Đột quỵ xuất huyết não là một bệnh lý nghiêm trọng và có thể gây tử vong. Tuy nhiên, có một số biện pháp dự phòng để giảm nguy cơ xuất huyết não. Các biện pháp này bao gồm tuân thủ điều trị thuốc và thay đổi lối sống.
1. Đột quỵ xuất huyết não là gì?
Đột quỵ xuất huyết não là một bệnh lý nguy hiểm xảy ra khi một mạch máu ở não bị vỡ và máu chảy ra vào các khu vực xung quanh. Khi máu chảy ra, nó tạo ra áp lực trên các mô não gần đó, gây ra các triệu chứng và hậu quả nghiêm trọng.
Các nguyên nhân gây ra đột quỵ xuất huyết não có thể bao gồm huyết áp cao, các bệnh lý về mạch máu, tiểu đường,…
Để chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não, cần thực hiện các xét nghiệm như MRI hoặc CT scan. Đột quỵ xuất huyết não không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm chăm sóc đặc biệt, giảm áp lực nội sọ và phòng ngừa các biến chứng.
Để giảm thiểu nguy cơ xuất huyết não, có thể áp dụng một số biện pháp dự phòng nhất định. Các biện pháp này bao gồm việc tuân thủ điều trị thuốc và một số biện pháp thay đổi lối sống.
2. Điều trị tăng huyết áp
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chính gây xuất huyết não. AHA/ASA năm 2010 khuyến cáo các bệnh nhân xuất huyết não tự phát mà không có chỉ định dùng thuốc hạ huyết áp thì vẫn cần kiểm soát huyết áp chặt chẽ, nhất là ở những bệnh nhân có vị trí xuất huyết não điển hình do tăng huyết áp. Ngoài ra, khuyến cáo duy trì huyết áp mục tiêu < 140/90 mmHg để dự phòng cơn đột quỵ đầu tiên. Các bệnh nhân tăng huyết áp kèm đái tháo đường hoặc bệnh thận, nên duy trì huyết áp mục tiêu < 130/80 mmHg.
Các thuốc hạ áp bao gồm:
- lợi tiểu thiazid,
- chẹn kênh canxi,
- ức chế men chuyển,
- ức chế thụ thể.
Các bệnh nhân có đái tháo đường, sử dụng ức chế men chuyển/ ức chế thụ thể là khuyến cáo IA theo AHA/ASA 2011. Chẹn beta giao cảm thuộc hàng thứ 2 do tác dụng dự phòng các biến cố mạch máu thấp hơn mặc dù tác dụng hạ áp tương đương.
Tuy statin được khuyến cáo dự phòng đột quỵ thiếu máu tiên phát (mức bằng chứng IA) đặc biệt nếu kèm yếu tố nguy cơ khác nhưng một số nghiên cứu cho thấy có thể tăng nguy cơ xuất huyết não khi dùng statin. Tuy nhiên, một phân tích meta-analysis trên 31 thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát cho thấy điều trị statin không liên quan đến tăng có ý nghĩa xuất huyết não.
Trong nghiên cứu HOPE (Heart Outcomes Prevention Evaluation), thêm ramipril vào các điều trị nội khoa khác bao gồm kháng kết tập tiểu cầu, làm giảm nguy cơ tương đối đột quỵ, tử vong và nhồi máu cơ tim 32% so với giả dược. Chỉ 40% hiệu quả của ramipril là do tác dụng hạ áp của thuốc, các cơ chế khác liên quan đến tác dụng bảo vệ nội mạc.
Nghiên cứu PROGRESS (Perindopril Protection Against Recurrent Stroke Study) cho thấy perindopril có tác dụng vượt trội so với placebo. Mặc dù bản thân thuốc không ưu thế hơn nhưng khi kết hợp với indapamid giúp làm giảm đột quỵ tái phát, phần lớn hiệu quả này đến từ tác dụng hạ áp, ngược với kết quả của nghiên cứu HOPE về ramipril.
Nghiên cứu ALLHAT (Antihypertensive and Lipid-Lowering Treatment to Prevent Heart Attack Trial) cho thấy chlorthalidone hiệu quả hơn một chút so với lisinopril trong dự phòng đột quỵ.
Nghiên cứu LIFE (Losartan Intervention for Endpoint Reduction in Hypertension Study) chứng minh rằng ức chế thụ thể (losartan) giảm nguy cơ đột quỵ ưu thế hơn chẹn beta giao cảm (atenolol).
Nghiên cứu MOSES (Morbidity and Mortality after Stroke, Eprosartan Compared With Nitrendipine for Secondary Prevention) cho thấy eprosartan ưu thế hơn chẹn kênh canxi nitrendipin trong dự phòng thứ phát đột quỵ và tai biến mạch não thoáng qua. Nghiên cứu này tương đối nhỏ và phần lớn các biến cố là tai biến mạch não thoáng qua.
3. Các biện pháp dự phòng không dùng thuốc
Bên cạnh việc sử dụng thuốc hạ áp để kiếm soát huyết áp, các biện pháp dự phòng không dùng thuốc cũng được khuyến cáo. Chỉ bằng các biện pháp đơn giản như thay đổi chế độ ăn hay sinh hoạt, bệnh nhân có thể giảm nguy cơ mắc đột quy xuất huyết não và có môt sức khỏe tốt.
3.1 Hạn chế tiếp xúc với chất kích thích
Các chất kích thích như thuốc lá, cồn và ma túy có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện xuất huyết não. Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với những chất này.
3.2 Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ xuất huyết não. Không chỉ vậy, tập thể dục điều độ kết hợp với chế độ ăn hợp lý, bệnh nhân có thể duy trì cân nặng ở mức hợp lý, giảm nguy cơ béo phì và thừa cân.
Người bình thường nên tập thể dục với cường độ trung bình t nhất 150 phút mỗi tuần, biện pháp này đã được AHA/ASA nhấn mạnh từ năm 2011
3.3 Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn nhiều rau quả, trái cây, ngũ cốc và thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp giảm nguy cơ xuất huyết não. Ngược lại một chế độ ăn nhiều muối và chất béo sẽ ảnh hưởng xấu đến tình trạng tăng huyết áp từ đó làm tăng nguy cơ xuất hiện đột quỵ.
Chế độ ăn giàu kali để giảm huyết áp có tác dụng dự phòng.
3.3 Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện và điều trị các bệnh lý liên quan đến huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch kịp thời, giảm nguy cơ xuất huyết não.
Leave a Reply