Fluoxetin và Tramadol là hai loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý liên quan đến rối loạn tâm lý và đau. Tuy nhiên, khi kết hợp sử dụng hai loại thuốc này có thể gây ra tương tác, tác động đến hiệu quả điều trị và tăng nguy cơ gây ra các tác dụng phụ cho bệnh nhân. Hiểu rõ về tương tác giữa Fluoxetin và Tramadol là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị các bệnh lý này.
1. Thông tin chung về thuốc Fluoxetin
1.1 Cơ chế tác dụng
- Fluoxetin là một thuốc chống trầm cảm hai vòng có tác dụng ức chế chọn lọc thu hồi Serotonin tại trước synap của các tế bào thần kinh serotoninergic, làm tăng nồng độ serotonin đến sau synap, từ đó cải thiện các triệu chứng trầm cảm ở bệnh nhân trầm cảm. Chất chuyển hóa chính của Fluoxetin là Norfluoxetin cũng có tác dụng tương tự như Fluoxetin, do đó hiệu quả làm tăng nồng độ serotonin rất mạnh. Tuy Fluoxetin có tác dụng làm tăng nhanh nồng độ serotonin tại khe synap serotoninergic của tế bào thần kinh nhưng hiệu quả cải thiện các triệu chứng lâm sàng về trầm cảm trên bệnh nhân lại rất chậm, thường phải từ 3 – 5 tuần, do vậy trường hợp trầm cảm nặng không thể thuyên giảm ngay khi dùng thuốc này.
- Không giống như các thuốc chống trầm cảm 3 vòng cũ hoặc một vài thuốc chống trầm cảm khác, với liều điều trị Fluoxetin chỉ có tác dụng ức chế chọn lọc trên kênh thu hồi serotonin mà ít có tác dụng trên các thụ thể khác như kháng cholinergic, chẹn α1-adrenergic hoặc kháng histamin. Vì vậy, nguy cơ tác dụng phụ do kháng cholinergic (khô miệng, mờ mắt, bí tiểu, táo bón), chẹn α1-adrenergic (hạ huyết áp tư thế đứng) hoặc kháng histamin (buồn ngủ) ít gặp khi sử dụng điều trị bằng Fluoxetin.
1.2 Chỉ định
- Bệnh trầm cảm, hội chứng hoảng sợ, chứng ăn vô độ, rối loạn xung lực cưỡng bức – ám ảnh.
1.3 Tác dụng phụ
Thường gặp: Mệt mỏi, chóng mặt, ra mồ hôi, liệt dương, không có khả năng xuất tinh, giảm tình dục, buồn nôn, ỉa chảy, chán ăn, phát ban, ngứa, run, bồn chồn, mất ngủ, lo sợ.
Ít gặp: Nhức đầu, nôn, rối loạn tiêu hóa, khô miệng, mày đay, co thoắt phế quản, bí tiểu tiện,
Hiếm gặp: Loạn nhịp tim, mạch nhanh, viêm mạch, phản ứng ngoại tháp, rối loạn vận động, hội chứng Parkinson, dị cảm, động kinh, hội chứng serotonin, xơ hóa phổi, phù thanh quản,..
2. Thông tin chung về thuốc Tramadol
2.1 Cơ chế tác dụng
- Tramadol là một thuốc giảm đau tổng hợp có tác động trung tâm. Thuốc (và chất chuyển hóa có hoạt tính M1) có tác dụng giống thuốc phiện, do có hoạt tính chọn lọc trên các thụ thể µ. Ngoài hoạt tính giống thuốc phiện, Tramadol còn ức chế sự tái hấp thu một số monoamin (norepinephrin, serotonin), điều này góp phần vào tác dụng giảm đau của thuốc. Trong thực nghiệm trên động vật, chất chuyển hóa M1 có tác dụng giảm đau mạnh gấp 6 lần và gắn với thụ thể µ mạnh gấp 200 lần so với thuốc gốc. Tác dụng giảm đau của Tramadol chỉ bị đối kháng một phần bởi Naloxon ở người khỏe mạnh.
- Tramadol cũng có thể gây nghiện, nhưng khả năng gây nghiện thấp. Tramadol cũng có nhiều tác dụng dược lý và ADR giống thuốc phiện. Tác dụng gây suy giảm hô hấp của thuốc yếu hơn so với Morphine và thường không quan trọng về mặt lâm sàng với các liều thường dùng.
- Với liều tương đối cao (như các liều dùng ngoài đường tiêu hóa), Tramadol có thể gây suy giảm hô hấp, do đó phải dùng thận trọng, ngay cả các liều uống thông thường, đối với bệnh nhân có nguy cơ suy giảm hô hấp. Với liều uống thông thường, thuốc có ít tác dụng về tim mạch, mặc dù đôi khi có thể xảy ra hạ huyết áp, ngất, và nhịp tim nhanh.
2.2 Chỉ định
Tramadol được dùng để điều trị đau vừa và đau nặng.
2.3 Tác dụng phụ
Thường gặp: Viêm phế quản, ho, khó thở, viêm mũi họng, viêm xoang, đau họng, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, táo bón, buồn nôn, nôn, khó tiêu, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn, tăng ngon miệng, giảm cân, đầy hơi, đau đầu, ngủ gà, mất ngủ, tình trạng kích động, lo lắng, lú lẫn, suy giảm phối hợp, mất nhân cách, đỏ bừng, hạ huyết áp tư thế, đau ngực, tăng huyết áp, phù ngoại biên, giãn mạch,
Ít gặp: Co thắt phế quản, viêm phổi, phù phổi. Hội chứng cai thuốc có thể gồm lo lắng, tiêu chảy, ảo giác, buồn nôn, đau, dựng lông, rét run, toát mồ hôi, và run. Các triệu chứng ngừng thuốc ít gặp có thể gồm lo lắng nghiêm trọng, cơn hoảng sợ, hoặc dị cảm. Phù mạch, nhịp tim chậm,…
3. Tương tác thuốc giữa Fluoxetin và Tramadol
3.1 Cơ chế
Việc sử dụng đồng thời Tramadol với các chất ức chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc (SSRI) có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Serotonin, một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong được cho là do quá kích thích quá mức các thụ thể 5-HT1A và 2A trên thân não.
3.2 Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Fluoxetin và Tramadol cùng nhau
Các triệu chứng của hội chứng Serotonin:
- Thay đổi trạng thái tinh thần như khó chịu, thay đổi ý thức, lú lẫn, ảo giác và hôn mê
- Rối loạn chức năng tự chủ như nhịp tim nhanh, tăng thân nhiệt, toát mồ hôi, run rẩy, huyết áp không ổn định và giãn đồng tử
- Các bất thường về thần kinh cơ như tăng phản xạ, giật cơ, run, cứng và mất điều hòa
- Các triệu chứng tiêu hóa như đau quặn bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy
Tăng nguy cơ co giật
3.3 Biện pháp xử lý
Tránh sử dụng Tramadol kết hợp với SSRI nếu có thể, hoặc thận trọng nếu lợi ích tiềm năng được coi là lớn hơn rủi ro.
Bệnh nhân nên được theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của hội chứng serotonin trong quá trình điều trị.
Cần đặc biệt thận trọng khi bắt đầu hoặc tăng liều lượng của các thuốc này.
Nguy cơ tiềm ẩn đối với hội chứng serotonin nên được xem xét ngay cả khi sử dụng tuần tự các thuốc serotonergic, vì một số thuốc có thể có thời gian bán thải kéo dài (ví dụ: Fluoxetine, Vortioxetine).
3.4 Mức độ tương tác thuốc từ nhiều nguồn khác nhau
- Drug: Nghiêm trọng
- WebMD: Nghiêm trọng
- Medscape: Nghiêm trọng
4. Kết luận
Dựa trên các nghiên cứu hiện có, tương tác giữa Fluoxetin và Tramadol có thể gây ra tăng cường tác dụng phụ của cả hai loại thuốc. Do đó, cần cẩn trọng khi kết hợp sử dụng hai thuốc này.
Nguồn: Dược thư Quốc gia Việt Nam, Drug.com
Leave a Reply