Bromocriptine và Pseudoephedrine là hai loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Tuy nhiên, khi sử dụng cùng nhau, hai loại thuốc này có thể gây ra tương tác thuốc không mong muốn cho nên việc nắm rõ thông tin liên quan đến các tác dụng phụ xảy ra sẽ giúp làm giảm tỉ lệ xảy ra cho bệnh nhân khi sử dụng
1.Giới thiệu chung
Sự thay đổi tác dụng của một loại thuốc đối với cơ thể khi thuốc được dùng chung với một hoặc một nhóm thuốc khác được gọi là tương tác giữa thuốc và thuốc. Tương tác thuốc – thuốc có thể làm chậm, giảm hoặc tăng cường hấp thu của một trong hai loại thuốc. Điều này có thể làm giảm hoặc tăng tác dụng của một hoặc cả hai loại thuốc hoặc gây ra tác dụng phụ. Ưu tiên hàng đầu trong điều trị bệnh là giảm thiểu các tác dụng phụ không mong muốn bắt nguồn từ các cặp thuốc tương tác với nhau. Vì vậy, hiểu rõ cơ chế cũng như từng giai đoạn của thuốc vào cơ thể giúp các chuyên gia y tế có thể tránh sự tương tác giữa các thuốc nhằm tăng tính hiệu quả trong quá trình điều trị
2.Tổng quan về Bromocriptine
2.1 Nhóm dược lý và công dụng
Bromocriptine nằm trong nhóm chủ vận thụ thể Dopamin. Bromocriptine hiện nay đang được sử dụng trong quản lý và điều trị bệnh đái tháo đường loại 2 giúp kiểm soát đường huyết. Ngoài ra, Bromocriptine được FDA chấp thuận sử dụng cho các rối loạn gây tăng Prolactin máu do u tuyến yên. Hơn nữa, ở những nhóm bệnh nhân mắc bệnh Parkinson mà Levodopa không còn hiệu quả, việc sử dụng đồng thời với các chất chủ vận Dopamine như Bromocriptine là một lựa chọn thành công và sáng suốt. Đối với bệnh to cực, Bromocriptine với tác động chủ vận Dopamine được chỉ định điều trị.
2.2 Cơ chế tác động
Bromocriptine là một chất chủ vận thụ thể Dopamin có hoạt tính chủ vận chọn lọc trên các thụ thể Dopamin D2 đồng thời đóng vai trò chất đối kháng một phần đối với các thụ thể Dopamin D1. Chất chủ vận Dopamin có tác dụng khác nhau tùy thuộc vào mô đích bao gồm: trong bệnh Parkinson, Bromocriptine liên kết trực tiếp với các thụ thể Dopamin D2 thể vân, kích thích vận động và làm giảm các triệu chứng vận động chậm gây ra bởi sự thoái hóa các tế bào Dopaminergic. Tác dụng chủ vận với các thụ thể Dopamin D2 của các tế bào tuyến sữa của tuyến yên trước ngăn chặn sự xuất bào Prolactin và biểu hiện gen, từ đó làm giảm tác hại tăng Prolactin máu trong trường hợp u tuyến yên. Trong bệnh to cực, tác dụng Dopaminergic của Bromocriptine ngăn chặn sự giải phóng quá mức hormone GH thông qua con đường Tuberoinfundibular, làm giảm nồng độ GH trong máu lưu thông. Ở bệnh nhân đái tháo đường loại 2, Bromocriptine làm thay đổi nồng độ chất dẫn truyền thần kinh Monoamine trong nhân trong của vùng dưới đồi, gây tác dụng cường giao cảm và làm quá trình trao đổi chất dẫn đến tình trạng không dung nạp Glucose
2.3 Tác dụng phụ
Bromocriptine có thể gây những tác dụng phụ bao gồm
- Tác dụng phụ phổ biến: buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, huyết áp thấp, đau đầu, mệt mỏi
- Tác dụng phụ nghiêm trọng hơn: loạn thần, xơ hóa màng phổi, van tim, tổn thương van tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim
2.4 Triệu chứng quá liều
Các triệu chứng có thể xuất hiện khi dùng quá liều Bromocriptine bao gồm buồn nôn, nôn, táo bón, đổ mồ hôi, da nhợt nhạt, chóng mặt, buồn ngủ, ngáp, lú lẫn, ảo giác, ngất xỉu
2.5 Chống chỉ định
Bromocriptine chống chỉ định trong những trường hợp sau: bệnh nhân đái tháo đường loại 1, ngất và rối loạn tâm thần, bệnh nhân bị chứng đau nửa đầu, người đang cho con bú và các đối tượng đang sử dụng chất ức chế hoặc cảm ứng enzyme CYP3A4 hoặc ở bệnh nhân bị suy gan
3.Tổng quan về Pseudoephedrine
3.1 Nhóm dược lý và công dụng
Pseudoephedrine là một đồng phân lập thể của Ephedrine thuộc nhóm thuốc chủ vận có nguồn gốc từ nhiều loài Ephedra spp thuộc họ Ephedraceae. Pseudoephedrine được sử dụng trong những trường hợp giảm nghẹt mũi do cảm lạnh, dị ứng và sốt và tạm thời làm giảm tắc nghẽn và áp lực xoang. Pseudoephedrine làm giảm các triệu chứng nhưng sẽ không điều trị nguyên nhân gây ra các triệu chứng hoặc tăng tốc độ phục hồi
3.2 Cơ chế tác động
Pseudoephedrine hoạt động chủ yếu như một chất chủ vận của thụ thể alpha adrenergic. Sự chủ vận của các thụ thể adrenergic này tạo ra sự co mạch được sử dụng làm thuốc thông mũi đồng thời cũng đóng vai trò như chất ức chế vận chuyển Norepinephrine, Dopamin và Serotonin.
3.3 Tác dụng phụ
Những tác dụng phụ phổ biến này của pseudoephedrine xảy ra ở hơn 1 trên 100 người bao gồm: nhức đầu, khô miệng, cảm thấy bồn chồn lo lắng hoặc run rẩy, khó ngủ và các tác dụng phụ nghiêm trọng như: nhịp tim nhanh không đều hoặc tim đập thình thịch, đột ngột sốt cao da đỏ hoặc nhiều mụn mủ xuất hiện trên da
3.4 Triệu chứng quá liều
Nên tới gặp bác sĩ hoặc dược sĩ lâm sàng nếu gặp các triệu chứng quá liều bao gồm nhức đầu, chóng mặt, lo lắng, hưng phấn, ù tai, mờ mắt, mất điều hòa, đau ngực, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, tăng hoặc giảm huyết áp, đổ mồ hôi, bí tiểu, buồn nôn và nôn. Ở trẻ em, các triệu chứng thường gặp hơn là khô miệng, đồng tử mở to và cứng, nóng bừng, sốt và rối loạn chức năng đường tiêu hóa
3.5 Chống chỉ định
Pseudoephedrine chống chỉ định sử dụng cho các đối tượng quá mẫn với thuốc, bệnh tim mạch, tăng huyết áp và bệnh động mạch vành, rối loạn chức năng gan nặng, rối loạn chức năng thận vừa hoặc nặng, cường giáp, tăng nhãn áp góc
4.Tương tác giữa Bromocriptine và Pseudoephedrine
4.1 Mức độ tương tác được đánh giá từ nhiều nguồn
Medscape: Nghiêm trọng
Drugs interaction checker: Nghiêm trọng
Drugs bank: Vừa phải
Lexicomp: Vừa phải
4.2 Hậu quả tương tác giữa Bromocriptine và Pseudoephedrine
Khi dùng đồng thời Bromocriptine và Pseudoephedrine cùng lúc có thể xảy ra tương tác dẫn đến co mạch ngoại vi nghiêm trọng, nhịp nhanh thất, co giật và thậm chí có thể tử vong
4.3 Cách xử trí
Sử dụng Bromocriptine cùng với Pseudoephedrine có thể làm thay đổi tác dụng của cả hai loại thuốc. Liên hệ với bác sĩ trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng tăng nhịp tim, co giật, tăng huyết áp hoặc các thay đổi trạng thái tâm thần khác. Điều quan trọng phải thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ lâm sàng tất cả thuốc được chỉ định sử dụng và không đột ngột ngừng sử dụng thuốc khi chưa có sự thông qua của bác sĩ
Leave a Reply