Bài viết này nêu lên khái quát các loại Abutment dựa vào đặc điểm phục hình/loại phục hình trên Implant, đồng thời giới thiệu hai loại Abutment cho hai loại cầu răng phổ biến: Cầu răng bắt vít và Cầu răng gắn bằng cement. Cùng tìm hiểu thêm
1. Khái quát các loại Abutment dựa vào đặc điểm phục hình trên Implant
Tương tự như với phục hình răng đơn lẻ, có nhiều loại abutment khác nhau cho phục hình cầu răng trên implant, và kiểu abutment của các hãng được liệt kê ở bảng dưới đây:
2. Abutment cho cầu răng bắt vít
Abutment cho cầu răng có thể là dạng một khối hoặc hai khối, chúng còn được thiết kế để điều chỉnh được sự khác biệt về góc độ giữa các implant. Abutment có một phần đỉnh hội tụ, thường khoảng 20° đến 45°, nhờ vậy theo lý thuyết ta có thể bù được với cả những khác biệt nghiêm trọng về góc độ giữa các implant và giúp nguyên khối sườn có thể đặt khít sát trên đỉnh của các abutment.
Những abutment nguyên bản đầu tiên được thiết kế cho implant (abutment tiêu chuẩn của Nobel Biocare) là các abutment đơn giản có các thành song song và đỉnh phẳng. Cầu răng được thực hiện bắt đầu từ đỉnh của abutment, thiết kế này đặc biệt phù hợp để phục hồi ở hàm dưới, nơi có sự tiêu xương đáng kể và không đòi hỏi thẩm mỹ cao (thường được miêu tả là thiết kế “kiểu giàn khoan dầu”). Với những vùng đòi hỏi thẩm mỹ cao, người ta đã thảo luận về kiểu thiết kế cho phép sườn của cầu răng bao phủ abutment, nghĩa là abutment được giấu phía dưới cầu răng. Phần cổ láng của abutment có chiều cao khác nhau phù hợp với những độ dày mô mềm khác nhau. Chiều cao cổ láng được chọn sao cho cho phép đặt đường hoàn tất dưới nướu nếu cần. Sự biến tấu trong thiết kế còn cho phép thay đổi chiều cao khác nhau của đầu abutment. Trong trường hợp khoảng trống liên hàm giữa đầu implant và răng đối diện nhỏ, có thể sẽ đòi hỏi phải dùng abutment ngắn hơn. Thường không thể phục hồi theo cách thông thường với cầu răng bắt vít trên implant có khoảng trống liên hàm ít hơn 5-6mm. Một cách lý tưởng thì cần ít nhất 2 mm khoảng trống từ vít vặn cầu răng để có thể thực hiện lên đó một phục hình thẩm mỹ.
2.1. Abutment gập góc
Lỗ vặn vít của cầu răng lý tưởng cần thoát ra ngay chính giữa mặt nhai của phục hình. Abutment gập góc được thiết kế để bù lại sự khác biệt về hướng lắp của cầu răng và vít vặn cầu răng so với implant.
Abutment gập góc sẵn có trong khoảng từ 15° đến 35°. Tùy vị trí đặt abutment vào implant, vít vặn cầu răng có thể nằm theo hướng gần cũng như xa. Abutment gập góc có những ống vàng tương ứng. Nếu sử dụng abutment gập góc, thông thường ta cần labo làm một khóa bằng nhựa acrylic để nha sĩ có thể định hướng abutment theo đúng vị trí. Khóa nhựa này có thể bao phủ cả răng bên cạnh hoặc các abutment khác. Khóa này nên được giữ lại phòng trường hợp sau này cần tháo và thay các abutment khác.
3. Các loại Abutment cho cầu răng gắn cement
3.1. Abutment cá nhân
Các abutment này cũng tương tự như loại đã trình bày ở chương 13. Abutment bán sửa soạn, cá nhân hóa hoàn toàn hay abutment CAD/CAM có thể được sửa soạn trên labo sao cho có độ lưu giữ, đường hoàn tất ở vị trí thẩm mỹ, có độ song song chấp nhận được với các abutment khác để cầu răng truyền thống có thể được gắn bằng cement lên các abutment này.
Để thực hiện cầu răng theo cách này, ta cần lấy dấu đầu implant. Chọn abutment tốt nhất bằng cách dùng bộ kit thử, bản sao abutment được đặt lên mẫu hàm làm việc. Nên chọn abutment với các đặc điểm như sau:
- Kích thước và chiều cao của abutment khi đặt lên implant cho phép độ thoát dự kiến của phục hình khi xuyên qua nướu.
- Có đủ khối kim loại ngay dưới viền nướu để cho phép sửa soạn abutment đảm bảo đủ độ dày của đường hoàn tất dưới nướu của cầu răng.
- Có đủ chiều cao của abutment để nâng đỡ đầy đủ cho cầu răng.
- Có đủ khối kim loại ở những vùng sẽ cần phải mài chỉnh đáng kể để cho phép thay đổi góc độ và chiều hướng giữa các implant. Đôi khi tốt hơn là nên chọn một abutment kích thước lớn.
Để đạt được những yêu cầu này, ta thường chọn abutment cá nhân bằng cách dùng kỹ thuật đúc từ mẫu sáp hoặc công nghệ CAD/CAM. Vì implant có thể được định vị chính xác từ mẫu hàm sang miệng nhờ các dấu hiệu trên implant, ta có thể làm phục hình sau cùng trên abutment cá nhân rồi sau đó đặt cả abutment lẫn cầu răng vào trong miệng. Tuy nhiên, nếu cần phải điều chỉnh lại đường viền nướu hoặc nếu implant không có dấu hiệu đặc trưng, abutment cá nhân cần được đặt vào implant bằng một khóa bằng nhựa và xiết chặt vào vị trí. Tốt nhất ta nên gắn cầu răng tạm sau khi gắn abutment, rồi sẽ lấy dấu abutment để làm phục hình sau cùng ở giai đoạn sau. Một số điều chỉnh nhỏ nếu cần có thể được thực hiện an toàn ngay trên miệng bằng tay khoan nhanh, phun nước liên tục.
Nguồn: Implant trong thực hành Nha khoa – Richard D. Palmer/Nhóm dịch Saigon Young Dentists Việt Nam
Leave a Reply