Nội nha tái sinh: Tái tạo ngà – tuỷ và mạch máu tuỷ răng.

Bài viết này tổng quan về cơ chế tái tạo ngà – tuỷ và đặc biệt là quy trình tái tạo mạch máu tuỷ răng, một mấu chốt quan trọng trong quy trình điều trị nội nha tái sinh. Cùng tìm hiểu rõ hơn ở bài viết dưới đây.

mach-mau-tuy-rang-1

1. Cơ chế tái tạo ngà – tuỷ

Những nghiên cứu đang thực hiện cho thấy tỉ lệ thành công của thủ thuật tái tạo mạch máu là rất cao, lên đến 90%. Tuy nhiên, kết quả ban đầu này không phản ánh được thông tin từ những nghiên cứu dài hạn với kích thước mẫu lớn. Câu hỏi còn đặt ra là liệu tái tạo mạch máu có giúp đạt được sự tái tạo phức hợp ngà – tủy không, điều này có thể được kiểm tra về mặt mô học, và cho thấy cấu trúc được sắp xếp của một lớp hàng rào nguyên bào ngà hướng về phía lớp ngà đã được khoáng hóa.

Theo kết quả một vài nghiên cứu từ động vật và một vài báo cáo trường hợp răng người đã nhổ, sau thủ thuật tái tạo mạch máu, thì câu trả lời là “không”. Với nghiên cứu trên răng nanh, Wang và cộng sự (2010) cho biết thủ thuật tái tạo mạch máu dẫn đến hình thành một mô giống như cement trong ống tủy, liền kề thành ngà ống tủy. Phát hiện này cũng được khẳng định trong một nghiên cứu tương tự, khi tác giả nghiên cứu nhận thấy sự vắng mặt của lớp nguyên bào ngà trong ống tủy răng nanh đã được tái tạo mạch máu. Tương tự như vậy, một báo cáo trường hợp răng người đã nhổ chứng minh rằng khi xảy ra sự thành lập mô lạc chỗ trong lòng ống tủy đã tái tạo mạch máu, chủ yếu bao gồm xương, cement và mô sợi, thì không thấy có bằng chứng của mô ngà – tủy. Từ những thông tin trên cho thấy thủ thuật tái tạo mạch máu có hoặc không có yếu tố tăng trưởng (ví dụ như PRP) thì không có khả năng tái tạo phức hợp ngà – tủy và dẫn đến sự hình thành mô lạc chỗ trong lòng ống tủy.

Những chứng cứ trong yêu cầu tái tạo mô tủy đã được đề xuất từ một nghiên cứu trên chuột, trong đó tái tạo mô tủy được thực hiện với sự có mặt của cấy ghép tế bào. Trong 2 nghiên cứu đã được xuất bản, lớp giống nguyên bào ngà đã sắp xếp được quan sát thấy trong nhóm có cấy ghép tế bào gốc trung mô tủy, trong khi những nhóm khác không có sự cấy ghép tế bào thì thiếu cấu trúc ngà tủy được sắp xếp. Một lần nữa, những nghiên cứu trên đã chứng minh sự cần thiết của việc cấy ghép tế bào tủy đối với sự tái tạo mô ngà – tủy.

Một câu hỏi quan trọng nữa là tại sao thủ thuật tái tạo mạch máu với sự hình thành cục máu đông nội tủy lại không tái tạo mô tủy, nhưng lại cho phép hình thành mô lạc chỗ như mô xương, mô cement hoặc là mô sợi. Câu trả lời có thể được tìm thấy trong những nghiên cứu trước kia, cho thấy tế bào gốc trung mô từ những nguồn mô khác nhau sẽ duy trì khả năng biệt hóa của chúng, và trực tiếp phản ánh đặc điểm của mô gốc. Chẳng hạn như, khi thực hiện cấy ghép trên chuột bị suy giảm miễn dịch, tế bào gốc trung mô từ tủy xương tạo thành các nốt xương, tế bào gốc trung mô từ mô tủy sẽ hình thành mô giống với ngà – tủy, và tế bào gốc trung mô từ dây chằng nha chu tạo thành mô sợi và mô cement. Người ta cho là tế bào gốc trung mô từ những vị trí khác nhau của răng thì khác nhau. Theo đó, chảy máu nội tủy sẽ sử dụng tế bào gốc trung mô nội sinh, chủ yếu là từ mô quanh chóp, bao gồm xương ổ răng và dây chằng nha chu, sẽ dẫn đến sự biệt hóa tương ứng thành mô xương và mô sợi/cement. Vì thế, dường như sự tái tạo của ngà tủy chỉ có thể được thực hiện bằng phương pháp dựa trên tế bào, mà ở thời điểm hiện tại chỉ có thể được thực hiện ở mức độ tiền lâm sàng. Vì việc tái tạo tủy hiệu quả cao trong việc loại bỏ viêm quanh chóp, nên những nghiên cứu trong tương lai cần tập trung vào kĩ thuật tái tạo ngà tủy trên lâm sàng.

