Các phương pháp thăm dò không xâm lấn, xạ hình tim và xét nghiệm xâm lấn giúp ta hiểu được cấu trúc và hoạt động chức năng tim. Ngoài ra, các biện pháp điều trị còn có thể được thực hiện trong quá trình làm một số thăm dò chẩn đoán cụ thể (ví dụ, can thiệp động mạch vành qua da trong quá trình thông tim, triệt đốt bằng năng lượng sóng tần số radio trong quá trình thăm dò điện sinh lý tim).
1. Xạ hình phóng xạ tưới máu cơ tim
1.1. Khái niệm
Phương pháp sử dụng đồng vị phóng xạ được ứng dụng rộng rãi trong tim mạch, nhằm mục đích đánh giá tình trạng tưới máu và khả năng sống còn của cơ tim, xác định luồng thông trong tim, đánh giá chức năng tim khi nghỉ, trong và sau gắng sức.
Nguyên lý chung của ghi hình tim bằng đồng vị phóng xạ là sử dụng một máy ghi gamma chụp lại hình ảnh các tín hiệu phát xạ sinh ra do quá trình phân rã các chất đánh dấu phóng xạ. Phương pháp chụp cắt lớp vi tính phát xạ với photon đơn (SPECT: single photon emission computed tomography) sử dụng chất đánh dấu Technitium 99m có độ nhạy lên tới 90% và độ đặc hiệu 75% trong chẩn đoán các bệnh tim thiếu máu cục bộ.
1.2. Chỉ định
1.2.1. Chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ
– Tiền sử đau ngực ổn định, đau ngực không rõ nguyên nhân, đau ngực không ổn định đã điều trị ổn định.
– Biến đổi bất thường trên điện tâm đồ lúc nghỉ.
– NPGS điện tâm đồ thông thường có khả năng gây dương tính giả, hoặc không phân tích được kết quả gắng sức: bloc nhánh trái, hội chứng WPW, cấy máy tạo nhịp tim, sử dụng một số thuốc như Digitalis, thuốc chống loạn nhịp tim nhóm I, bệnh cơ tim phì đại.
1.2.2. Cần đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng trên bệnh nhân hẹp động mạch vành đã biết (hẹp 40 – 70%).
1.2.3. Đánh giá hiệu quả tái tưới máu sau can thiệp động mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành.
1.2.4. Đánh giá khả năng sống còn của cơ tim ở bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim.
1.2.5. Phân tầng nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân có tiền sử bệnh lý mạch vành phải chịu các phẫu thuật ngoài tim mạch.
1.3. Chống chỉ định
Ngoài các chống chỉ định như trong các thăm dò gắng sức tim mạch, bệnh nhân chụp xạ hình phóng xạ cơ tim tuân theo các chống chỉ định riêng của y học hạt nhân:
– Điều trị Iot phóng xạ 131 trong vòng 12 tuần.
– Đã được làm các thăm dò với Technitium 99m (ở xương, phổi, gan…) trong vòng 48 giờ; chụp cắt lớp với Indium 11, gallium 68 trong vòng 30 ngày.
– Dị ứng với dipyridamole, aminophylline; hen phế quản; đang điều trị theophyline (phải ngừng tối thiểu trước 36 giờ).
– Mới ăn (trong vòng 4 giờ), hoặc sử dụng chất kích thích như cà phê.
2. Chụp cắt lớp phát xạ Positron (Positron emission tomography scanning)
2.1. Khái niệm
Chụp cắt lớp phát xạ positron là một thăm dò y học hạt nhân, sử dụng nhân nguyên tử có thời gian phân rã ngắn gắn vào chất đánh dấu phóng xạ (Amonia gắn Nitrogen 13, Oxygen 15, Rubidium 82). Trong nhân nguyên tử, proton chịu sự phân rã tự nhiên thành neutron, neutrino và positron. Do va chạm với mô lân cận, positron tương tác với các electron, giải phóng ra các hạt bức xạ gamma (photon), và được các camera gamma của máy chụp cắt lớp PET thu lại. Với một số lượng lớn các positron phát xạ, kỹ thuật PET có thể đánh giá được lưu lượng máu và các hoạt động chuyển hóa từng vùng của cơ tim.
2.2. Chỉ định lâm sàng
Chỉ định chính của kỹ thuật PET là đánh giá chức năng sống còn của cơ tim sau nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân có chức năng tim suy giảm. Các nghiên cứu cho thấy PET có độ nhạy rất cao phát hiện vùng cơ tim thiếu máu và có giá trị dự báo mức độ phục hồi chức năng co bóp từng vùng và toàn bộ của cơ tim sau tái tưới máu.
Do khả năng đo được sự thu nạp và động học của các chất chuyển hóa ở từng vùng cơ tim, chụp cắt lớp PET được sử dụng nghiên cứu về lưu lượng vi tuần hoàn, các dạng bất thường của chuyển hóa tế bào cơ tim, năng lượng học cơ tim trong các bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim giãn, hội chứng chuyển hóa …
3. Chụp cộng hưởng từ hạt nhân
3.1. Khái niệm
Cộng hưởng từ hạt nhân không sử dụng bức xạ ion hóa hay thuốc cản quang để dựng hình tim mạch, mà hình ảnh thu được dựa trên sự khai thác từ tính của các nhân nguyên tử. Các proton (H+) có rất nhiều trong cơ thể, khi đặt trong một từ trường mạnh, và kích thích bởi sóng xung radio ở tần số nhất định sẽ phát ra tín hiệu. Các tín hiệu này phụ thuộc vào: mật độ các proton, thời gian thư giãn dọc (T1), thời gian thư giãn ngang (T2), cường độ của từ trường hoặc dòng chảy.
Phụ thuộc vào chỉ định thăm dò tim mạch, mà sử dụng các kỹ thuật cộng hưởng từ khác nhau:
– Hình ảnh chuỗi xung proton phản hồi (spin echo): được áp dụng để đánh giá về hình thái giải phẫu tim mạch.
– Hình ảnh độ chênh phản hồi (gradient echo): được áp dụng trong thăm dò huyết động như đánh giá luồng thông trong (ngoài) tim, mức độ tổn thương van tim, chức năng thất trái, thất phải…
3.2. Chỉ định
3.2.1. Bệnh tim bẩm sinh: Chụp cộng hưởng từ đánh giá cả những bất thường về cấu trúc và huyết động trong các bệnh lý bẩm sinh phức tạp của tim và mạch máu lớn.
– Dị dạng quai động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ.
– Dị dạng động mạch phổi, teo tịt động mạch phổi.
– Tổn thương phức tạp ở tim: tâm thất chung, thông sàn nhĩ thất…
– Đánh giá và theo dõi sau các phẫu thuật Fontan, Rastelli…
3.2.2. Nghiên cứu chức năng tâm thất: thể tích, khối lượng cơ thất, chức năng tâm thu và tâm trương thất trái, thất phải; đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị mới (như điều trị bằng tế bào gốc).
3.2.3. Bệnh tim thiếu máu cục bộ
– Đánh giá tình trạng tưới máu từng vùng cơ tim: sử dụng kỹ thuật chụp ciné MRI và chất đối quang gadolinium.
– Các biến chứng của nhồi máu cơ tim: phình, giả phình vách tim; huyết khối trong buồng tim.
3.2.4. Khối u trong tim, cạnh tim; Bệnh màng ngoài tim; viêm cơ tim cấp.
3.2.5. Bệnh lý động mạch chủ
– Phình tách động mạch chủ, viêm động mạch chủ, bệnh Marfan, huyết khối thành động mạch chủ.
3.2.6. Bệnh cơ tim: các thể bệnh và biến đổi về huyết động của bệnh cơ tim phì đại; loạn sản thất phải.
3.2.7. Bệnh mạch máu: Hẹp, tắc động mạch cảnh trong và ngoài sọ; dị dạng bẩm sinh mạch máu; bệnh động mạch chi dưới.
3.3. Chống chỉ định
– Bệnh nhân đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, hoặc máy khử rung tự động (ICD).
– Bệnh nhân đặt kẹp (clip) động mạch não để điều trị phình động mạch não.
– Bệnh nhân cấy máy trợ thính.
Nguồn tham khảo: Hội tim mạch Việt Nam
Leave a Reply