Tổng quan về tràn khí màng phổi dưới áp lực

Tràn khí màng phổi dưới áp lực là tình trạng hiếm nhưng nguy hiểm, gây ra sự dịch chuyển của các cơ quan trong lồng ngực và có thể dẫn đến tử vong. Triệu chứng bao gồm đau ngực, khó thở và mệt mỏi. Điều trị kịp thời là cần thiết để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

1. Giới thiệu

Tràn khí màng phổi là tình trạng không khí bị tích tụ lại trong khoang màng phổi. Điều này gây áp lực lên phổi và có thể dẫn đến xẹp phổi và dịch chuyển các cấu trúc xung quanh. Tràn khí màng phổi có thể xảy ra do bệnh lý hoặc sau chấn thương.

Tràn khí màng phổi được phân thành 3 loại, bao gồm tràn khí màng phổi đơn thuần (không có sự thay đổi cấu trúc trung thất), tràn khí màng phổi dưới áp lực (có sự thay đổi cấu trúc trung thất), hoặc tràn khí màng phổi mở (không khí đi qua vết thương hở ở ngực). Tràn khí màng phổi dưới áp lực là một tình trạng hiếm gặp với diễn biến ác tính có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị. Đây là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi không khí bị mắc kẹt trong khoang màng phổi dưới áp suất dương, làm dịch chuyển các cấu trúc trung thất và ảnh hưởng đến chức năng tim phổi.

2. Nguyên nhân dẫn đến tràn khí màng phổi dưới áp lực

Tràn khí màng phổi dưới áp lực có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Các nguyên nhân đó được phân thành 3 nhóm chính:

Do điều trị

  • Đặt ống tĩnh mạch trung tâm trong tĩnh mạch dưới đòn hoặc tĩnh mạch cảnh trong
  • Sinh thiết phổi.
  • Chọc dò màng phổi.
  • Nội soi phế quản.
  • Hồi sức tim phổi.
  • Mở khí quản qua da.

Không do điều trị: các nguyên nhân bao gồm các chấn thương bên ngoài

  • Vết thương xuyên thấu.
  • Gãy xương sườn.

Các nguyên nhân khác:

  • Tràn khí màng phổi tự phát vô căn.
  • Tràn khí màng phổi mở.

3. Chẩn đoán tràn khí màng phổi dưới áp lực

3.1 Triệu chứng lâm sàng

Bệnh nhân bị tràn khí màng phổi có thể không có triệu chứng hoặc có triệu chứng. Ví dụ, trong một tràn khí màng phổi nhỏ, nhiều bệnh nhân có thể sẽ không có triệu chứng trên lâm sàng. Tuy nhiên, tràn khí màng phổi dưới áp lực thường có các triệu chứng và các đặc điểm ấn tượng hơn tràn khí màng phổi tự phát. Các triệu chứng đó bao gồm:

  • Cơn đau nhói kiểu màng phổi có thể lan ra lưng hoặc vai cùng bên.
  • Dấu hiệu suy hô hấp: tăng nhịp thở, khó thở, co rút.
  • Nghe phổi: nghe rì rào phế nang giảm, rung thanh giảm, gõ vang (tam chứng galliard).
  • Huyết động không ổn định: hạ huyết áp, nhịp tim nhanh.
  • Tĩnh mạch cổ nổi, tím tái.
  • Tràn khí dưới da (ít gặp).
  • Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể suy hô hấp cấp tính và có thể ngừng tim.
  • Bệnh nhân có thể có tiền sử tràn khí màng phổi trước đó.

Các đánh giá lâm sàng này cần phải thực hiện nhanh chóng để đưa ra chẩn đoán sớm, tránh trì hoãn điều trị, từ đó sẽ giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

3.2 Các dấu hiệu trên chẩn đoán hình ảnh

Việc đánh giá, tiên lượng bệnh nhân trong bước đầu nhằm mục đích xác định tình trạng ổn định của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân chưa ổn định, siêu âm tại giường nên được dùng như một phương tiện để xác định chẩn đoán. Trường hợp, nếu tình trạng bệnh nhân ổn đinh về mặt huyết động, chụp XQ ( X quang )  ngực được sử dụng để đánh giá ban đầu cho bệnh nhân. Trên hình ảnh XQ ( X quang )  ngực có thể thấy các dấu hiệu sau:

  • Xóa dấu phổi xa ở rìa màng phổi tạng

  • Xẹp phổi hoàn toàn cùng bên.

  • Trung thất bị đẩy sang bên phổi lành.

  • Khí phế thũng dưới da.

  • Lệch khí quản sang bên đối diện.

  • Vòm hoành cùng bên bị đẩy xuống dưới.

Chụp cắt lớp vi tính ngực có thể được thực hiện nếu chẩn đoán không rõ ràng trên X-quang. Đây là phương tiện chẩn đoán hình ảnh đáng tin cậy nhất để chẩn đoán tràn khí màng phổi, nhưng nó không được khuyến khích sử dụng thường quy.

3.3 Chẩn đoán phân biệt

  • Thuyên tắc phổi
  • Hội chứng mạch vành cấp tính
  • Bóc tách động mạch chủ cấp tính
  • Nhồi máu cơ tim
  • Viêm phổi
  • Viêm màng ngoài tim cấp tính
  • Gãy xương sườn
  • Chấn thương cơ hoành

4. Hướng dẫn xử trí

  • Bệnh nhân bị chấn thương ngực
    • Đánh giá đường thở, hô hấp và tuần hoàn
    • Che vết thương ngực xuyên thấu bằng băng kín khí và tấm nhựa sạch
    • Thở oxy bổ sung 100%
    • Ban đầu tránh thông khí áp lực dương
    • Có thể thông khí áp lực dương sau khi chọc hút khí khoang màng phổi
  • Bệnh nhân huyết động không ổn định
    • Giải nén kim ngay lập tức
    • X-quang ngực sau khi giải nén kim
    • Đặt ống ngực hút khí khoang màng phổi
    • Nếu giải nén kim không thành công: Phẫu thuật nội soi lồng ngực.
  • Bệnh nhân huyết động ổn định
    • Hình ảnh chẩn đoán có thể được thực hiện trước khi điều trị.
giải nén kim màng phổi sau tràn khí màng phổi dưới áp lực
Giải nén màng phổi sau tràn khí màng phổi dưới áp lực

5. Các biến chứng

Tràn khí màng phổi dưới áp lực là một bệnh lý nguy hiểm có thể gây tử vong. Các biến chứng có thể gặp bao gồm:

  • Suy hô hấp, ngừng hô hấp
  • Ngừng tim
  • Tràn khí màng ngoài tim
  • Lỗ rò phế quản phổi
  • Đau và nhiễm trùng da tại vị trí mở ngực
  • Viêm mủ màng phổi
  • Tràn mủ màng phổi

Tóm lại, tràn khí màng phổi dưới áp lực là một bệnh lý nguy hiểm. Bệnh được chẩn đoán xác định thông qua các triệu chứng lâm sàng và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Từ đó, đánh giá được tình trạng của bệnh nhân để có hướng xử trí kịp thời, tránh các biến chứng sau đó.

Tài liệu tham khảo:

  • Jalota Sahota R, Sayad E. Pneumothorax sous tension. [Mise à jour le 2022 novembre 28]. Dans : StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2022 janvier
  • MacDuff A, Arnold A, Harvey J. Prise en charge du pneumothorax spontané : Directive 2010 sur la maladie pleurale de la British Thoracic Society. Thorax. 2010;65(Suppl 2):ii18.
  • Paramasivam E, Bodenham A. Fuites d’air, pneumothorax et drains thoraciques. Formation continue en anesthésie, soins intensifs et douleur. 2008;8(6):204-9.

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *