Đứt lìa chi là tai nạn làm đứt một phần hay toàn bộ chi thể, chi trên hoặc chi dưới, đôi khi cụt hẳn cả hai tay hoặc 2 chân, trong đó nguyên nhân đứng đầu là tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt. Để khâu nối chi đứt lìa được thành công, tỷ lệ sống cao và hậu phẫu tốt, phục chức năng được hồi phục tốt, cùng tìm hiểu bài viết sau đây.
1. Thời gian thiếu máu có hồi phục của các mô chi đứt lìa:
- Thời gian thiếu máu có hồi phục: là thời gian từ lúc một phần mô hay tổ chức bị cắt cung cấp máu cho đến khi sự lưu thông máu được tái lập và tổ chức trở lại chức năng bình thường. Quá thời gian này dù có tái lập tuần hoàn nhưng tổ chức không tiếp nhận được máu và không có chức năng hay nói cách khác mô bị chết ở mức độ tế bào.
- Thời gian thiếu máu nóng: là thời gian thiếu máu có hồi phục khi phần đứt rời được để trong điều kiện nhiệt độ thường của môi trường.
- Thời gian thiếu máu lạnh : là thời gian thiếu máu có hồi phục khi phần đứt lìa được bảo quản ở nhiệt độ từ 0 – 4 độ C.
Thời gian thiếu máu có hồi phục một số mô như sau:
Mô |
Thời gian thiếu máu nóng |
Thời gian thiếu máu lạnh |
Da và mô dưới da |
4 – 6 giờ |
đến 12 giờ |
Cơ |
2 giờ |
đến 08 giờ |
Xương |
3 giờ |
đến 24 giờ |
2. Chỉ định và chống chỉ định khâu nối chi đứt lìa:
2.1. Chỉ định khâu nối chi đứt lìa dựa trên 3 yếu tố:
- Tổng trạng bệnh nhân: Tổng trạng người bệnh có thể chịu đựng phẫu thuật lớn, kéo dài nhiều giờ. Chức năng tuần hoàn, hô hấp, gan thận cho phép.
- Phần mỏm cụt nơi đứt lìa: không bị bầm dập nặng, mất mô rộng không còn mô mềm để khâu nối.
- Phần đứt lìa còn tốt không bị bầm dập hay đứt nhiều đoạn.
Cần chú ý các điểm sau:
- Đứt lìa ngón tay cái có chỉ định khâu nối tuyệt đối vì chức năng chiếm 40-60% chức năng bàn tay.
- Đứt lìa chi ở trẻ em cũng có chỉ định khâu nối tuyệt đối.
2.2 Chống chỉ định khâu nối :
Chống chỉ định khâu nối cũng còn có tính tương đối tùy thuộc vào tình trạng nạn nhân, đội ngũ phẫu thuật viên và bác sĩ hồi sức, can thiệp nội khoa, cơ sở vật chất của phòng phẫu thuật.
Theo Biemer và Daniel có các chống chỉ định như sau:
- Bệnh hệ thống nặng.
- Nguy cơ do tê mê.
- Thời gian thiếu máu nóng.
- Chi lớn đứt lìa thời gian quá 6 giờ.
- Ngón tay đứt lìa thời gian quá 10giờ.
- Loại tổn thương:
- Bầm dập, đụng dập vết thương nặng.
- Đứt lìa do vặn xoắn, kéo đứt kèm theo tổn thương mạch máu ở xa. Loại tổn thương này rất trầm trọng, khó khâu nối, tỷ lệ sống thấp và phục hồi chức năng kém.
- Đứt lìa búp ngón.
- Đứt lìa 1 ngón duy nhất trừ ngón 1 hay các trường hợp đặc biệt khác.
- Tiền sử bệnh:
- Tâm thần
- Tiểu đường
- Xơ vữa động mạch
- Nhồi máu cơ tim
3. Quy trình khâu nối chi:
Thông thường nối chi tiến hành theo qui trình sau:
- Bước 1: Cắt lọc vết thương ở phần đứt lìa và mỏm cụt: lấy bỏ dị vật, mô chết, mô dập nát. Việc cắt lọc gần các cấu trúc mạch máu hay thần kinh phải thực hiện dưới kính lúp để bảo vệ các cấu trúc này.
- Bước 2: Đánh dấu các cấu trúc mạch máu, thần kinh, gân. Việc tìm và đánh dấu các cấu trúc này giúp cho quá trình khâu nối thuận lợi và nhanh hơn. Trong quá trình tìm và đánh dấu, chúng ta xác định được phần mạch máu thần kinh còn tốt để khâu nối. Việc này rất cần thiết cho quyết định cắt ngắn xuơng bao nhiêu hay có ghép mạch máu không.
Các gân cơ thường không cần phải đánh dấu, tuy nhiên để việc khâu nối gân nhanh chóng trong thì này chúng ta áp dụng khâu nối gân kiểu Tajima. Tức là khâu chuẩn bị sẵn ở 2 đầu gân trước.
- Bước 3: Cắt ngắn và kết hợp xương. Ngoại trừ các trường hợp vết cắt sắc gọn không gây bầm dập mô mềm không cần phải cắt ngắn xương. Đa số các trường hợp chúng ta phải cắt ngắn xương để thuận lợi khâu nối mạch máu thần kinh không bị căng. Tuy nhiên ở một vài trường hợp chúng ta có thể không cắt ngắn xương như vùng gần khớp, lúc này phải ghép mạch máu.
- Bước 4: Khâu gân.
- Bước 5: Khâu động mạch.
- Bước 6: Khâu tĩnh mạch.
- Bước 7: Khâu thần kinh.
- Bước 8: Đóng da.
Trình tự trên đây có thể được thay đổi theo từng trường hợp bệnh nhân. Trong trường hợp nạn nhân vào bệnh viện sớm ngay sau tai nạn, chúng ta có thể khâu tĩnh mạch trước khi khâu động mạch để tránh mất máu. Và nếu trường hợp nạn nhân đến muộn thì ưu tiên khâu động mạch để tưới máu mô trước khi khâu các cấu trúc khác.
4. Chăm sóc theo dõi hậu phẫu:
- Di chuyển bệnh nhân.
- Băng, nẹp bột cố định tư thế chùng mạch máu được khâu nối.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định: Dịch truyền, kháng sinh, giãn mạch, chống kết tập tiểu cầu.
- Các phương pháp vật lý trị liệu hỗ trợ quá trình phục hồi sau phẫu thuật.
- Theo dõi chi: màu sắc chi, nhiệt độ chi, nhấp nháy móng, độ chun giãn của da.
Nguồn: Bộ Y Tế
Leave a Reply