Warfarin và Ciprofloxacin là hai loại thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, tương tác giữa hai loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Các chuyên gia y tế cần hết sức cẩn trọng khi kê đơn hai loại thuốc này cùng một lúc và nên theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để tránh các tác dụng không mong muốn.
1. Thông tin chung về thuốc Ciprofloxacin
1.1 Cơ chế tác dụng
Ciprofloxacin là một kháng sinh bán tổng hợp, có phổ kháng khuẩn rộng, thuộc nhóm Fluoroquinolon.
Thuốc có tác dụng diệt vi khuẩn do ức chế enzym DNA gyrase và topoisomerase IV (là những enzym cần thiết cho quá trình tái sinh sản DNA của vi khuẩn), nên ngăn sự sao chép của chromosome khiến cho vi khuẩn không sinh sản được nhanh chóng.
Ciprofloxacin có tác dụng in vitro mạnh hơn Acid nalidixic (Quinolon không fluor hóa).
Ciprofloxacin cũng có tác dụng với các vi khuẩn đã kháng lại kháng sinh thuộc các nhóm khác (Aminoglycosid, Cephalosporin, Tetracyclin, Penicilin…).
Không như các kháng sinh Beta lactam có tác dụng mạnh nhất đối với vi khuẩn nhạy cảm ở giai đoạn phát triển nhanh (pha log), Ciprofloxacin diệt khuẩn ở cả giai đoạn phát triển nhanh và chậm.
Đối với đa số vi khuẩn nhạy cảm, nồng độ tối thiểu diệt khuẩn (MBC) của Ciprofloxacin cao gấp 1 – 4 lần nồng độ tối thiểu ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn (MIC); MBC đôi khi cao gấp 8 lần MIC.
1.2 Chỉ định của Ciprofloxacin
Ciprofloxacin được chỉ định cho các nhiễm khuẩn nặng mà các kháng sinh thông thường không còn tác dụng để tránh phát triển các vi khuẩn kháng Cipofloxacin.
- Viêm đường tiết niệu trên và dưới
- Nhiễm khuẩn đường mật, những vết cắn hoặc côn trùng đốt bị nhiễm khuẩn, hạ cam, viêm tuyến tiền liệt
- Nhiễm khuẩn xương – khớp, bệnh xơ nang tụy nặng, viêm tai – mũi – họng (bao gồm cả viêm tai ngoài, tai giữa và viêm xoang), viêm xương – tủy xương
- Nhiễm khuẩn ở người có nguy cơ giảm miễn dịch (bệnh giảm bạch cầu trung tính ở người suy giảm miễn dịch), bệnh than
- Viêm màng trong tim do nhóm vi khuẩn HACEK, viêm dạ dày – ruột bao gồm Campylobacter, tả, Salmonella, lỵ trực tràng và viêm ruột do Yersinica, bệnh lậu, u hạt bẹn, viêm xương chậu, viêm phúc mạc, dịch hạch, viêm đường hô hấp dưới bao gồm nhiễm Pseudomonas ở người bị xơ nang tuyến tụy, trừ do S.pneumoniae, nhiễm Rickettsia (bao gồm sốt Q, sốt nổi mụn, sốt Typhus), nhiễm khuẩn huyết, bệnh thương hàn và phó thương hàn.
Dùng trong nhiễm khuẩn da hoặc cấu trúc da do vi khuẩn Gram âm, mặc dù nhóm Fluoroquinolon cũng có hoạt tính mạnh chống lại các vi khuẩn Gram dương.
Dự phòng bệnh não mô cầu, nhiễm khuẩn phẫu thuật và trong điều trị nhiễm Mycobacteria không do lao.
Dùng tại chỗ trong điều trị nhiễm khuẩn mắt và tai.
1.3 Tác dụng phụ
Thường gặp: Chóng mặt, mất ngủ, bồn chồn, lo lắng, tình trạng mơ màng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, khó tiêu, phát ban,…
Ít gặp: Nổi ban, ngứa, viêm tĩnh mạch nông, kích động, nhịp tim nhanh, rối loạn tiêu hóa,…
Hiếm gặp: Cơn co giật, lú lẫn, rối loạn tâm thần, hoang tưởng, mất ngủ, trầm cảm, loạn cảm ngoại vi, rối loạn thị giác kể cả ảo giác, rối loạn thính giác, ù tai, rối loạn vị giác và khứu giác, tăng áp lực nội sọ, viêm đại tràng màng giả, hội chứng da – niêm mạc, viêm mạch, hội chứng Lyell, ban đỏ da thành nốt, ban đỏ đa dạng tiết dịch,…
2.Thông tin chung về thuốc Warfarin
2.1 Cơ chế tác dụng
- Warfarin là thuốc chống đông máu nhóm Coumarin. Warfarin ngăn cản tổng hợp một số yếu tố đông máu ở gan gồm có yếu tố II (prothrombin), VII (proconvertin), IX (yếu tố Chrismas hoặc thành phần Thromboplastin huyết tương) và X (yếu tố Stuart- Prower) bằng cách ức chế tái sinh vitamin K khử, chất này cần thiết để gamma-carboxyl hóa một số phần còn lại của acid glutamic trong protein tiền thân của các yếu tố đông máu đó. Không có vitamin K khử, carboxyl hóa các phần còn lại của acid glutamic ở các yếu tố đông máu II, VII, IX và X không thể tiến hành được và các protein này không thể trở thành được các yếu tố đông máu có hoạt tính.
- Warfarin cũng ức chế các protein C và S chống đông máu. Không giống Heparin, Warfarin không có tác dụng chống đông máu in vitro.
2.2 Chỉ định của Warfarin
Bệnh tim dễ gây nghẽn mạch:
- Dự phòng các biến chứng huyết khối nghẽn mạch do rung nhĩ (kéo dài hoặc kịch phát)
- Bệnh van hai lá (kèm rung nhĩ)
- Van nhân tạo (nhất là van nhân tạo thế hệ đầu hoặc van cơ học).
Nhồi máu cơ tim:
- Dự phòng các biến chứng huyết khối nghẽn mạch do nhồi máu cơ tim biến chứng: Huyết khối nội tâm mạc, loạn năng thất trái nặng, loạn vận động thất trái gây tắc mạch, tiếp nối Heparin.
- Dự phòng nhồi máu cơ tim tái phát, trong trường hợp không dung nạp Aspirin.
- Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu và nghẽn mạch phổi cũng như dự phòng tái phát, tiếp nối Heparin.
- Dự phòng huyết khối tĩnh mạch và nghẽn mạch phổi trong phẫu thuật khớp háng.
- Dự phòng cục máu đông trong catheter.
2.3 Tác dụng phụ
Thường gặp: Chảy máu
Ít gặp: Tiêu chảy, ban đỏ, rụng tóc.
Hiếm gặp: Viêm mạch, da hoại tử khu trú, có thể liên quan đế thiếu hụt bẩm sinh protein C hoặc S, gan tổn thương.
3. Tương tác thuốc giữa Ciprofloxacin và Warfarin
3.1 Cơ chế
Một số kháng sinh Quinolone đã được báo cáo là làm tăng tác dụng giảm prothrombin huyết của Warfarin và các thuốc chống đông máu Coumarin khác. Cơ chế chính xác chưa được biết nhưng có thể liên quan đến việc ức chế chuyển hóa Coumarin và/hoặc làm cạn kiệt một số yếu tố đông máu do ức chế hệ vi khuẩn đường ruột sản xuất vitamin K. Dẫn đến việc sử dụng Ciprofloxacin cùng với Warfarin dễ bị chảy máu hơn.
3.2 Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Warfarin và Ciprofloxacin cùng nhau
Bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu chảy máu nào sau đây:
- Đau
- Sưng
- Nhức đầu
- Chóng mặt
- Suy nhược
- Chảy máu kéo dài do vết cắt
- Tăng lượng kinh nguyệt
- Chảy máu âm đạo
- Chảy máu cam
- Chảy máu nướu răng do đánh răng
- Chảy máu bất thường hoặc bầm tím
- Nước tiểu đỏ hoặc nâu
- Phân đỏ hoặc đen
3.3 Biện pháp xử lý
Do khả năng tương tác đáng kể về mặt lâm sàng và thậm chí tử vong ở những bệnh nhân nhạy cảm, nên theo dõi chặt chẽ nếu kê đơn kháng sinh Quinolone trong khi điều trị bằng thuốc chống đông máu coumarin. INR nên được kiểm tra thường xuyên và điều chỉnh liều lượng coumarin cho phù hợp, đặc biệt sau khi bắt đầu hoặc ngừng điều trị bằng Quinolone ở những bệnh nhân đã ổn định với chế độ điều trị chống đông máu.
3.4 Mức độ tương tác thuốc giữa Warfarin và Ciprofloxacin từ nhiều nguồn khác nhau
- Drug: Nghiêm trọng
- WebMD: Nghiêm trọng
- Medscape: Nghiêm trọng
4. Kết luận tương tác thuốc giữa Warfarin và Ciprofloxacin
Tương tác thuốc giữa Warfarin và Ciprofloxacin có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Do đó, các chuyên gia y tế cần hết sức cẩn trọng khi kê đơn hai loại thuốc này cùng một lúc và nên theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để tránh các tác dụng không mong muốn.
Nguồn: Dược thư Quốc gia Việt Nam, Drug.com
Leave a Reply