Zavegepant: thuốc xịt mũi hiệu quả cho chứng đau nửa đầu cấp

Zavegepant là một loại thuốc xịt mũi mới được phát triển để giảm đau nửa đầu cấp tính. Đây là một trong những loại thuốc có hiệu quả cao và được chứng minh trong các nghiên cứu lâm sàng. Zavegepant hoạt động bằng cách ức chế một protein có tên là calcitonin gene-related peptide (CGRP), một chất được cho là có liên quan đến việc gây đau nửa đầu. Với công dụng giảm đau hiệu quả và độ an toàn cao, Zavegepant đang được xem là một lựa chọn tiềm năng trong điều trị chứng đau nửa đầu cấp tính.

1.Tìm hiểu về chứng đau nửa đầu cấp tính 

1.1 Giới thiệu 

Để cảm nhận thế giới xung quanh, các sợi thần kinh truyền tín hiệu điện đi và đến từ não và tủy sống, các cơ quan cảm giác trong toàn bộ cơ thể thu thập thông tin được tín hiệu truyền đến não thông qua các tế bào thần kinh. Mỗi tín hiệu thần kinh được truyền từ tận cùng một tế bào thần kinh đến những tế bào khác qua các kênh ion, các ion đi qua các kênh xuyên qua dây thần kinh giúp tổng hợp dòng điện tại vị trí tận cùng dây thần kinh. Các tín hiệu thần kinh từ não bộ hình thành xung thần kinh chính là điện thế hoạt động lan truyền dọc theo sợi trục của nơron, các nơron thần kinh sinh ra các enzyme giúp tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh là những chất hóa học có vai trò dẫn truyền xung động qua các khe synap giữa hai tế bào thần kinh liền kề nhau, hoặc giữa tế bào thần kinh và tế bào đích mà xung thần kinh hướng tới tế bào đích (cơ, tuyến)

Chứng đau nửa đầu là một rối loạn di truyền, từng đợt liên quan đến sự nhạy cảm của các giác quan và ảnh hưởng sự thay đổi quá trình xử lý thông tin của các nơron thần kinh trung ương (kích hoạt các nhân của thân não, tăng khả năng kích thích của vỏ não và ức chế vỏ não lan tỏa) và sự tham gia của hệ thống thần kinh mạch máu (kích hoạt sự giải phóng neuropeptide, gây viêm đau trong các mạch nội sọ và màng cứng). Chứng đau nửa đầu ảnh hưởng đến khoảng 12% dân số. Ước tính toàn cầu cao hơn. Chứng đau nửa đầu mãn tính (CM) ảnh hưởng đến 1% đến 2% dân số toàn cầu. Khoảng 2,5% những người bị chứng đau nửa đầu từng cơn tiến triển thành CM.

Đau nửa đầu
Đau nửa đầu

1.2 Triệu chứng của bệnh đau nửa đầu 

Tiền triệu (báo hiệu các cơn đau) bao gồm: thay đổi khí sắc, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, hoặc phối hợp cả hai

Aura xuất hiện trước cơn đau: triệu chứng thị giác (rối loạn thị giác), di cảm và tê bì, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn chức năng thân não thoáng qua (chứng mất ngủ, lú lẫn)

Đau đầu: từ trung bình đến nặng, kéo dài từ 4 giờ đến vài ngày, thường đau một bên hoặc hai bên

Triệu chứng buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ mùi khó chịu

1.3 Nguyên nhân 

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên chứng đau nửa đầu bao gồm: 

  • Sự thay đổi Hormone: sau mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi lượng Estrogen 
  • Sự thay đổi cảm xúc: stress, cú shock, trầm cảm, lo lắng
  • Sự thay đổi về thể chất: mệt mỏi, hạ đường huyết, công việc làm thêm, chất lượng ngủ thấp, các vấn đề về cột sống
  • Tác nhân chế độ ăn uống: bỏ bữa, rượu bia, sản phẩm chứa Caffeine, thức ăn chứa Tyramine
  • Tác nhân môi trường: tiếng ồn, không khí ô nhiễm, hút thuốc, tiếp xúc với ánh sáng cường độ cao quá lâu, tập trung vào màn hình, thay đổi khí hậu 
  • Ảnh hưởng của các loại thuốc: thuốc ngủ, thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế Hormone

1.4 Chẩn đoán 

Nếu có triệu chứng lâm sàng, làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác gồm: xét nghiệm máu, chụp MRI hoặc CT, điện não đồ (EEG)

1.5 Điều trị 

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho chứng đau nửa đầu. Nhưng nhiều thuốc có thể được chứng minh làm giảm bớt hoặc thậm chỉ ngăn ngừa chứng đau nửa đầu 

Các thuốc giảm đau: thành phần chính trong thuốc gồm Acetaminophen, Aspirin, Caffeine, Ibuprofen. Không nên kê Aspirin cho bất kỳ đối tượng nào dưới 19 tuổi vì có nguy cơ cao mắc hội chứng Reye. Thận trọng khi kê đơn thuốc giảm đau vì có thể sẽ làm tăng cường cơn nhức đầu

Các thuốc chống buồn nôn: làm giảm triệu chứng buồn nôn của bệnh 

Nhóm thuốc Triptan: các thuốc trong nhóm này giúp cân bằng chất hóa học trong não (Almotriptan, Eletriptan, Rizatriptan, Sumatriptan, Zolmitriptan,…)

Nhóm thuốc Ergotamine: các thuốc ức chế các tác nhân hóa học trong não ngăn chặn hình thành các cơn đau đầu mới (Cafergot, Ergomar, Migergot)

Nhóm thuốc Lasmiditan như Reyvow làm giảm các cơn đau, cơn buồn nôn, giúp loại bỏ triệu chứng nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn 

Nhóm thuốc kháng thụ thể CGPR gồm các thuốc Rimegepant, Ubrogepant nếu các phương pháp trị liệu khác không khả thi 

2.Tổng quan thuốc mới Zavegepant 

Đầu tháng 3 năm 2023, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận và phê duyệt Zavegepant, một loại thuốc xịt mũi đối kháng thụ thể peptide liên quan đến Calcitonin (CGRP) đang được nghiên cứu trong điều trị chứng đau nửa đầu cấp tính. Zavegepant được bán trên thị trường với tên Zavzpret và liệu pháp này trở thành thuốc xịt mũi CGRP đầu tiên và duy nhất được sử dụng cho bệnh nhân mắc chứng đau nửa đầu. Trong hai nghiên cứu thử nghiệm mù đôi khi so sánh với giả dược, thuốc đã chứng minh sự khác biệt có ý nghĩa thống kê vượt trội hơn giả dược về công dụng hết đau và không gây triệu chứng khó chịu. Việc FDA chấp thuận Zavzpret đánh dấu bước đột phá quan trọng đối với những bệnh nhân mắc chứng đau nửa đầu khi cải thiện cơn đau và lựa chọn tối ưu thay thế cho các thuốc dùng đường uống khác. 

Zavzpret (Zavegepant)
Zavzpret (Zavegepant)

2.1 Nhóm dược lý và chỉ định sử dụng của Zavegepant 

Zavegepant thuộc nhóm thuốc đối kháng thụ thể CGRP được chỉ định điều trị chứng đau nửa đầu cấp tính có hoặc không có triệu chứng Aura. Các thuốc thuộc nhóm đối kháng thụ thể CGRP được biết đến trong tên gọi có đuôi “gepants” như Rimegepant hay Ubrogepant. Trong đó, Zavegepant thuộc thế hệ thứ 3 với kích thước nhỏ và tan tốt trong nước

2.2 Cơ chế hoạt động 

Zavegepant hoạt động như chất đối kháng thụ thể peptide liên quan đến Calcitonin (CGRP). CGRP là một neuropeptide gồm 37 acid amin có hai dạng (α và β). CGRP được giải phóng từ các dây thần cảm giác, hoạt động như một chất giãn mạch mạnh và đóng vai trò quan trọng để chữa lành vết thương và sinh lý tim mạch. Do đặc tính giãn mạch, CGRP giải phóng các chất trung gian gây viêm từ tế bào mast và truyền thông tin đau đến hệ thần kinh trung ương. Chất đối kháng thụ thể CGRP đã được chứng minh hoạt động tương tự với CGRP do đó gắn vào thụ thể thay thế vị trí của CGRP. Trong chứng đau nửa đầu cấp tính, việc giải phóng CGRP làm tăng giãn mạch và điều chỉnh tính dễ bị kích thích của tế bào thần kinh, tạo điều kiện cho phản ứng đau trong các cấu trúc dẫn truyền cơn đau nửa đầu, chẳng hạn như hệ thống sinh ba nên ức chế cơ chế giãn mạch và làm giảm nhạy cảm các mạch thần kinh

2.3 Dược động học 

Hấp thu: Sau khi dùng một liều Zavegepant (10mg) nhỏ vào mũi, nồng độ đỉnh đạt được trong huyết tương sau 30 phút sử dụng. Sinh khả dụng tuyệt đối của thuốc xịt mũi là khoảng 5%. So với người bình thường, bệnh nhân suy gan có Cmax và AUC lần lượt là 16% và 1,9 lần. 

Phân bố: Zavegepant dùng trong mũi có thể tích phân bố biểu kiến (Vd) ​​trung bình khoảng 1774L.Zavegepant có khả năng gắn kết với protein huyết tương khoảng 90%

Chuyển hóa: Zavegepant chủ yếu được chuyển hóa bởi CYP3A4 và một phần bởi enzyme CYP2D6. 

Thải trừ: Zavegepant được bài tiết chủ yếu qua đường mật/phân và một phần nhỏ qua nước tiểu. Sau khi dùng liều 10 mg, Zavegepant dùng trong mũi có thời gian bán hủy (T1/2) hiệu quả là 6,55 giờ. Độ thanh thải biểu kiến trung bình là 266L/h

2.4 Tác dụng phụ 

Tuy hiệu quả điều trị đã được chứng minh nhưng khi sử dụng Zavegepant cũng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn nghiêm trọng như: khó thở, rối loạn vị giác, dị ứng nổi mẩn, phát ban, nổi sưng trên mặt, môi, lưỡi, nôn, buồn nôn 

2.5 Liều sử dụng và chống chỉ định 

Liều khuyến cáo sử dụng Zavzpret được chấp thuận là 10mg xịt 1 lần 

Liều tối đa có thể được khuyến cáo trong 24 giờ là 1 lần xịt 10mg

Zavegepant chống chỉ định sử dụng ở các đối tượng người bệnh có tiền sử xảy ra các phản ứng nhạy cảm quá mức với bất kỳ thành phần nào 

2.6 Tương tác thuốc

Zavzpret có thể tương tác với các loại thuốc khác như: (1) thuốc ức chế chất vận chuyển OATP1B3 hoặc NTCP, (2) thuốc gây ra chất vận chuyển OATP1B3 hoặc NTCP và (3) thuốc thông mũi.

3.Kết luận 

Zavegepant có thể có vai trò tối ưu trong điều trị cấp tính chứng đau nửa đầu như một phương pháp thay thế hiệu quả cho các thuốc uống và thuốc tiêm, đặc biệt phát huy tối đa hiệu quả đối với những bệnh nhân mong muốn tác dụng nhanh của thuốc.

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *