Tiếp cận chẩn đoán lâm sàng Sốt xuất huyết – Bộ Y tế

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 type huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.

minh-hoa-sot-xuat-huyet

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

1. Diễn biến lâm sàng sốt xuất huyết Dengue

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

1.1. Giai đoạn sốt

1.1.1 Lâm sàng

– Sốt cao đột ngột, liên tục.

– Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

– Da xung huyết.

– Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

– Nghiệm pháp dây thắt dương tính.

– Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

1.1.2. Cận lâm sàng

– Hematocrit (Hct) bình thường.

– Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc giảm dần (nhưng còn trên 100.000/mm3).

– Số lượng bạch cầu thường giảm.

1.2. Giai đoạn nguy hiểm:

Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh

1.2.1. Lâm sàng

  1. a) Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt.
  2. b) Có thể có các biểu hiện sau:

– Đau bụng nhiều: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan.

– Vật vã, lừ đừ, li bì.

– Gan to > 2cm dưới bờ sườn, có thể đau.

– Nôn ói.

– Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ).

+ Tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt.

+ Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20mmHg hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.

– Xuất huyết.

+ Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím.

+ Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.

+ Xuất huyết nặng: chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận), thường kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng. Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày-tá tràng, viêm gan mạn.

– Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.

+ Tổn thương gan nặng/suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000U/L.

+ Tổn thương/suy thận cấp.

+ Rối loạn tri giác (sốt xuất huyết Dengue thể não).

+ Viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.

1.2.2. Cận lâm sàng

– Cô đặc máu khi Hematocrit tăng > 20% so với giá trị ban đầu của người bệnh hoặc so với giá trị trung bình của dân số ở cùng lứa tuổi.

Ví dụ: Hct ban đầu là 35%, SXHD có tình trạng cô đặc máu khi Hct hiện tại đo được là 42% (tăng 20% so với ban đầu).

– Số lượng tiểu cầu giảm (<100.000/mm3)

– AST, ALT thường tăng.

– Trường hợp nặng có thể có rối loạn đông máu.

– Siêu âm hoặc X quang có thể phát hiện tràn dịch màng bụng, màng phổi.

1.3. Giai đoạn hồi phục:

Thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh

1.3.1. Lâm sàng

– Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều.

– Có thể phát ban hồi phục hoặc ngứa ngoài da.

– Có thể có nhịp tim chậm, không đều, có thể có suy hô hấp do quá tải dịch truyền.

1.3.2. Cận lâm sàng

– Hematocrit trở về bình thường hoặc có thể thấp hơn do hiện tượng pha loãng máu khi dịch được tái hấp thu trở lại.

– Số lượng bạch cầu máu thường tăng lên sớm sau giai đoạn hạ sốt.

– Số lượng tiểu cầu dần trở về bình thường, muộn hơn so với số lượng bạch cầu.

– AST, ALT có khuynh hướng giảm.

2. Chẩn đoán và phân độ sốt xuất huyết

2.1. Bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ (theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2009)

– Sốt xuất huyết Dengue.

– Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.

– Sốt xuất huyết Dengue nặng.

Phụ lục 2: Phân độ sốt xuất huyết Dengue.

Lưu ý: Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy khi thăm khám cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.

2.2. Chẩn đoán căn nguyên vi rút Dengue

2.2.1. Xét nghiệm huyết thanh

– Xét nghiệm nhanh: tìm kháng nguyên NS1

– Xét nghiệm ELISA: tìm kháng thể IgM, IgG từ ngày thứ 5 của bệnh.

2.2.2. Xét nghiệm PCR, phân lập vi rút: lấy máu trong giai đoạn sốt (thực hiện ở các cơ sở xét nghiệm có điều kiện).

2.3. Chẩn đoán phân biệt

– Sốt phát ban do vi rút.

– Tay chân miệng.

– Sốt mò.

– Sốt rét.

– Nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, não mô cầu, vi khuẩn gram âm, …

– Sốc nhiễm khuẩn.

– Các bệnh máu.

– Bệnh lý ổ bụng cấp,…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *