Phù phổi cấp là một tình trạng bệnh lý nặng nề, có thể ảnh hưởng tới tính mạng của bệnh nhân nếu không được kịp thời chẩn đoán và điều trị. Trong bài viết dứoi đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tổng quan về chẩn đoán và điều trị bệnh lý này.
1. Phù phổi cấp là gì ?
Phù phổi cấp là một cấp cứu nội khoa, là hậu quả của tình trạng có sự tập trung bất thường của dịch bên trong phế nang. Quá trình này gây cản trở cho việc trao đổi khí tại phế nang, tiến triển nhanh và có khả năng gây hội chứng suy hô hấp trên lâm sàng.
2. Sinh bệnh học phù phổi cấp.
- Phù phổi cấp có thể thể chia thành 2 loại: do tim tim (phù phổi cấp huyết động) và không do tim (phù phổi cấp tổn thương).
- Phù phổi do tim (phù phổi cấp huyết động) hay phù phổi do quá tải dịch gây ra bởi sự tăng lên nhanh của áp lực thuỷ tĩnh trong lòng mao mạch phổi. Loại này đặc trưng trong rối loạn liên quan tình trạng rối loạn chức năng tâm thu và tâm trương thất trái, bất thường van tim (hở van động mạch chủ/van hai lá, hẹp van ở mức độ vừa đến nặng) và loạn nhịp ( cơn loạn nhịp nhanh ) .
- Phù phổi cấp không do tim (Phù phổi cấp tổn thương) là kết quả của sự tăng tính thấm thành mạch phổi dẫn đến sự dịch chuyển của chất lỏng giàu protein, đến các phế nang và khoảng kẽ. Tổn thương phổi cấp tính với tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng được gọi là hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) và góp mặt trong trong nhiều tình trạng ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, chẳng hạn như viêm phổi, tổn đường hô hấp hoặc gián tiếp, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết, viêm tụy cấp, chấn thương nặng kèm theo sốc.
3. Sinh lý bệnh
- Hậu quả của việc tăng hàm lượng dịch ngoài lòng mạch trong phổi là chung đối với tất cả các dạng phù phổi. Tuy nhiên, cơ chế cơ bản dẫn đến phù phổi phát sinh từ sự rối loạn của các quá trình sinh lý phức tạp khác nhau, gây ra sự mất cân bằng của quá trình lọc của dịch và các chất hòa tan qua màng mao mạch phổi. Sự mất cân bằng này có thể là do một hoặc nhiều yếu tố sau gây ra:
– Tăng áp lực động mao mạch phổi hay tăng áp lực động mạch phổi.
– Tăng áp suất thủy tĩnh của khoảng kẽ.
– Tổn thương nội mô và phá vỡ hàng rào biểu mô.
– Giảm áp lực keo huyết tương do suy gan, suy thận, suy dinh dưỡng và các tình trạng mất protein khác.
– Tăng áp lực âm của khoảng kẽ.
– Suy tuần hoàn bạch mạch.
– Tăng gánh thể tích do tăng đột ngột tiền gánh.
4. Chẩn đoán
4.1. Phù phổi cấp huyết động:
4.1.1. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng:
– Buồn nôn, ngột ngạt, tức ngực, lo âu
– Khó thở nhanh, co kéo cơ hô hấp
– Tím, đầu chi lạnh, vã mồ hôi, ho khạc bọt hồng.
– Tình trạng khó thở xuất hiện và tăng lên rất nhanh.
- Dấu hiệu thực thể
– Mạch nhanh
– Huyết áp thường tăng, khi suy hô hấp quá nặng bệnh nhân có thể có tụt huyết áp
– Nghe phổi ran ẩm tăng nhanh từ đáy phổi dâng lên đỉnh phổi.
4.1.2. Cận lâm sàng
- Điện tim
– Có thể thấy hình ảnh bệnh lý: Nhồi máu cơ tim, loạn nhịp nhanh.
