Tỉ lệ kết quả điều trị nội nha thành công tăng lên nhờ vào sự loại bỏ hệ vi khuẩn trong các ống tủy chân răng bị nhiễm trùng và không để vi khuẩn lây nhiễm vào mô quanh chóp. Cần nhấn mạnh lại một lần nữa là tất cả các yếu tố tiên lượng, sự giảm thiểu và/hoặc loại bỏ nhiễm trùng trong ống tủy là chìa khóa cốt lõi để đạt thành công sau điều trị nội nha. Cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.
1. Ảnh hưởng của ống tủy chân răng bị nhiễm trùng đến kết quả điều trị
Tỉ lệ kết quả điều trị nội nha thành công tăng lên nhờ vào sự loại bỏ hệ vi khuẩn trong các ống tủy chân răng bị nhiễm trùng và không để vi khuẩn lây nhiễm vào mô quanh chóp. Cần nhấn mạnh lại một lần nữa là tất cả các yếu tố tiên lượng, sự giảm thiểu và/hoặc loại bỏ nhiễm trùng trong ống tủy là chìa khóa cốt lõi để đạt thành công sau điều trị nội nha. Tác hại của việc điều trị không triệt để, để lại vùng nhiễm trùng đã được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu trên cả người và động vật. Những nghiên cứu lâm sàng trên răng người bị viêm quanh chóp cho thấy nếu vi khuẩn bị bất hoạt trước khi trám ống tủy thì cho tỉ lệ thành công sau điều trị lên tới 94%. Ngược lại, nếu vi khuẩn còn hoạt động thì tỉ lệ thành công giảm xuống còn 68%. Mô hình nghiên cứu động vật được áp dụng trên loài khỉ cho kết quả là 79% răng sau khi đã điều trị nội nha không có lành thương quanh chóp nếu vẫn còn tồn tại vi khuẩn. Cũng nhiều báo cáo cho biết sự hiện diện của vi khuẩn trong ống tủy, cùng với việc trám thiếu hoặc trám dư, là những nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng chóp dai dẳng sau khi kết thúc điều trị. Tổn thương quanh chóp thậm chí có thể được chữa lành mà không cần đến trám bít ống tủy, nếu như nhiễm trùng trong ống tủy được kiểm soát hiệu quả và không có rò rỉ từ thân răng. Đôi khi răng được điều trị nội nha tốt cũng có thể thất bại. Do vậy, những yếu tố tiên lượng có ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát nhiễm trùng ống tủy và sau đó là kết quả cuộc điều trị.
2. Kết quả điều trị nội nha
Kết quả là những gì xảy ra sau cùng của việc chữa bệnh, chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố tiên lượng. Kết quả của điều trị nội nha thường được đánh giá dựa trên XQ và thăm khám lâm sàng. Kiểm tra trên XQ là nhằm xác định sự tồn tại hay biến mất của tổn thương quanh chóp, và thăm khám lâm sàng là để xác định răng có hay không có triệu chứng. Cả XQ cận chóp thường quy và CBCT đều được sử dụng để kiểm tra và đánh giá sau nội nha. Tiêu chuẩn đánh giá kết quả điều trị nội nha phát triển từ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Strindberg, nhấn mạnh tiêu chuẩn răng không có triệu chứng và sự lành thương của vùng mô quanh chóp, cho đến những tiêu chuẩn lấy bệnh nhân làm trung tâm thì tập trung vào tiêu chuẩn răng không có triệu chứng, răng vẫn tồn tại và thực hiện chức năng tốt sau điều trị ngay cả khi còn hiện diện một tổn thương quanh chóp có kích thước nhỏ và ổn định.
Tuy nhiên bệnh nhân cần được thông báo một cách rõ ràng về sự khác nhau giữa bệnh lý với việc giữ lại răng để thực hiện chức năng. Vì bệnh tủy răng và mô quanh chóp cũng là một loại bệnh lý, nên nếu một răng có nhiễm trùng chóp tồn tại dai dẳng sau điều trị, bất kể kích thước như thế nào, thì đều được coi là điều trị không thành công. Do đó nên việc loại bỏ hoàn toàn bệnh lý vẫn là mục tiêu cuối cùng của điều trị nội nha.
