Bài viết nói về quy trình lấy dấu sơ khởi đối với phục hình hàm phủ trên Implant, đồng thời bài viết hướng dẫn cách làm loại khay lấy dấu cá nhân hỗ trợ quá trình lấy dấu phục hình chính xác hơn trên bệnh nhân. Cùng tìm hiểu.
1. Quy trình lấy dấu sơ khởi đối với phục hình hàm phủ trên Implant
Dấu sơ khởi thường được lấy bằng alginate, mục đích lấy dấu là nhằm đổ mẫu sơ khởi để làm khay lấy dấu cá nhân.
Chọn một khay lấy dấu làm sẵn phù hợp sao cho đảm bảo lớp alginate dày tối thiểu 3mm, và đủ rộng để bao phủ hết các vùng mốc giải phẫu chính. Ở hàm dưới, các mốc giải phẫu đó là các ngách môi, ngách má, ngách lưỡi, tam giác hậu hàm, hõm hậu hàm. Ở hàm trên, đó là các ngách môi, ngách má, rãnh chân bướm hàm và vòm khẩu cái. Dấu lõm của trụ lành thương cũng cần phải lấy được để làm khay lấy dấu cá nhân.
Hộp đựng alginate nên được lắc kỹ để bột lấy dấu được đồng nhất. Đong hai thành phần nước và bột bằng dụng cụ đong của nhà sản xuất, ta có thể dùng nước ấm để giảm thời gian đông cứng trên các bệnh nhân có phản xạ nôn mạnh. Cần lưu ý đưa chất lấy dấu vào khay sao cho dấu lấy ra đủ chiều dày mong muốn. Sau khi lấy dấu đạt yêu cầu, dấu sơ khởi được thổi khô, tiệt trùng, bọc trong gạc hoặc khăn giấy ướt và để trong hộp kín.
Hộp polythene là lý tưởng nhất vì nó có thể giữ dấu không bị khô và đủ cứng để tránh cho dấu không bị vỡ khi chuyển đến labo. Dấu alginate nên được đổ mẫu càng sớm càng tốt.
2. Làm khay lấy dấu cá nhân và lấy dấu sau cùng
Khay lấy dấu cá nhân được làm trên mẫu sơ khởi bằng nhựa acrylic hoặc vật liệu quang trùng hợp chuyên dùng để làm khay lấy dấu. Chúng tôi ưa dùng vật liệu polyesther để lấy dấu sau cùng vì nó đủ cứng chắc để giữ được nhiều loại coping lấy dấu khác nhau khi lấy dấu. Vật liệu này đòi hỏi một bề dày khoảng 1.25mm, do đó ta đặt một tấm nền sáp trên mẫu sơ khởi theo bờ viền mong muốn và cắt bỏ một số vùng để tạo điểm chặn trên khay.
Ta đặt thêm một ít sáp quanh abutment để đảm bảo đủ rõ ràng vùng này khi lấy dấu. Trong kỹ thuật khay mở, khay lấy dấu cá nhân được làm có cửa sổ trên abutment và vật liệu làm khay được dựng theo chiều dọc để bao bọc coping lấy dấu sau này.
Khay lấy dấu cá nhân nên được gọt bớt khoảng 1-2mm ở các ngách chức năng và điều chỉnh theo các thành phần lấy dấu để ghi dấu các ngách chức năng.
Hệ thống implant của các hãng sản xuất khác nhau có một số nguyên tắc tương tự nhau khi lấy dấu sau cùng cho hàm phủ trên implant. Kỹ thuật lấy dấu chuẩn cho một hàm phủ có phần kết nối dạng thanh bao gồm việc gắn coping lấy dấu có hình dạng không đều đặn (irregularly) với abutment bởi một chốt nối dài. Khay lấy dấu cá nhân có các cửa sổ để tháo các chốt nối ra sau khi lấy dấu xong. Sau khi chất lấy dấu đã đông cứng, các chốt nối được tháo ra và ta lấy dấu ra khỏi miệng, các coping được giữ chặt trong dấu.
Sau khi tiệt khuẩn, bản sao trên labo của abutment được gắn vào coping qua một chốt nối dài trước khi đổ mẫu. Với kỹ thuật tiêu chuẩn, vị trí của abutment được ghi lại thông qua coping hơn là lấy dấu trực tiếp với abutment trên miệng.Đây cũng là kỹ thuật tương tự như khi phần kết nối là dạng thanh được tiện bằng CAD/CAM.
Với hệ thống kết nối dạng bi, abutment có một đầu bi và được vặn vào implant bằng một cây vặn phù hợp. Abutment dạng bi có cây vặn lồng vào phần bi và ăn khớp với mặt phẳng tương ứng trên cổ láng của implant.
Dấu sau cùng bao gồm các thành phần kết nối và bản sao trên labo của chúng sẽ được gắn vào dấu trước khi đổ mẫu. Kết nối dạng bị của Astra Tech có coping lấy dấu bằng nhựa đặt trùm lên phần bi trước khi lấy dấu và nó sẽ nằm lại trong dấu khi gỡ dấu ra khỏi miệng.
Sau khi lấy dấu sau cùng xong, các abutment dạng thanh, dạng bi và abutment Locator có thể được để nguyên trên implant, tuy nhiên với abutment dạng thanh thì cần có nắp bảo vệ để tránh các mảnh vụn thức ăn, vôi răng không lọt vào lỗ vặn vít (screw hole for the gold cylinders).
Khi này chắc chắn là nền hàm của hàm giả phải được điều chỉnh cho phù hợp với abutment và nắp bảo vệ.
Abutment hay kết nối dạng bi có thể được tháo ra và thay thế bằng trụ lành thương cho đến tận giai đoạn phục hình tiếp theo. Trong trường hợp này, nền hàm sẽ không cần phải điều chỉnh. Khi đó, phần âm (female components) tương ứng của abutment dạng bi hay abutment Locator có thể được chôn vào hàm giả cũ trong giai đoạn chuyển tiếp.
Nguồn: Implant trong thực hành Nha khoa – Richard D. Palmer/Nhóm dịch Saigon Young Dentists Việt Nam
Leave a Reply