thần kinh răng dưới nên được tiếp cận cẩn thận để giảm thiểu tổn thương đến các nhánh thần kinh. Các thuốc giảm đau thông dụng và NSAID thường ít hiệu quả đối với đau thần kinh, các thuốc opioid có phần tốt hơn. Nói chung, các thuốc ức chế hệ thần kinh được thấy là có hiệu quả trong điều trị đau thần kinh, bao gồm thuốc chống co giật như gabapentin và thuốc chống trầm cảm như nortriptyline.
Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017
Leave a Reply