Có rất nhiều báo cáo về tỉ lệ thành công khác nhau của điều trị nội nha. Điều này có thể là do những thay đổi giữa các tiêu chuẩn đánh giá kết quả, tỉ lệ răng trong một nhóm răng nhất định của nghiên cứu, thời gian theo dõi, chẩn đoán trước điều trị, sự khác nhau giữa quá trình điều trị và đánh giá, và những yếu tố khác có liên quan đến nội nha. Những biến thể này gây khó khăn khi thực hiện so sánh các nghiên cứu với nhau.
Hầu hết các yếu tố tiên lượng trong điều trị nội nha có thể được kiểm soát nhờ các nhà lâm sàng đánh giá cẩn thận các yếu tố nguy cơ và đề xuất kế hoạch điều trị hợp lý. Các nhà lâm sàng phải luôn thực hiện quy trình chăm sóc đúng chuẩn mực để đạt kết quả điều trị tốt nhất. Quan trọng nhất là cả bệnh nhân và nha sĩ phải hiểu biết tường tận về các yếu tố tiên lượng, những nguy cơ rủi ro đối với kết quả điều trị về sau, trước khi bắt tay vào điều trị thực sự.
3. Tổng hợp lại về tiên lượng trong điều trị nội nha
Tiên lượng và kết quả là hai thuật ngữ thường được sử dụng trong y khoa và nha khoa để đánh giá công việc điều trị. Tiên lượng là những nhận định của nhà lâm sàng về việc bệnh nhân sẽ hồi phục như thế nào từ khi bị bệnh hoặc là bị thương. Đó là những tiên đoán về khả năng hồi phục có thể xảy ra cho bất kỳ 1 bệnh nào sau khi đã xem xét và đánh giá trường hợp bệnh đó. Kết quả là những gì xảy ra sau cùng của một công việc điều trị, là hệ quả của những quyết định điều trị từ nhà lâm sàng. Trong lĩnh vực nội nha, có nhiều yếu tố tiên lượng (thay vì gọi là yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng) là chung cho nhiều bệnh cũng như có những yếu tố duy nhất cho những bệnh đặc biệt, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị nội nha. Các yếu tố tiên lượng có thể được xếp vào 3 nhóm là trước điều trị, trong điều trị và sau điều trị. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị nội nha thông qua việc kiểm soát nhiễm trùng.
Quan trọng là, những hiểu biết về các yếu tố tiên lượng sẽ giúp nhà lâm sàng cũng như bệnh nhân xác định phương pháp điều trị thích hợp nhất, đặc biệt là với những trường hợp có nguy cơ cao như răng có nhiễm trùng chóp, vôi hóa ống tủy, tiêu ngót, và nhiều bệnh lý khác. Điều này được áp dụng trên cả răng chưa trưởng thành và răng đã trưởng thành khi xem xét vấn đề điều trị có phẫu thuật hay không phẫu thuật. Mặc dù không phải yếu tố nào nhà lâm sàng cũng đều có thể kiểm soát được nhưng chúng vẫn có thể phần nào được hạn chế nhờ việc đánh giá tình trạng bệnh, yếu tố nguy cơ của mỗi cá nhân, ứng dụng liệu pháp sinh học bên cạnh những yếu tố kĩ thuật.
Kết quả điều trị thường được đánh giá bằng thăm khám lâm sàng và phim XQ, được phát triển từ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Strindberg cho những tiêu chuẩn lấy bệnh nhân làm trung tâm. Nhà lâm sàng phải nắm vững những yếu tố tiên lượng để trao đổi cùng bệnh nhân, lựa chọn phương thức điều trị hợp lý nhất để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Nguồn: Clinical Guide for Optimal Treatment Outcome – Springer International Publishing Switzerland 2017
Leave a Reply