Làm được như vậy, các bác sĩ nội nha có thể phục hồi tủy sống theo đúng chức năng của nó, bao gồm sự nhạy cảm với những thay đổi môi trường, nhận biết lực nhai, phục hồi cơ chế hàng rào miễn dịch chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, hoàn tất sự phát triển chân răng và đóng chóp.

2. Kỹ thuật tái tạo mạch máu tủy răng

Điều trị những răng hoại tử tủy có lỗ chóp mở có thể được thực hiện bằng kĩ thuật tái tạo mạch máu, mà kĩ thuật này phụ thuộc rất nhiều vào kết quả điều trị nhiễm trùng ống tủy và viêm quanh chóp.

  • Trong lần hẹn đầu tiên, tiến hành loại bỏ mảnh vụn mô trong ống tủy và khử trùng. Việc khử trùng được thực hiện theo hầu hết các tài liệu được xuất bản. Quan trọng là bệnh nhân phải được gây tê bằng mepivacaine 3% không có thuốc co mạch.
    • Răng nên được cô lập bằng đê cao su và tạo lối vào bằng mũi khoan tròn số 4 – 6 để loại bỏ hết mô răng sâu. Các ống tủy được sửa soạn nhẹ nhàng tùy theo kích thước bằng cách sử dụng file số 60 ISO cho các ống tủy lớn hoặc sử dụng hệ thống trâm xoay, chẳng hạn như profile số 25 – 40 với độ thuận 0.04 (Dentsply).
    • Mảnh vụn và mô hoại tử phải được bơm rửa bằng 20 ml NaOCl 1.5% và rửa lại 10 ml nước muối để loại bỏ lượng NaOCl dư thừa. Ông tủy sau đó được băng thuốc với Ca(OH)2 và răng được trám tạm bằng IRM.
  • Ở lần hẹn thứ 2, việc tái tạo mạch máu được thực hiện sau khi răng được gây tê, sử dụng mepivacaine 3% không có thuốc co mạch, mở lối vào sau khi đặt đề cao su. Ông tủy được bơm rửa với 20 ml NaOC1 1.5% để loại bỏ Ca(OH)2 và EDTA 17% để loại bỏ mùn ngà và rửa lại bằng nước muối.
    • Nếu bệnh nhân đã hết triệu chứng và ống tủy không còn tồn tại nhiễm trùng thì thực hiện tái tạo mạch máu bằng cách gây chảy máu với file K số 25 – 35.
    • Nếu ống tủy vẫn còn triệu chứng thì nên bơm rửa tiếp tục với NaOCl 1.5%, băng thuốc với Ca(OH)2 và trám tạm.
  • Đối với những bệnh nhân như vậy, việc tái tạo mạch máu được thực hiện ở những lần hẹn sau, tùy theo mức độ nhiễm trùng còn lại trong ống tủy và triệu chứng của bệnh nhân. Sau khi gây chảy máu đến đường nối men – cement, cầm máu và hình thành cục máu đông sau đó, phần trên của ống tủy được trám bằng CollaPlug (Zimmer Dental) hoặc vật liệu tương tự và MTA (Dentsply) hoặc các loại cement calcium silicate-based tương hợp sinh học khác.
    • Vào lần hẹn cuối cùng, 1 tuần sau điều trị, răng được kiểm tra lại vị trí MTA và cement calcium silicate-based tương hợp sinh học, nếu đã thấy ổn thì trám kết thúc.

Bệnh nhân nên được hẹn tái khám sau 6 tháng và 1 năm, thăm khám lâm sàng và Xquang để đánh giá sự đóng chóp răng và độ dày thành ống tủy.

Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *