Tương tác thuốc giữa Ibuprofen và Lisinopril

Ibuprofen và Lisinopril là hai loại thuốc thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, khi được sử dụng cùng nhau, chúng có thể gây ra tương tác thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và tăng nguy cơ phát triển các tác dụng phụ. Do đó, việc theo dõi tình trạng sức khỏe và điều chỉnh liều lượng thuốc là cần thiết khi sử dụng cả Ibuprofen và Lisinopril để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ tác dụng phụ.

1. Thông tin chung về thuốc Ibuprofen

1.1 Cơ chế tác dụng

  • Ibuprofen là thuốc chống viêm không steroid (NSAID), dẫn xuất từ Acid propionic. Tương tự như các thuốc chống viêm không Steroid khác, Ibuprofen có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế enzym Prostaglandin Synthetase và do đó ngăn tạo ra Prostaglandin, Thromboxan và các sản phẩm khác của enzym cyclooxygenase (COX). Ibuprofen cũng ức chế tổng hợp Prostacyclin ở thận và có thể gây nguy cơ ứ nước do làm giảm dòng máu tới thận. Cần phải lưu ý đến điều này khi chỉ định cho người bệnh có suy thận, suy tim, suy gan và các bệnh có rối loạn về thể tích huyết tương.
  • Tác dụng chống viêm của Ibuprofen xuất hiện sau hai ngày điều trị. Ibuprofen có tác dụng hạ sốt mạnh hơn Aspirin, nhưng kém hơn Indomethacin. Thuốc có tác dụng chống viêm tốt và có tác dụng giảm đau tốt trong điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên.
Ibuprofen
Ibuprofen

1.2 Chỉ định

  • Giảm đau và chống viêm từ nhẹ đến vừa: Trong một số bệnh như đau đầu, đau răng. Dùng Ibuprofen có thể giảm bớt liều thuốc chứa thuốc phiện trong điều trị đau sau đại phẫu thuật hay đau do ung thư. Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên.
  • Hạ sốt ở trẻ em.
  • Chứng còn ống động mạch (PDA) ở trẻ sơ sinh thiếu tháng, dưới 34 tuần.
  • Đau bụng kinh.

1.3 Tác dụng phụ

Thường gặp: Sốt, mỏi mệt, chướng bụng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, hoa mắt chống mặt, mẩn ngứa, ngoại ban.

Ít gặp: Phản ứng dị ứng, viêm mũi, nổi mày đay, đau bụng, chảy máu dạ dày – ruột, làm loét dạ dày tiến triển, lơ mơ, mất ngủ, ù tai, rối loạn thị giác, thính lực giảm, thời gian chảy máu kéo dài.

Hiếm gặp: Phù, nổi ban, hội chứng Stevens – Johnson, rụng tóc, hạ natri, trầm cảm, viêm màng não vô khuẩn và hôn mê, nhìn mờ, rối loạn màu sắc, giảm thị lực do ngộ độc thuốc, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ưa ái toan, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu, rối loạn co bóp túi mật, các thử nghiệm thăm dò chức năng gan bất thường, nhiễm độc gan. Viêm ruột hoại tử, hội chứng Crohn, viêm tụy, viêm bàng quang, đái ra máu, suy thận cấp, viêm thận kẽ, hội chứng thận hư, nhạy cảm với ánh sáng.

2. Thông tin chung về thuốc Lisinopril

2.1 Cơ chế tác dụng

Lisinopril là thuốc ức chế cạnh tranh enzym chuyển Angiotensin và là một dẫn chất Lysin có cấu trúc tương tự Enalapril với tác dụng kéo dài. Enzym chuyển Angiotensin là enzym nội sinh có vai trò chuyển Angiotensin I thành Angiotensin II. Angiotensin I tăng trong một số bệnh như suy tim và bệnh thận, do đáp ứng với tăng Renin. Angiotensin II có tác dụng kích thích tăng trưởng cơ tim, gây tim to (phì đại cơ tim), và tác dụng co mạch, gây tăng huyết áp. Thuốc ức chế enzym chuyển làm giảm nồng độ Angiotensin II và Aldosteron do đó làm giảm ứ Natri và nước, làm giãn mạch ngoại vi, giảm sức cản ngoại vi ở cả đại tuần hoàn và tuần hoàn phổi. Ngoài ra, thuốc còn ảnh hưởng tới hệ thống Kallikrein – Kinin, làm giảm sự phân hủy của Bradykinin, dẫn đến tăng nồng độ Bradykinin, đây chính là nguyên nhân gây một số tác dụng không mong muốn như phù mạch và ho kéo dài của các thuốc ức chế enzym chuyển.

Lisinopril
Lisinopril

2.2 Chỉ định

Điều trị tăng huyết áp: Dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác như thuốc lợi tiểu Thiazid, thuốc chẹn Alpha hoặc chẹn kênh Calci.

Điều trị suy tim: Dùng kết hợp Lisinopril với các glycosid tim và các thuốc lợi tiểu để điều trị suy tim sung huyết cho người bệnh đã dùng glycosid tim hoặc thuốc lợi tiểu đơn thuần mà không đỡ. Nhồi máu cơ tim cấp có huyết động ổn định: Dùng phối hợp Lisinopril với các thuốc làm tan huyết khối, Aspirin, và/hoặc các thuốc chẹn Beta để cải thiện thời gian sống ở người bệnh nhồi máu cơ tim cấp có huyết động ổn định. Nên dùng Lisinopril ngay trong vòng 24 giờ sau cơn nhồi máu cơ tim xảy ra.

Điều trị bệnh thận do đái tháo đường.

2.3 Tác dụng phụ

Thường gặp: Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, ho khan kéo dài.

Ít gặp: Buồn nôn, mất vị giác, tiêu  chảy, hạ huyết áp, ban da, rát sần, mày đay có thể ngứa hoặc không, mệt mỏi, protein niệu, sốt hoặc đau khớp.

Hiếm gặp: Phù mạch, tăng Kali huyết, lú lẫn, kích động, cảm giác tê bì hoặc như kim châm ở môi, tay, chân. Thở ngắn, khó thở, đau ngực, viêm đường hô hấp trên, giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt, độc với gan, vàng da, ứ mật, hoại tử gan và tổn thương tế bào gan, viêm tụy.

3. Tương tác thuốc giữa Ibuprofen và Lisinopril

3.1 Cơ chế

Tương tác giữa hai thuốc này xảy ra 2 cơ chế chính: 

  • NSAID làm giảm quá trình tổng hợp Prostaglandin thận gây giãn mạch dẫn đến giảm tác dụng hạ huyết áp của thuốc ức chế men chuyển gây tăng huyết áp. Ngoài ra, NSAID có thể gây giữ nước, điều này cũng ảnh hưởng đến huyết áp. (1)
  • Sử dụng đồng thời NSAID và thuốc ức chế men chuyển, làm tăng độc tính tác dụng phụ của hai thuốc này lên nhau, dẫn đến làm suy giảm chức năng thận, đặc biệt ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc bị suy giảm thể tích tuần hoàn (bao gồm cả những người đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu) hoặc có chức năng thận bị tổn thương. (2)

Tương tác này dự kiến ​​sẽ không xảy ra với liều thấp (ví dụ Aspirin liều thấp) hoặc sử dụng NSAID ngắn hạn không liên tục.

3.2 Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Ibuprofen và Lisinopril cùng nhau

  • Tăng huyết áp
  • Suy giảm chức năng thận

3.3 Biện pháp xử lý tương tác thuốc giữa Ibuprofen và Lisinopril

Bệnh nhân dùng thuốc ức chế men chuyển đồng thời kéo dài (hơn 1 tuần) với NSAID nên được theo dõi huyết áp chặt chẽ hơn sau khi bắt đầu

Ngừng hoặc thay đổi liều lượng của NSAID. 

Chức năng thận cũng nên được đánh giá định kỳ trong thời gian dùng thuốc kéo dài. 

3.4 Mức độ tương tác thuốc từ nhiều nguồn khác nhau

Drugs bank: Vừa phải

WebMD: 

  • (1): Nghiêm trọng
  • (2): Vừa phải

Medscape: 

  • (1): Nghiêm trọng
  • (2): Vừa phải

4. Kết luận tương tác thuốc giữa Ibuprofen và Lisinopril

Tương tác thuốc giữa Ibuprofen và Lisinopril có thể làm tăng tính độc của nhau và dẫn đến suy thận, đặc biệt là ở những người già hoặc thiếu nước. Việc sử dụng cả hai loại thuốc cùng nhau cần được hết sức cẩn trọng và theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc thay đổi thuốc để tránh tương tác này. 

Nguồn: Dược thư Quốc gia Việt Nam, Drug.com


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *