Viêm thực quản có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra: do trào ngược, viêm nhiễm, do hoá chất, do tia xạ, do thuốc và các nguyên nhân không đặc hiệu. Trong bài viết này đề cập cụ thể đặc điểm từng loại viêm thực quản và hình ảnh qua nội soi.
1. Viêm thực quản do viêm nhiễm
1.1. Viêm thực quản do vi khuẩn Do nhiều loại vi khuẩn, khó chẩn đoán nguyên nhân. Hình ảnh nội soi: viêm xuất tiết và sung huyết thực quản, tổn thương thường nặng hơn 1/3 trên thực quản. Cần chẩn đoán phân biệt với viêm thực quản trào ngược hoặc viêm do hóa chất.
1.2. Viêm thực quản do nấm Thực quản là tạng hay bị viêm nhiễm nấm Candida Albicans, thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, ung thư, dùng thuốc chống viêm kéo dài hoặc suy giảm miễn dịch. Hình ảnh nội soi: đám giả mạc trắng bám chắc, rửa không sạch, sung huyết, xuất tiết, thường thấy rõ ở 2/3 dưới thực quản, xét nghiệm nấm để chẩn đoán xác định.
1.3. Viêm thực quản do virus: Herpes, cytomegalovirus.
Hình ảnh nội soi: giai đoạn sớm tổn thương nốt phỏng nước nhỏ dưới 5mm, niêm mạc xung quanh ổ loét sung huyết, niêm mạc giữa các vùng tổn thương bình thường. Giai đoạn sau ổ loét tròn, lồi cao, bờ rõ, đáy có giả mạc trắng vàng, các ổ loét có thể nối lại với nhau thành một đường chạy dọc thực quản. Chú ý nếu có loét trên đường Z cần phân biệt với loét do trào ngược thực quản.
1.4. Viêm thực quản do HIV: thường ổ loét sâu to và không tìm thấy các nguyên nhân nhiễm trùng khác. Khó phân biệt với tổn thương loét nguyên nhân do Cytomegalovirus.
2. Viêm thực quản do hóa chất
2.1. Viêm thực quản do acid và bazơ
Chất acid và bazơ thường làm tổn thương hoại tử chảy máu lớp niêm mạc. Chất Bazơ làm tổn thương sâu và nhanh có thể gây thủng thực quản.
Nếu trên lâm sàng và chụp x quang thực quản không có các biến chứng như thủng thực quản, viêm trung thất, viêm màng bụng sẽ tiến hành nội soi thực quản vì trên phim chụp x quang thực quản không thể đánh giá được chính xác tổn thương ở thực quản. Khi tiến hành soi cần hết sức nhẹ nhàng, không bơm hơi nhiều. Nếu soi được trong vòng 24 giờ thì đánh giá mức độ tổn thương thực quản chính xác hơn là soi sau 24 giờ.
Nội soi đánh giá theo độ như sau:
- Độ 1: sung huyết đỏ, phù nề, không có dịch xuất tiết và loét, không có chảy máu, tổn thương độ 1 không gây biến chứng hẹp.
- Độ 2: Viêm sung huyết có nhiều trợt và dịch xuất tiết, dễ chảy máu khi chạm máy vào.
- Độ 3: loét, xuất tiết nhiều mà chảy máu hoại tử niêm mạc, có nguy cơ bong lớp niêm mạc biến chứng viêm trung thất, viêm màng bụng, viêm phổi, tràn dịch màng phổi, rò thực quản – phế quản.
Khi soi cần chú ý bơm ít hơi, thao tác nhẹ nhàng có thể chụp x quang thực quản sau vài ngày.
Nếu có hẹp thực quản sẽ tiến hành nong thực quản qua nội soi sau 2 tuần hoặc đặt stent để phòng hẹp thực quản.
2.2. Viêm thực quản do thuốc
Có khoảng 25 loại thuốc gây viêm thực quản, những loại thuốc hay gây viêm là: tetracyclin, doxycylin, bromma, quinidin, acid ascorbic. Thường là thuốc dưới dạng viên nén, viên nang đi qua thực quản chậm do tư thế nằm, do uống ít nước trên những bệnh nhân có bệnh lý hẹp, tắc hoặc rối loạn vận động thực quản, thuốc thường mắc ở đoạn giữa nơi có cung động mạch chủ đè vào.
Triệu chứng đau sau ức, nuốt khó.
Những hình ảnh tổn thương qua nội soi: sung huyết, xuất tiết, trợt, loét. Những tổn thương này không đặc hiệu. Dấu hiệu quan trọng là thấy viên thuốc còn mắc lại trên chổ hẹp hoặc trợt, loét ngay trên chổ hẹp. Thành phần của thuốc và thời gian tiếp xúc của thuốc với niêm mạc thực quản ảnh hưởng tới mức độ tổn thương của niêm mạc.
Những bệnh nhân có hẹp thực quản và có rối loạn vận động thực quản nên uống thuốc dạng nước, hoặc uống nhiều nước ở tư thế ngồi khi uống thuốc để tránh thuốc mắc ở thực quản
Cần phát hiện hẹp thực quản do khối u ác tính bằng sinh thiết qua nội soi.
2.3. Viêm thực quản do tia xạ
Do điều trị ung thư phế quản, ung thư vú, ung thư thực quản, ung thư tuyến tiền liệt bằng tia xạ.
Triệu chứng: nuốt khó, nuốt đau, đau ngực.
Tổn thương qua nội soi: viêm thực quản do nấm, do Virus Herpes hoặc cả 2 nguyên nhân, niêm mạc sung huyết, xuất tiết, trợt. Sau vài năm có thể thấy giãn mạch trên vùng chiếu tia.
Nếu tổn thương đang ở giai đoạn cấp tính thì phải giảm liều tia xạ, thay đổi chế độ ăn, dùng thuốc giảm đau.
Nếu có hẹp thực quản tiến hành nong thực quản qua nội soi.
2.4. Viêm thực quản do ứ trệ thức ăn
Do hẹp thực quản nên thức ăn ứ đọng gây viêm sung huyết, trợt, loét. Tổn thương thường thấy 1/3 dưới thực quản vì thức ăn đọng ở đây lâu nhất
3. Viêm thực quản trào ngược
3.1. Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản
Là hiện tượng các chất dịch chứa trong dạ dày thoát qua tâm vị lên thực quản. nếu hiện tượng này xảy ra thường xuyên và kéo dài sẽ gây ra bệnh và gọi là bệnh trào ngược thực quản – dạ dày.
Chẩn đoán bằng phương pháp nội soi: đánh giá tổn thương và các biến chứng, làm sinh thiết khi có nghi ngờ và chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác ở thực quản.
Phân loại của LOS ANGELES
- Độ A: tổn thương một hay nhiều vết trợt nhưng không kết nối với nhau, tổn thương nằm trên đường Z.
- Độ B: tổn thương trợt hay loét trợt chiếm 10% bề mặt niêm mạc, tổn thương nằm trên đường Z.
- Độ C: tổn thương trợt hay loét trợt chiếm 10 – 50 % bề mặt niêm mạc và lên cao trên đường Z khoảng 5 cm, hoặc có tổn thương loét đường kính 3 – 5 mm.
- Độ D: loét trợt nông chiếm hơn 50% bề mặt niêm mạc hoặc có loét đường kính trên 5 mm, có viêm giả polyp, cần sinh thiết để chẩn đoán phân biệt tổn thương lành hay ác tính.
Khi trào ngược dạ dày – thực quản kéo dài sẽ có hiện tượng dị sản ở đoạn cuối của thực quản gọi là thực quản Barrett, lớp biểu mô vẩy của thực quản được thay thế bằng lớp biểu mô của dạ dày hoặc đôi khi là lớp biểu mô của ruột.
Trên nội soi thấy niêm mạc đỏ rực lan lên phía trên của đường Z, xâm lấn lên thực quản, trông như một cái lưỡi đỏ. Trên đám loạn sản của thực quản Barrett có thể có loét. Biến chứng của thực quản Barrett là ung thư hóa.
Viêm thực quản trào ngược có thể làm hẹp thực quản do viêm, sẹo, xơ. Chít hẹp hoàn toàn máy không qua được hoặc chít hẹp không hoàn toàn máy còn qua được nhưng khó khăn. Cần phân biệt với màng ngăn Schatzki, vòng này do lớp biểu mô vẩy của thực quản tạo ra ngay trên đường Z, đặc biệt khi bệnh này có phối hợp với bệnh trào ngược dạ dày thực quản, màng này có bề dày không quá 4mm.
Nếu có biến chứng hẹp thực quản gây nuốt khó hoặc nuốt nghẹn cần nong thực quản qua nội soi. Viêm thực quản trào ngược có thể kết hợp với thoát vị hoành.
3.2. Viêm thực quản trào ngược do dịch kiềm
Do trào ngược dịch tá tràng vào thực quản sau mổ nối thực quản – tá tràng, thực quản – hỗng tràng hoặc trên bệnh nhân bị thiểu toan, vô toan.
- Nếu sau cắt dạ dày viêm trào ngược thực quản do dịch kiềm thường kết hợp với trào ngược do acid.
- Hình ảnh nội soi: trợt, sung huyết, dễ chảy máu khi chạm vào, xuất tiết và có thể hẹp. Tổn thương thường ở chổ nối thực quản – tá tràng hay thực quản – hỗng tràng.
- Điều trị: thuốc trung hòa acid mật, cholestyramin, thuốc bảo vệ niêm mạc.
- Chỉ định ngoại khoa khi điều trị nội thất bại bằng phương pháp nối mật ruột kiểu Roux-en-Y.
4. Viêm thực quản không đặc hiệu
4.1. Viêm thực quản thâm nhiễm tế bào ái toan: thường 50% bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thức ăn.
Triệu chứng nuốt khó do rối loạn vận động thực quản hay do hẹp thực quản. Kèm theo các triệu chứng ở ruột như chảy máu, kém hấp thu. Hình ảnh nội soi: loét thực quản, hẹp thực quản có nhiễm tế bào ưa acid xâm nhập vào lớp niêm mạc và lớp dưới niêm mạc.
Điều trị bằng corticoides, nếu có hẹp thực quản điều trị bằng phương pháp nong thực quản qua nội soi.
4.2. Bong biểu bì bọng nước: là bệnh di truyền, có những bọng nước dưới biểu mô, tổn thương có thể thấy ở bất cứ tạng nào trong cơ thể trong đó có thực quản.
Chụp thực quản có uống baryte thấy: rối loạn co bóp, bọng nước, loét hoặc hẹp.
Biến chứng thủng, chảy máu và ung thư. Nếu gặp ở trẻ sơ sinh gây suy dinh dưỡng. Nội soi thực quản khi bệnh ổ định.
Tài liệu tham khảo:
- Nội soi tiêu hoá. Bệnh viện Bạch Mai.
- Jean Macr Canard (2011), Gastrointestinal Endoscopy in practice. Elsevier Churchill Livingstone.
Leave a Reply