Carbamazepin và Fluoxetin là hai loại thuốc khác nhau được sử dụng để điều trị các bệnh lý tâm thần và thần kinh. Tuy nhiên, khi được sử dụng cùng nhau, chúng có thể gây ra tương tác thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và tăng nguy cơ phát triển các tác dụng phụ. Do đó, việc theo dõi tình trạng sức khỏe và điều chỉnh liều lượng thuốc là cần thiết khi sử dụng cả Carbamazepin và Fluoxetin để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ tác dụng phụ.
1. Thông tin chung về thuốc Carbamazepin
1.1 Cơ chế tác dụng
- Tác dụng dược lý của Carbamazepin tương tự như tác dụng của các chất chống co giật thuộc nhóm dẫn chất Hydantoin. Tác dụng chống co giật của Carbamazepin như Phenytoin, chủ yếu liên quan đến việc hạn chế dẫn truyền qua synap bằng cách làm giảm điện thế màng tế bào. Carbamazepin làm giảm đau dây thần kinh tam thoa do làm giảm dẫn truyền qua synap trong nhân tam thoa. Thuốc cũng được chứng minh là có tác dụng an thần, kháng Cholinergic, chống trầm cảm, giãn cơ, chống loạn nhịp tim, kháng bài niệu và ức chế dẫn truyền thần kinh – cơ. Carbamazepin chỉ có tác dụng giảm đau nhẹ.
1.2 Chỉ định
Bệnh động kinh:
- Động kinh cục bộ có triệu chứng phức hợp (động kinh tâm thần vận động, động kinh thùy thái dương).
- Động kinh cơn lớn (co cứng – co giật toàn bộ).
- Các kiểu động kinh phức hợp gồm các loại trên hoặc các loại động kinh cục bộ hoặc toàn bộ khác.
Đau dây thần kinh tam thoa:
- Giảm đau trong bệnh đau dây thần kinh tam thoa
- Giảm đau dây thần kinh lưỡi – hầu.
Bệnh hưng – trầm cảm (rối loạn lưỡng cực):
- Dự phòng bệnh hưng – trầm cảm ở các người bệnh không đáp ứng với Lithium
1.3 Tác dụng phụ
Thường gặp: Chóng mặt, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất điều phối, mệt mỏi, ngủ gà, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, khô miệng, kích ứng trực tràng nếu dùng đạn trực tràng,…
Ít gặp: Ỉa chảy, táo bón, run, mất thăng bằng, loạn trương lực cơ, rung giật cơ, run giật nhãn cầu,…
Hiếm gặp: Nói khó, rối loạn vận nhãn, viêm thần kinh ngoại vi, viêm màng não vô khuẩn, yếu cơ, liệt nhẹ, thay đổi vị giác, viêm lưỡi, viêm miệng, đau bụng, viêm tụy, block nhĩ – thất và nhịp tim chậm, các tai biến huyết khối tắc mạch, suy tim sung huyết, suy tuần hoàn, hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, viêm tắc tĩnh mạch và làm nặng thêm chứng thiếu máu cục bộ mạch vành, viêm tĩnh mạch huyết khối, huyết khối – nghẽn mạch,…
2. Thông tin chung về thuốc Fluoxetin
2.1 Cơ chế tác dụng
- Fluoxetin là một thuốc chống trầm cảm hai vòng có tác dụng ức chế chọn lọc thu hồi Serotonin tại trước synap của các tế bào thần kinh serotoninergic, làm tăng nồng độ Serotonin đến sau synap, từ đó cải thiện các triệu chứng trầm cảm ở bệnh nhân trầm cảm. Chất chuyển hóa chính của Fluoxetin là Norfluoxetin cũng có tác dụng tương tự như Fluoxetin, do đó hiệu quả làm tăng nồng độ serotonin rất mạnh. Tuy Fluoxetin có tác dụng làm tăng nhanh nồng độ Serotonin tại khe synap serotoninergic của tế bào thần kinh nhưng hiệu quả cải thiện các triệu chứng lâm sàng về trầm cảm trên bệnh nhân lại rất chậm, thường phải từ 3 – 5 tuần, do vậy trường hợp trầm cảm nặng không thể thuyên giảm ngay khi dùng thuốc này.
