8 tương tác thuốc phổ biến và nghiêm trọng của Digoxin

Digoxin đã được sử dụng để điều trị các vấn đề về tim mạch sau khi được FDA chấp thuận vào giữa những năm 1950. Mặc dù sự xuất hiện lâu đời nhưng Digoxin ít được sử dụng hiện nay vì có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng ngay cả ở liều thông thường và có thể tương tác với một số loại thuốc. Digoxin được biết đến là loại thuốc có khoảng trị liệu hẹp đồng nghĩa với việc sự thay đổi nhỏ nồng độ thuốc trong máu cũng có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Do đó, nắm vững các tương tác xảy ra với Digoxin có thể giúp việc điều trị được giám sát chặt chẽ cũng như nâng cao hiệu quả điều trị 

1.Tương tác thuốc giữa Digoxin và một số loại kháng sinh 

Thuốc kháng sinh là thuốc giúp điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn. Khi sử dụng cùng lúc Digoxin và một số loại kháng sinh có thể làm tăng nồng độ Digoxin trong máu quá cao một số trường hợp cao hơn 100% so với bình thường dẫn đến tăng sinh khả dụng và tăng tác dụng của Digoxin quá mức dẫn đến độc tính tăng. Một số kháng sinh phổ biến được biết đến gây độc tính khi dùng chung với Digoxin bao gồm: Clarithromycin, Erythromycin, Tetracycline, Sulfamethoxazole/trimethoprim và Azithromycin. Buồn nôn, nôn và tiêu chảy là những tác dụng phổ biến của kháng sinh nhưng đáng lo ngại vì cũng là dấu hiệu phổ biến của việc ngộ độc Digoxin

Kháng sinh
Kháng sinh

2.Tương tác thuốc giữa Digoxin và thuốc điều hòa nhịp tim (thuốc chống loạn nhịp)

Các thuốc điều trị nhịp tim được sử dụng cho những bệnh nhân bị rối loạn nhịp như rung tâm nhĩ. Nồng độ Digoxin tăng cao 50% khi dùng chung với các thuốc trong nhóm bao gồm: Propafenone, Quinidine, Amiodarone. Trong đó, có nghiên cứu cho biết Amiodarone và chất chuyển hóa có hoạt tính là Desethyl Amiodarone (DEA) ức chế hệ thống P-glycoprotein và làm tăng nồng độ Digoxin trong huyết tương với các triệu chứng nhiễm độc cao buồn nôn, chán ăn, rối loạn thị giác, mạch chậm, nhịp tim không đều 

Amiodarone thuộc nhóm thuốc chống loạn nhịp
Amiodarone thuộc nhóm thuốc chống loạn nhịp

3.Tương tác thuốc giữa Digoxin và nhóm thuốc chẹn kênh Canxi

Nhóm thuốc chẹn kênh canxi là một nhóm thuốc chủ yếu được sử dụng để điều trị bệnh cao huyết áp, một số thuốc cũng có thể được sử dụng cho đau ngực và các vấn đề về nhịp tim gồm: Diltiazem, Verapamil, Nifedipine,…Các thuốc trong nhóm đều có khả năng làm tăng lượng Digoxin trong máu. Tương tác giữa Digoxin và Verapamil được nghiên cứu là làm giảm mức độ đào thải Digoxin ở ống thận và gây ra tình trạng chậm nhịp tim quá mức dẫn đến xuất hiện nhiều triệu chứng chóng mặt, cực kỳ mệt mỏi

Verapamil thuộc nhóm chẹn kênh Canxi
Verapamil thuộc nhóm chẹn kênh Canxi

4.Tương tác thuốc giữa Digoxin và nhóm thuốc chẹn Beta 

Thuốc chẹn Beta thường được sử dụng để điều trị các tình trạng khác nhau liên quan đến tim, bao gồm huyết áp cao và suy tim. Một số thuốc thường được chỉ định sử dụng thuộc nhóm này bao gồm Carvedilol, Atenolol, Metoprolol,…Thuốc chẹn Beta làm chậm nhịp tim và khi kết hợp với Digoxin cũng làm chậm hoạt động tim quá mức. Cụ thể, khi sử dụng đồng thời Digoxin và Atenolol có thể gây block tim, chậm nhịp tim, rối loạn chức năng tâm thất trái do hiệp đồng tác dụng 

Atenolol thuộc nhóm chẹn Beta
Atenolol thuộc nhóm chẹn Beta

5.Tương tác thuốc giữa Digoxin và các thuốc huyết áp khác 

Một số phân nhóm thuốc huyết áp khác có thể tương tác với Digoxin: nhóm thuốc lợi tiểu (Furosemid, Torsemid), nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin ACEI (Captopril), nhóm thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II (Telmisartan). Trong nhóm thuốc lợi tiểu quai, Furosemid và Torsemid làm giảm lượng Kali trong cơ thể mà theo nhiều nghiên cứu cho thấy những người có lượng Kali thấp có thể bị nhiễm độc Digoxin ở mức thấp hơn giới hạn bình thường do đó làm tăng nguy cơ ngộ độc Digoxin. Ngoài ra trong một số nghiên cứu cũng chứng minh điều tương tự xảy ra khi cơ thể thiếu Magie 

Furosemid thuộc nhóm lợi tiểu
Furosemid thuộc nhóm lợi tiểu

6.Tương tác thuốc giữa Digoxin và nhóm thuốc hạ Cholesterol

Một số nhóm thuốc sử dụng ở bệnh nhân có lượng Cholesterol cao điển hình như các Statin (Atorvastatin, Simvastatin), nhóm thuốc nhựa acid mật (Cholestyramine, Colestipol) cũng gây tác dụng phụ không mong muốn khi dùng cùng lúc với Digoxin. Các Statin có hiệu quả điều trị Cholesterol cao và giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ nhưng làm có thể gây ngộ độc khi dùng với Digoxin. Cholestyramine và Colestipol liên kết với acid mật trong ruột và có thể liên kết với một số loại thuốc, từ đó ngăn không cho Digoxin được hấp thụ dẫn đến nồng độ Digoxin trong máu bị giảm và không đạt được hiệu quả điều trị

Cholestyramine thuộc nhóm nhựa acid mật
Cholestyramine thuộc nhóm nhựa acid mật

7.Tương tác giữa Digoxin và các thực phẩm bổ sung chất xơ 

Digoxin đôi khi xảy ra tương tác với thực phẩm. Cụ thể, trong bữa ăn có sử dụng nhiều bột cám có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị khi làm giảm nồng độ Digoxin trong máu. Một số thực phẩm bổ sung chất xơ khác không kê đơn (OTC) như Fibercon, Metamucil cũng cho hậu quả tương tác tương tự 

Bột bổ sung chất xơ Metamucil
Bột bổ sung chất xơ Metamucil

8.Tương tác giữa Digoxin và một số loại thảo dược 

John’s wort là một chất bổ sung mà một số người dùng để điều trị các triệu chứng trầm cảm có thể tương tác với nhiều loại thuốc, trong đó có Digoxin. Khi kết hợp sử dụng, John’s wort làm giảm nồng độ Digoxin trong máu và giảm hiệu quả trị liệu của thuốc. Các chất bổ sung thảo dược khác như dược liệu bông tai, cam thảo có cùng cơ chế tác dụng trên tim, khi dùng chung có thể dẫn đến vượt ngoài khoảng trị liệu của Digoxin và làm ngộ độc Digoxin

Tương tác Digoxin có thể dẫn đến nồng độ Digoxin cao hơn hoặc thấp hơn. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và chức năng của các cơ quan khác. Nồng độ cao có thể gây ngộ độc và thậm chí đe dọa đến tính mạng. Buồn nôn, nôn và tiêu chảy kéo dài đều là những triệu chứng phổ biến của nhiễm độc Digoxin. Đôi khi cũng xuất hiện những triệu chứng: rối loạn thị giác, khó thở, nhịp tim nhanh. Vì vậy, thực sự cần thiết khi nắm vững những thông tin về các cặp tương tác thường xảy ra khi sử dụng thực phẩm hoặc nhiều loại thuốc chung với Digoxin


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *