Tương tác thuốc giữa Rifampicin và Theophylin

Rifampicin và Theophylin là hai loại thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, tương tác giữa hai loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Các chuyên gia y tế cần hết sức cẩn trọng khi kê đơn hai loại thuốc này cùng một lúc và nên theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để tránh các tác dụng không mong muốn.

1. Thông tin chung về thuốc Rifampicin

1.1 Cơ chế tác dụng

Rifampicin là một kháng sinh bán tổng hợp có dẫn xuất từ Rifamycin B. Rifampicin có hoạt tính với các vi khuẩn thuộc chủng Mycobacterium. Rifampicin có tác dụng diệt các trực khuẩn đang tích cực nhân lên về số lượng

Ngoài ra, Rifampicin là 1 kháng sinh phổ rộng, in vitro có tác dụng tốt đối với đa số vi khuẩn Gram dương và vi khuẩn Gram âm như E. coli, Pseudomonas, Proteus và Klebsiella. Rifampicin rất tác dụng đối với Staphylococcus aureusStaphylococcus coagulase âm tính nồng độ diệt khuẩn từ 3 – 12 nanogam/ml. Thuốc cũng rất tác dụng đối với Neisseria meningitidisHaemophilus influenzae, nồng độ ức chế tối thiểu: 0,1 – 0,8 microgam/ml. Rifampicin cũng ức chế rất nhiều các chủng Legionella ở môi trường nuôi cấy và trên mô hình súc vật. Thuốc ít có tác dụng đối với cầu khuẩn ruột và các Enterobacteriaceae kháng thuốc.

Rifampicin
Rifampicin

1.2 Chỉ định

Điều trị tất cả các thể lao bao gồm cả lao màng não, thường phải phối hợp với các thuốc trị lao khác như Isoniazid, Pyrazinamid, Ethambutol, Streptomycin để phòng trực khuẩn đột biến kháng thuốc. 

Điều trị phong: Đối với nhóm phong ít vi khuẩn, theo phác đồ kết hợp 2 thuốc, phải phối hợp Rifampicin với thuốc trị phong Dapson. Đối với nhóm phong nhiều vi khuẩn, theo phác đồ 3 thuốc, phối hợp Rifampicin với Dapson và Clofazimin.

Một số chỉ định khác:

  • Phòng viêm màng não do Haemophilus influenzaeNeisseria meningitidis cho những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh chắc chắn hoặc nghi mắc các vi khuẩn đó.
  • Điều trị nhiễm khuẩn nặng do các chủng Staphylococcus kể cả các chủng đã kháng methicilin và đa kháng (phối hợp với các thuốc chống tụ cầu). Nhiễm Mycobacterium không điển hình (M. avium) ở người bệnh AIDS cũng phải phối hợp với các thuốc kháng khuẩn khác cũng giống như điều trị lao.

1.3 Tác dụng phụ

Thường gặp: Ỉa chảy, đau bụng, buồn nôn, chán ăn, ban da, ngứa kèm theo ban da hoặc không, rối loạn kinh nguyệt.

Ít gặp: Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, sốt, ngủ gà, mất điều hòa, khó tập trung, tăng transaminase, tăng phosphatase kiềm, tăng bilirubin huyết thanh, vàng da và rối loạn porphyrin thoáng qua, viêm kết mạc xuất tiết.

Hiếm gặp: Rét run, sốt, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ái toan và thiếu máu tan huyết, viêm đại tràng màng giả, ngoại ban, ban xuất huyết, khó thở, suy thận nặng, yếu cơ.

2. Thông tin chung về thuốc Theophylin

2.1 Cơ chế tác dụng

  • Các cơ chế tác dụng dược lý của Theophylin được đề xuất bao gồm (1) ức chế phosphodiesterase, do đó làm tăng AMP vòng nội bào, (2) tác dụng trực tiếp trên nồng độ Calci nội bào, (3) tác dụng gián tiếp trên nồng độ Calci nội bào thông qua tăng phân cực màng tế bào, (4) đối kháng thụ thể adenosin, đối kháng prostaglandin. Theophylin được dùng như là một thuốc giãn phế quản trong xử trí tắc nghẽn đường thở hồi phục được, như hen phế quản. Nhìn chung thuốc chủ vận beta-2 như Salbutamol là thuốc lựa chọn hàng đầu trong giãn phế quản, Theophylin thường được dùng hỗ trợ cùng thuốc chủ vận beta-2 và Corticosteroid ở người bệnh cần thêm tác dụng giãn phế quản. Sự kết hợp này có thể làm tăng một số tác dụng không mong muốn như hạ Kali huyết. Một vài bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng đáp ứng tốt với Theophylin.
Theophylin
Theophylin

2.2 Chỉ định

Điều trị triệu chứng và tắc nghẽn đường thở còn hồi phục do hen mãn tính hoặc do các bệnh phổi mạn tính khác:

  • Theo Hướng dẫn điều trị hen toàn cầu (The Global initiative for Asthma Guidelines, 2009), không khuyến cáo dùng Theophylin uống làm thuốc điều trị lâu dài bệnh hen phế quản ở trẻ em ≤ 5 tuổi; đã được sử dụng có hiệu quả khi thêm vào (nhưng không được ưa chuộng) cho trẻ lớn hơn hoặc người lớn khi điều trị hen phế quản nặng cùng với thuốc hít hoặc uống Glucocorticoid. Không khuyến cáo dùng Theophylin điều trị hen tiến triển (đợt hen nặng).
  • Có ít chứng cứ cho thấy Theophylin (Aminophylin) tiêm tĩnh mạch có thể có tác dụng khi dùng thêm ở trẻ em nằm điều trị trong phòng điều trị tăng cường vì đợt hen nặng không kiểm soát được bằng các thuốc chủ vận beta-2 hít và tiêm tĩnh mạch, Ipratropium bromid và Corticosteroid tiêm tĩnh mạch; tuy vậy, hiệu quả này chưa được xác định ở người lớn. Điều trị này không được khuyến cáo.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD):

  • Theophylin (chế phẩm uống tác dụng kéo dài) có thể thêm hoặc thay thế liệu pháp các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (như Tiotropium, hoặc chất chủ vận chọn lọc beta-2 hít) ở người bệnh bị COPD nặng cần điều trị thêm vì đáp ứng không thỏa đáng hoặc do có tác dụng phụ.
  • Vai trò của Theophylin ở người bệnh bị các đợt nặng lên của COPD còn tranh cãi. Một sốchuyên gia y tế lâm sàng cho là không có lợi, có khi còn có tác dụng xấu.
  • Liều cao chế phẩm Theophylin giải phóng chậm tuy đã được chứng minh có tác dụng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhưng không phải là thuốc được ưa dùng vì có tiềm năng độc tính.

2.3 Tác dụng phụ

Thường gặp: Nhịp tim nhanh, tình trạng kích động, bồn chồn, buồn nôn, nôn.

Ít gặp: Mất ngủ, kích thích, động kinh, ban da, kích ứng dạ dày, run, phản ứng dị ứng

3. Tương tác thuốc giữa Rifampicin và Theophylin

3.1 Cơ chế

Có 2 cơ chế tương tác thuốc xảy ra:

  • Rifampicin sẽ làm giảm mức độ hoặc tác dụng của Theophylin bằng cách ảnh hưởng đến chuyển hóa men gan/ruột CYP3A4. (1)
  • Rifampicin sẽ làm giảm mức độ hoặc tác dụng của Theophylin bằng cách ảnh hưởng đến chuyển hóa enzym CYP1A2 ở gan. (2)

3.2 Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Rifampicin và Theophylin cùng nhau

  • Suy hô hấp
  • Tăng huyết áp
  • Nhịp tim nhanh
  • Giảm khả năng tập trung
  • Khó ngủ
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Tăng đường huyết

3.3 Biện pháp xử lý

Tránh kết hợp hai loại thuốc này hoặc sử dụng thuốc khác thay thế. 

Bệnh nhân nên được theo dõi những thay đổi về nồng độ Theophylin trong huyết thanh hoặc đáp ứng không đầy đủ với Theophylin nếu tiềm năng được coi là lớn hơn rủi ro.

3.4 Mức độ tương tác thuốc từ nhiều nguồn khác nhau

Drug: Vừa phải

Medscape:

  • (1): Nghiêm trọng
  • (2): Vừa phải

WebMD: 

  • (1): Nghiêm trọng
  • (2): Vừa phải

4. Kết luận

Tương tác thuốc giữa Rifampicin và Theophylin có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Do đó, các chuyên gia y tế cần hết sức cẩn trọng khi kê đơn hai loại thuốc này cùng một lúc và nên theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để tránh các tác dụng không mong muốn. Nếu cần thiết, các giải pháp thay thế khác có thể được xem xét để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhân. 

Nguồn: Dược thư Quốc gia Việt Nam, Medscape


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *