Những dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng chẩn đoán xuất huyết não

Trên một bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ xuất huyết não, các dậu hiệu lâm sàng là tiền đề và chỉ điểm để thực hiện các thăm dò cận lâm sàng sâu hơn. Nhận biết các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng này là cực kỳ quan trọng để chẩn đoán đúng bệnh cũng như thực hiện nhanh chóng các điều trị bước đầu cho bệnh nhân.

đôt quỵ xuất huyết não

1. Dấu hiệu lâm sàng xuất huyết não

1.1. Khai thác tiền sử và bệnh sử

Cần khai thác được một bệnh sử đầy đủ bao gồm thời gian khởi phát và tiến triển của các triệu chứng, cũng như đánh giá các yếu tố nguy cơ và các nguyên nhân có thể. Chú ý tiền sử chấn thương của người bệnh ngay cả khi còn nhỏ và các bệnh lý kèm theo.

1.2. Khám lâm sàng

1.2.1. Khám toàn thân

Thăm khám bệnh nhân xuất huyết não (XHN) phải chú ý đánh giá các dấu hiệu sinh tồn. Khám toàn thân và tập trung vào đầu, tim, phổi, bụng, tứ chi và khám thần kinh kỹ lưỡng nhưng nhanh chóng.

Tăng huyết áp (đặc biệt HA tâm thu lớn > 220 mm Hg) thường gặp đột quỵ xuất huyết não. Huyết áp cao nhiều kèm theo sốt thường là biểu hiện tổn thương thần kinh nặng, tiên lượng xấu.

1.2.2. Phát hiện các dấu hiệu thần kinh khu trú

Dấu hiệu thần kinh khu trú phụ thuộc vào khu vực não bị tổn thương.

Nếu tổn thương bán cầu chiếm ưu thế (thường là bên trái), thăm khám lâm sàng có thể thấy những dấu hiệu và triệu chứng sau:
– Liệt nửa người phải
– Mất cảm giác nửa người phải
– Nhìn sang trái
– Mất thị trường phải
– Thất ngôn
– Quên nửa thân bên liệt (không điển hình)

Nếu tổn thương bán cầu không chiếm ưu thế (thường là bên phải), người bệnh có thể có:
– Liệt nửa người trái
– Mất cảm giác nửa người trái
– Mắt nhìn sang phải
– Mất thị trường bên trái

Nếu tiểu não bị tổn thương, bệnh nhân có nguy cơ cao bị thoát vị và chèn ép não. Thoát vị có thể làm giảm nhanh mức độ ý thức và có thể dẫn đến ngừng thở hoặc tử vong.

Các các vị trí đặc hiệu liên quan đến những dấu hiệu thần kinh khu trú trong xuất huyết não bao gồm:

– Nhân bèo: liệt nửa người bên đối diện, mất cảm giác bên đối diện, liệt vận động nhãn cầu bên đối diện, bán manh cùng bên, thất ngôn, quên nửa bên liệt, hoặc mất vận động tự chủ bên liệt.
– Đồi thị: mất cảm giác bên đối diện, liệt nửa người bên đối diện, liệt vận nhãn, bán manh cùng bên, co đồng tử, thất ngôn, hoặc nhầm lẫn.
– Xuất huyết thùy não: liệt, mất cảm giác nửa người bên đối diện, liệt vận nhãn bên đối diện, bán manh cùng bên, thất ngôn, quên nửa người bên liệt, hoặc mất vận động tự chủ bên liệt.
– Nhân đuôi: liệt nửa người bên đối diện, liệt vận nhãn, hoặc nhầm lẫn.
– Cuống đại não: liệt tứ chi, liệt mặt, giảm ý thức, liệt vân nhãn, co đồng tử.
– Tiểu não: liệt mặt, mất cảm giác; liệt vân nhãn, co đồng tử, hoặc giảm mức độ ý thức.

Các dấu hiệu khác của của tiểu não hoặc thân não gồm:

– Dáng đi hoặc vận động tay chân mất điều hòa
– Chóng mặt hoặc ù tai
– Buồn nôn và nôn
– Liệt nửa người hoặc liệt tứ chi
– Mất cảm giác nửa người hoặc mất cảm giác của cả 4 chi
– Bất thường vận nhãn dẫn đến nhìn đôi hoặc chứng rung giật nhãn cầu
– Suy giảm chức năng hầu họng hoặc khó nuốt
– Dấu hiệu bắt chéo (mặt cùng bên và cơ thể đối bên)
Các triệu chứng xuất huyết dưới nhện:
– Đột ngột đau đầu dữ dội
– Dấu hiệu màng não với gáy cứng
– Chứng sợ ánh sáng và đau khi cử động mắt
– Buồn nôn và nôn
– Ngất: kéo dài hoặc không điển hình

Nhiều hội chứng đột quỵ khác có liên quan đến xuất huyết nội sọ, từ đau đầu nh đến suy giảm nặng nề chức năng thần kinh. Đôi khi, xuất huyết não có thể biểu hiện bằng một cơn động kinh mới khởi phát.

2. Dấu hiệu cận lâm sàng xuất huyết não

Các dấu hiệu lâm sàng thì không đặc hiệu để chẩn đoán phân biệt XHN với nhồi máu não hay với các bệnh lý khác có biểu hiện giống đột quỵ bởi vậy chẩn đoán xác định XHN phải dựa vào hình ảnh học thần kinh (chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng huởng từ sọ não).

2.1. Chụp cắt lớp vi tính (CLVT) sọ não

CLVT không tiêm thuốc cản quang là một kỹ thuật nhanh với độ nhạy rất cao để xác định XHN cấp tính, và do tính khả dụng cao của nó mà đây được coi như tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định XHN trong các khoa cấp cứu.

CLVT sọ não ngoài việc chẩn đoán xác định XHN, còn cung cấp thêm các thông tin hữu ích khác bao gồm vị trí, lan rộng vào não thất, giãn não thất, sự xuất hiện và mức độ phù não, sự đè đẩy đường giữa cũng như thân não thứ phát do hiệu ứng khối của khối máu.

Thể tích khối máu nội sọ là yếu tố dự báo mạnh mẽ đầu ra lâm sàng của bệnh nhân và có thể xác định được nhanh chóng ở khoa cấp cứu dựa vào kỹ thuật đo ABC/2.

Hình ảnh XHN cấp tính trên CLVT sọ não thì dễ nhận biết do đặc trưng bởi hình ảnh tăng tỷ trọng so với nhu mô não (trừ khi số lượng máu quá ít). Sự thoái triển của khối máu được đánh dấu bởi sự giảm tỷ trọng dần của khối máu cho tới khi bị dịch hóa hoàn toàn ở giai đoạn mạn tính.

  • Chọn lát cắt ngang của CLVT có vùng chảy máu lớn nhất.
  • Đo đường kính lớn nhất (A) và đường kính vuông góc với nó (B)
  • Đường kính C đựợc tính bằng độ dày lát cắt của phim chụp nhân với số lát cắt quan sát thấy khối máu A, B, C được đo theo cm.
  • Thể tích khối máu V=ABC/2 có đơn vị cm3 hay mL.

2. 2. Chụp mạch não (CT mạch não)

Đây là kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn hữu ích trong bệnh cảnh XHN cấp giúp phát hiện các bất thường mạch máu là nguyên nhân của xuất huyết não. Các yếu tố nên đặt ra nghi ngờ có bất thường mạch não bao gồm: xuất huyết dưới nhện, xuất huyết não ở thùy não, xuất huyết não thất nhiều, tuổi trẻ và không có các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch não (như tăng huyết áp).

Ngoài phát hiện nguyên nhân bất thường mạch máu thì dấu hiệu thoát thuốc cản quang bên trong khối máu trên CT mạch não là một dấu hiệu chỉ điểm dự báo sự lan rộng của khối máu và đầu ra lâm sàng kém cho bệnh nhân.

Dấu hiệu thoát thuốc rất có ích giúp định hướng cho phẫu thuật viên trong quá trình phẫu thuật lấy khối máu tụ. Một số điểm bất lợi của phương pháp này là nguy cơ nhiễm xạ tăng lên cũng như là nguy cơ của thuốc cản quang gây dị ứng hay suy thận tăng lên.

Một số nguyên nhân mạch máu gây XHN thường gặp trong thực hành lâm sàng bao gồm: phình động mạch não, dị dạng thông động tĩnh mạch não (AVM), dị dạng rò động tĩnh mạch màng cứng (dAVF), huyết khối xoang tĩnh mạch não…

2.3. Chụp cộng hưởng từ sọ não

Cộng hưởng từ (CHT) có độ nhạy để chẩn đoán XHN tương đương với CT sọ não không tiêm. CHT có thể phát hiện các nguyên nhân gây xuất huyết não như các u não chảy máu hay nhồi máu chuyển dạng chảy máu.

Ở các bệnh nhân suy thận hay dị ứng thuốc cản quang thì việc đánh giá mạch não có thể thực hiện được thông qua CHT mạch máu mà không cần tiêm chất tương phản.

Tuy nhiên, do giá thành cao, việc thăm khám kéo dài và tính khả dụng thấp hơn CT sọ não nên CHT ít khi được sử dụng để chẩn đoán xuất huyết não trong bệnh cảnh cấp cứu. Hình ảnh xuất huyết não trên CHT có thể đặt ra nhiều thách thức do biểu hiện của máu thay đổi theo các chuỗi xung, thời gian kể từ lúc bắt đầu chảy máu, kích thước và vị trí chảy máu.

2.4. Các xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu

Các xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu được tiến hành lấy mẫu ngay khi bệnh nhân nhập viện và qua khám lâm sàng, người thày thuốc nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ XHN, bao gồm:
– Công thức máu, sinh hóa máu: điện giải đồ, urê máu, creatinine và glucose.
– Đông máu cơ bản: thời gian prothrombin, INR, APTT cho tất cả bệnh nhân.
– Troponin tim.
– Sàng lọc độc tính để phát hiện cocaine và các loại thuốc kích thích giao cảm khác.
– Tổng phân tích nước tiểu và cấy nứớc tiểu.
– Thử thai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *