Tương tác thuốc giữa Omeprazol và Warfarin

Omeprazol và Warfarin là hai loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày và tim mạch. Tuy nhiên, khi hai loại thuốc này được sử dụng cùng nhau, có thể xảy ra tương tác thuốc và ảnh hưởng đến hiệu quả của Warfarin. 

1. Thông tin chung về thuốc Omeprazol

1.1 Cơ chế tác dụng

  • Omeprazol là một Benzimidazol đã gắn các nhóm thế, có cấu trúc và tác dụng tương tự như Pantoprazol, Lansoprazol, Esomeprazol. Omeprazol là thuốc ức chế sự bài tiết acid của dạ dày do ức chế hệ enzym hydro/kali adenosin triphosphatase (H+/K+ ATPase) còn gọi là bơm proton ở tế bào thành của dạ dày. Uống hàng ngày một liều duy nhất 20 mg Omeprazol tạo được sự ức chế tiết acid dạ dày mạnh và hiệu quả. Tác dụng tối đa đạt được sau 4 ngày điều trị. Ở bệnh nhân loét tá tràng, có thể duy trì việc giảm 80% acid dịch vị trong 24 giờ.
  • Omeprazol có thể kìm hãm được vi khuẩn Helicobacter pylori ở người bệnh loét tá tràng và/hoặc viêm thực quản trào ngược bị nhiễm vi khuẩn này. Phối hợp Omeprazol với một số thuốc kháng khuẩn (thí dụ Clarithromycin, Amoxicilin) có thể tiệt trừ H. pylori kèm theo liền ổ loét và thuyên giảm bệnh lâu dài.
Omeprazole
Omeprazole

1.2 Chỉ định

  • Khó tiêu do tăng tiết acid.
  • Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Bệnh loét dạ dày – tá tràng.
  • Hội chứng Zollinger – Ellison.
  • Dự phòng loét do stress, loét do thuốc chống viêm không steroid.

1.3 Tác dụng phụ

Thường gặp: Nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt, ỉa chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, trướng bụng.

Ít gặp: Mất ngủ, rối loạn cảm giác, mệt mỏi, mày đay, ngứa, nổi ban, tăng transaminase nhất thời

Hiếm gặp: Đổ mồ hôi, phù ngoại biên, quá mẫn bao gồm phù mạch, sốt phản vệ, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu tán huyết tự miễn, viêm thận kẽ, viêm dạ dày,…

2. Thông tin chung về thuốc Warfarin

2.1 Cơ chế tác dụng

  • Warfarin là thuốc chống đông máu nhóm Coumarin.  Warfarin ngăn cản tổng hợp một số yếu tố đông máu ở gan gồm có yếu tố II (prothrombin), VII (proconvertin), IX (yếu tố Chrismas hoặc thành phần thromboplastin huyết tương) và X (yếu tố Stuart- Prower) bằng cách ức chế tái sinh vitamin K khử, chất này cần thiết để gamma-carboxyl hóa một số phần còn lại của acid glutamic trong protein tiền thân của các yếu tố đông máu đó. Không có vitamin K khử, carboxyl hóa các phần còn lại của acid glutamic ở các yếu tố đông máu II, VII, IX và X không thể tiến hành được và các protein này không thể trở thành được các yếu tố đông máu có hoạt tính.
  • Warfarin cũng ức chế các protein C và S chống đông máu. Không giống Heparin, Warfarin không có tác dụng chống đông máu in vitro.
Warfarin
Warfarin

2.2 Chỉ định

Bệnh tim dễ gây nghẽn mạch: 

  • Dự phòng các biến chứng huyết khối nghẽn mạch do rung nhĩ (kéo dài hoặc kịch phát)
  • Bệnh van hai lá (kèm rung nhĩ)
  • Van nhân tạo (nhất là van nhân tạo thế hệ đầu hoặc van cơ học).

Nhồi máu cơ tim:

  • Dự phòng các biến chứng huyết khối nghẽn mạch do nhồi máu cơ tim biến chứng: Huyết khối nội tâm mạc, loạn năng thất trái nặng, loạn vận động thất trái gây tắc mạch, tiếp nối Heparin.
  • Dự phòng nhồi máu cơ tim tái phát, trong trường hợp không dung nạp Aspirin.
  • Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu và nghẽn mạch phổi cũng như dự phòng tái phát, tiếp nối Heparin.
  • Dự phòng huyết khối tĩnh mạch và nghẽn mạch phổi trong phẫu thuật khớp háng.
  • Dự phòng cục máu đông trong cathete.

2.3 Tác dụng phụ

Thường gặp: Chảy máu

Ít gặp: Ỉa chảy, ban đỏ, rụng tóc.

Hiếm gặp: Viêm mạch, da hoại tử khu trú, có thể liên quan đế thiếu hụt bẩm sinh protein C hoặc S, gan tổn thương.

3. Tương tác thuốc giữa Omeprazol và Warfarin

3.1 Cơ chế

Dùng đồng thời Omeprazol (thuốc ức chế bơm proton) và Warfarin sẽ làm tăng tác dụng hạ prothromin huyết của Wafarin. Do sự ức chế PPI của CYP450 2C19 và/hoặc 3A4, các isoenzym chịu trách nhiệm một phần cho việc thanh thải chuyển hóa của chất đồng phân R(+) kém hoạt tính sinh học của Warfarin. Đã có báo cáo về thời gian  tăng INR và prothrombin ở những bệnh nhân dùng Warfarin với nhiều loại thuốc ức chế bơm proton có bán trên thị trường. Trong một nghiên cứu, 21 đối tượng giới tính nam trẻ tuổi và khỏe mạnh được cho sử dụng đồng thời Omeprazole 20 mg/ngày và Warfarin (liều lượng riêng lẻ) trong 2 tuần đã làm tăng 12% nồng độ trung bình trong huyết tương của R(+) Warfarin so với dùng đồng thời với giả dược. Nồng độ trong huyết tương của chất đồng phân S(-) không bị ảnh hưởng và không có thay đổi đáng kể về mặt lâm sàng về thời gian đông máu được ghi nhận. 

3.2 Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Omeprazol và Warfarin cùng nhau

Bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây: 

  • Đau
  • Sưng
  • Nhức đầu
  • Chóng mặt
  • Suy nhược 
  • Chảy máu kéo dài do vết cắt
  • Tăng lượng kinh nguyệt
  • Chảy máu âm đạo
  • Chảy máu cam
  • Chảy máu nướu răng
  • Chảy máu bất thường hoặc bầm tím
  • Nước tiểu đỏ hoặc nâu
  • Phân đỏ hoặc đen

3.3 Biện pháp xử lý

  • Theo dõi chặt chẽ bệnh nhân trong quá trình điều trị đồng thời Warfarin với Omeprazol
  • INR nên được kiểm tra thường xuyên 
  • Điều chỉnh liều lượng Warfarin cho phù hợp
  • Thay thế thuốc chống đông đường uống khác. 

3.4 Mức độ tương tác thuốc từ nhiều nguồn khác nhau

  • Drug: Vừa phải 
  • WebMD: Nghiêm trọng
  • Medscape: Nghiêm trọng

4. Kết luận

Tương tác thuốc giữa Omeprazol và Warfarin có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của Warfarin và tăng nguy cơ chảy máu. Do đó, nên  theo dõi chặt chẽ nồng độ Warfarin trong máu để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Nguồn: Dược thư Quốc gia Việt Nam, Drug.com


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *