Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là một bệnh lý do sự cố về lưu thông máu tới não, gây ra tổn thương não và các triệu chứng khác nhau. Đột quỵ có thể xảy ra do động mạch bị tắc nghẽn hoặc vỡ, dẫn đến chảy máu vào não hoặc bất thường trong quá trình lưu thông máu. Hướng dẫn phục hồi chức năng sau đột quỵ là một bước quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Điều này giúp người bệnh phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
1. Truyền thông giáo dục người bệnh
Hội đột quỵ Hoa Kỳ (ASA) khuyến cáo người dân nhận biết được các dấu hiệu thường gặp, đơn giản của đột quỵ và gọi ngay cấp cứu khi xuất hiện đột ngột của một trong các dấu hiệu sau:
– Tê hoặc yếu mặt, tay, chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể
– Rối loạn ý thức
– Khó nói hoặc không hiểu được câu lệnh
– Mất thị lực một hoặc hai mắt
– Khó đi lại, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc thất điều
– Đau đầu dữ dội không rõ ngyên nhân
Năm 2013, ASA đưa ra thuật ngữ FAST để mô tả các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cho người dân:
– F (face): mặt bị liệt (méo, lệch)
– A (arm): tay cử động khó khăn (yếu tay)
– S (speech): nói khó
– T (time): khi có 3 dấu hiệu trên, thời gian (time) lúc này quý hơn vàng, cần gọi ngay cấp cứu.
2. Dự phòng đột quỵ
2.1. Dự phòng tiên phát
Dự phòng tiên phát đối với những người chưa bị đột quỵ, gồm những biện pháp như dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu, điều trị rối loạn lipid máu bằng statin, cai thuốc lá và tập thể dục. Hướng dẫn AHA/ASA năm 2011 về dự phòng đột quỵ tiên phát nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp thay đổi lối sống để làm giảm các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, những người theo lối sống lành mạnh có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 80% so với những người không theo lối sống nói trên.
Để dự phòng tiên phát đột quỵ, cần duy trì một lối sống lành mạnh như sau:
- Tập thể dục thường xuyên: Thường xuyên luyện tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những cách quan trọng để dự phòng đột quỵ. Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe tim mạch, như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm không mỡ, cá, đậu, hạt và dầu thực vật không bão hòa.
- Giảm cân nếu cần thiết: giảm cân giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý liên quan đến đột quỵ như huyết áp, tiểu đường.
- Giảm stress: stress có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nên giảm stress bằng cách thực hiện các hoạt động giảm stress như yoga, tập thể dục, và thư giãn.
Nhìn chung, giá trị của aspirin trong dự phòng tiên phát dường như không chắc chắn nên không khuyến cáo đối với những người có nguy cơ thấp và chỉ dùng cho những người có ít nhất 6 – 10% nguy cơ mắc các biến cố tim mạch trong vòng 10 năm.
Tuy nhiên, aspirin liều thấp có thể có lợi trong dự phòng đột quỵ cho phụ nữ. Một thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng giả dược đã chứng minh rằng 100 mg aspirin mỗi ngày giúp giảm 24% nguy cơ đột quỵ não do thiếu máu và không làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do xuất huyết.
2.2. Dự phòng thứ phát
– Bệnh nhân bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) nên kiểm tra bệnh tiểu đường và béo phì và hội chứng ngưng thở khi ngủ,
– Bệnh nhân bị đột quỵ không rõ nguyên nhân nên theo dõi lâu dài để xác định cơn rung nhĩ,
– Với bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim phải dùng thuốc chống đông kháng vitamin K: nếu có điều kiện thì thay thế bằng các thuốc chống đông đường uống mới như dabigatran, apixaban, rivaroxaban,
– Không cần thiết phải đóng lỗ bầu dục ở những người không bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới (để đề phòng tắc mạch nghịch thường),
– Không có bằng chứng làm tăng HDL-C của niacin, fibrat nên không khuyến cáo sử dụng.
– Điều trị kháng tiểu cầu kép (aspirin và clopidogrel) an toàn và hiệu quả trong việc giảm tái phát đột quỵ và các biến cố mạch máu khác (cơn thiếu máu não thoáng qua [TIA], hội chứng mạch vành cấp, nhồi máu cơ tim) ở những bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp tính hoặc TIA và không làm tăng có ý nghĩa biến cố chảy máu nặng.
– Đối với những bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ do hẹp động mạch cảnh không có triệu chứng: tùy thuộc vào bệnh lý đi kèm, tuổi thọ và mong muốn của từng bệnh nhân để xác định liệu điều trị nội khoa đơn thuần hay tái thông động mạch cảnh bằng can thiệp hoặc phẫu thuật.
Tóm lại, việc hướng dẫn phục hồi chức năng sau đột quỵ không chỉ giúp người bệnh phục hồi sức khỏe một cách tốt nhất mà còn giúp giảm chi phí điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Leave a Reply