Ghi điện não đồ giấc ngủ là một phương pháp đo hoạt động điện của não trong khi bệnh nhân đang ngủ. Phương pháp này sử dụng các điện cực được đặt trên da đầu để ghi lại sóng não. Ghi điện não giấc ngủ là một phương pháp an toàn và không đau đớn, thường được sử dụng trong các phòng khám và viện nghiên cứu giấc ngủ.
1. Tổng quan
Điện não đồ (EEG) là một kỹ thuật ghi lại hoạt động điện của não bằng cách đặt các điện cực lên da đầu. Khi các neuron trong não hoạt động, chúng tạo ra các tín hiệu điện. Các điện cực sẽ ghi lại các tín hiệu này và chuyển đổi chúng thành các sóng điện. EEG thường được sử dụng để phân tích hoạt động não và chẩn đoán các rối loạn liên quan đến não như động kinh, bệnh Parkinson, chứng mất ngủ và các rối loạn liên quan đến giấc ngủ. EEG cũng được sử dụng trong nghiên cứu về giấc ngủ, tâm lý học và nhiều lĩnh vực khác liên quan đến hoạt động não.
Điện não đồ giấc ngủ thực chất là một nghiệm pháp hoạt hóa điện não đồ thông thường, nhưng có ý nghĩa lớn với một số loại động kinh chỉ xuất hiện khi ngủ: các động kinh nguyên phát ở trẻ nhỏ, hội chứng nhọn sóng liên tục trong giấc ngủ…
2. Chỉ định
Ghi điện não giấc ngủ được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ và phục vụ chẩn đoán bệnh:
- Bệnh động kinh: Động kinh là một tình trạng bệnh lý của não mà gây ra các cơn co giật và thay đổi hoạt động thần kinh. Các cơn động kinh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm chấn thương đầu, bệnh lý não, rối loạn chuyển hóa và các yếu tố di truyền.
- Đặc biệt động kinh khi ngủ (sleep seizures): Động kinh khi ngủ là loại động kinh xảy ra trong khi người bệnh đang ngủ. Đây là một dạng động kinh thuộc loại động kinh cục bộ, tức là chỉ xảy ra trên một phần của não.
3. Chống chỉ định
Trong các trường hợp có tổn thương không phải của não bộ.
4. Chuẩn bị
4.1. Người thực hiện
Người thực hiện quy trình ghi điện não đồ giấc ngủ bao gồm:
- 01 bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
- 01 điều dưỡng viên.
4.2. Phương tiện, dụng cụ, thuốc
Ngoài buồng ghi điện não yên tĩnh, ánh sáng vừa đủ, thì cần phải có:
- Máy ghi điện não: 01 (mỗi máy ghi điện não gồm 1 máy khuếch đại và một bộ phận ghi cơ hoặc số hóa).
- Máy in kết quả ghi điện não: 01.
- Màn hình vi tính: 01.
- Điện cực: 40.
- Bộ dây mắc điện cực: 02.
- Nước muối sinh lý: 01 chai.
- Pass: 01 type.
- Dây đất: 01.
- Giấy ghi điện não: 60 trang/bản ghi.
- Mực in.
4.3. Người bệnh
Trong quá trinh thực hiện ghi điện não đồ giấc ngủ, người bệnh sẽ phải thực hiện một số yêu cầu sau:
- Người bệnh phải ngủ yên.
- Người bệnh phải hợp tác được với người ghi để thực hiện một số biện pháp hoạt hóa.
- Người bệnh phaỉ vệ sinh da đầu sạch và không dùng các chất ảnh hưởng đến giấc ngủ trước khi thực hiện quy trình.
4.4. Hồ sơ bệnh án ghi điện não đồ giấc ngủ
Hồ sơ bệnh án ghi điện não đồ giấc ngủ phải có đủ một số thông tin như sau:
- Họ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ bệnh nhân.
- Tiền sử sản khoa và tiền sử bệnh tật liên quan.
- Chẩn đoán bệnh.
5. Các bước tiến hành quy trình đo điện não đồ giấc ngủ
5.1. Kiểm tra hồ sơ
Cần đối chiếu đúng hồ sơ bệnh án và người bệnh, tránh xảy ra sai sót.
5.2. Kiểm tra người bệnh
Cần thực hiện kiểm tra người bệnh đo điện não giấc ngủ:
- Người bệnh đã ngủ, thở đều.
- Tình trạng sức khỏe bệnh nhân trước khi thực hiện quy trình.
5.3. Quy trình thực hiện kỹ thuật ghi điện não đồ giấc ngủ
Các bước thực hiện quy trình ghi điện não giấc ngủ:
- Người bệnh có thể ngủ ở tư thế nằm hoặc nửa nằm nửa ngồi.
- Điều dưỡng thực hiện quy trình mắc điện cực trên đầu theo vị trí chuẩn.
- Test chuẩn máy trước khi thực hiện đo.
- Thực hiện ghi điện não theo các đạo trình chuẩn, trong quá trình ghi theo dõi các sóng điện não ở giai đoạn khác nhau của giấc ngủ (4 giai đoạn), theo dõi hiện tượng động mắt hoặc không (trong quá trình ngủ 75%-90% không động mắt).
- In bản ghi kết quả điện não giấc ngủ.
- Đọc kết quả điện não (chú ý động mắt và các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ).
6. Theo dõi người bệnh trong quá trình ghi điện não đồ giấc ngủ
Trong quá trình ghi điện não giấc ngủ, phải thực hiện theo dõi người bệnh:
- Sự hợp tác của người bệnh trong quá trình ghi.
- Quan sát người bệnh để phát hiện nhiễu bản ghi.
- Theo dõi liệu người bệnh có cơn co giật trong quá trình ghi.
- Theo dõi liệu người bệnh có các biểu hiện bất thường nguy hiểm về bệnh của người bệnh.
7. Tai biến, biến chứng
Cũng giống như quy trình ghi điện não đồ thường quy, ghi điện não giấc ngủ không gây tai biến trên người bệnh.
Ghi điện não đồ giấc ngủ (EEG giấc ngủ) là một kỹ thuật quan trọng và tương đối dễ thực hiện. Kết quả EEG giấc ngủ có thể giúp bác sĩ chẩn đoán động kinh đặc biệt là động kinh khi ngủ và tư vấn về các liệu pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng để đánh giá các rối loạn giấc ngủ, rối loạn điện giải và các bệnh lý về não khác. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện đúng quy trình là rất quan trọng để đạt được kết quả chính xác.
Leave a Reply