– Thường gặp dấu hiệu thứ phát: Nhịp nhanh thứ phát do giảm oxy máu hay do suy tim, rối loạn tái cực thứ phát sau tăng huyết áp, hoặc dấu hiệu phì đại nhĩ và thất trái ở những bệnh nhân có tăng huyết áp cũ.
- X quang tim phổi:
– Hình ảnh nhiều đám mờ ở 2 phổi, nhiều ở hai rốn và đáy phổi.
– Phổi mờ hình cánh bướm.
– Phổi trắng hay gặp trong phù phổi.
- Khí máu động mạch: Giai đoạn sớm PaO2 và PaCO2 chỉ giảm nhẹ, giai đoạn nặng giảm oxy nặng và tăng CO2, toan hóa.
- Siêu âm tim: Có thể thấy hình ảnh bệnh nguyên nhân: Giảm vận động thành tim trong nhồi máu cơ tim, các bệnh van tim, bệnh cơ tim giãn.
4.2. Phù phổi cấp tổn thương
4.2.1. Lâm sàng
- Biểu hiện lâm sàng của phù phổi cấp tổn thương rất thay đổi. Suy hô hấp tiến triển từ từ, thường nặng vào ngày thứ 3 của bệnh, tình trạng suy hô hấp không cải thiện với oxy 100%. Không có dấu hiệu suy tim trái.
4.2.2. Cận lâm sàng
– Xquang tim phổi: Hình ảnh mờ khoảng kẽ lan tỏa, có thể gặp hình ảnh phổi trắng.
– Khí máu PaO2 giảm, SaO2 giảm hoặc bình thường, PaO2/FiO2 < 200
– Huyết động: CVP bình thường, PCWP bình thường.
– XN khác: Protid máu hạ; Protein dịch phù/ Protein huyết tương > 0,6 ; áp lực keo huyết tương hạ.
5. Điều trị
5.1. Nguyên tắc điều trị
- Nhanh chóng, khẩn trương (đây là một cấp cứu nội khoa)
- Với suy hô hấp nguy kịch đe dọa tính mạng cần can thiệp thủ thuật trước, điều trị thuốc sau.
- Điều trị nguyên nhân gây phù phổi cấp và các điều trị hỗ trợ khác
5.2. Phác đồ
- Tư thế BN: Nếu không có tụt huyết áp, đặt bệnh nhân ở tư thế Fowler để hạn chế máu từ tĩnh mạch trở về.
- Đảm bảo chức năng hô hấp
– Nếu bệnh nhân còn tỉnh, hợp tác tốt: Cho thở oxy liều cao qua mask lưu lượng 6-10 lít/phút
– Nếu tình trạng thiếu oxy không được cải thiện: Cho bệnh nhân thở máy không xâm nhập ( với CPAP bắt đầu là 4-5 cmH2O, tăng dần 2 cmH2O/lần cho tới khi tìm được mức CPAP thích hợp hoặc BiPAP ). Ngoài tác dụng tăng trao đổi oxy tại phổi, thở máy còn làm giảm tiền gánh và hậu gánh của thất trái.
– Nếu bệnh nhân có rối loạn ý thức: Đặt nội khí quản thở máy xâm nhập với PEEP.
– Nếu có dấu hiệu co thắt phế quản, có thể dùng thuốc giẫn phế quản như aminophylin tiêm tĩnh mạch.
- Giảm tiền gánh:
– Morphin
- Giảm hậu gánh
– Nếu bệnh nhân có tăng huyết áp, tốt nhất là dùng thuốc hạ huyết áp loại truyền tĩnh mạch có tác dụng nhanh, ngắn: Nitroglycerin, Nicardipin, Nitroprussid.
- Trợ tim: Sử dụng Dobutamin hoặc Digoxin
- Điều trị sau cấp cứu: Hạn chế dịch vào cơ thể bệnh nhân, điều trị nguyên nhân gây phù phổi cấp.
Nguồn tài liệu:
- Bệnh học Nội khoa Đại học Y Hà Nội 2020
- PubMed: Pulmonary Edema
Leave a Reply