- Không giống như các thuốc chống trầm cảm 3 vòng cũ hoặc một vài thuốc chống trầm cảm khác, với liều điều trị Fluoxetin chỉ có tác dụng ức chế chọn lọc trên kênh thu hồi Serotonin mà ít có tác dụng trên các thụ thể khác như kháng cholinergic, chẹn α1-adrenergic hoặc kháng histamin. Vì vậy, nguy cơ tác dụng phụ do kháng cholinergic (khô miệng, mờ mắt, bí tiểu, táo bón), chẹn α1-adrenergic (hạ huyết áp tư thế đứng) hoặc kháng histamin (buồn ngủ) ít gặp khi sử dụng điều trị bằng Fluoxetin.
2.2 Chỉ định
- Bệnh trầm cảm, hội chứng hoảng sợ, chứng ăn vô độ, rối loạn xung lực – cưỡng bức ám ảnh.
2.3 Tác dụng phụ
Thường gặp: Mệt mỏi, chóng mặt, ra mồ hôi, liệt dương, không có khả năng xuất tinh, giảm tình dục, buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn, phát ban, ngứa, run, bồn chồn, mất ngủ, lo sợ.
Ít gặp: Nhức đầu, nôn, rối loạn tiêu hóa, khô miệng, mày đay, co thoắt phế quản, bí tiểu tiện,
Hiếm gặp: Loạn nhịp tim, mạch nhanh, viêm mạch, phản ứng ngoại tháp, rối loạn vận động, hội chứng Parkinson, dị cảm, động kinh, hội chứng Serotonin, xơ hóa phổi, phù thanh quản,..
3. Tương tác thuốc giữa Carbamazepin và Fluoxetin
3.1 Cơ chế
Fluoxetin sẽ làm tăng mức độ hoặc tác dụng của Carbamazepin bằng cách ảnh hưởng đến chuyển hóa enzym CYP3A4 ở gan/ruột. Dẫn đến việc tăng độc tính, tăng tác dụng phụ của Carbamazepin.
3.2 Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Carbamazepin và Fluoxetin cùng nhau
Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng ngộ độc Carbamazepin sau đây:
- Buồn nôn
- Rối loạn thị giác
- Chóng mặt hoặc mất điều hòa
Bệnh nhân cũng có thể gặp các triệu chứng của hội chứng Serotonin sau đây:
- Run không kiểm soát được
- Kích động
- Mất phối hợp
- Bồn chồn
- Cử động không tự chủ
- Tăng phản xạ
- Hưng phấn
3.3 Biện pháp xử lý tương tác thuốc giữa Carbamazepin và Fluoxetin
Nên theo dõi chặt chẽ bằng chứng lâm sàng và xét nghiệm về độc tính của Carbamazepin
Thay đổi liệu pháp hoặc điều chỉnh liều.
3.4 Mức độ tương tác thuốc từ nhiều nguồn khác nhau
Drug: Vừa phải
WebMD: Vừa phải
Medscape: Vừa phải
4. Kết luận tương tác thuốc giữa Carbamazepin và Fluoxetin
Tương tác thuốc giữa Carbamazepin và Fluoxetin là một vấn đề cần phải được quan tâm trong quá trình điều trị bệnh nhân. Việc sử dụng cùng lúc hai loại thuốc này có thể làm giảm hiệu quả điều trị và tăng nguy cơ phát triển các tác dụng phụ. Do đó, các chuyên gia y tế cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và điều chỉnh liều lượng thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ tác dụng phụ.
Nguồn: Dược thư Quốc gia Việt Nam, Drug.com
Leave a Reply