Loét dạ dày tá tràng mạn là một bệnh lý liên quan đến dạ dày và tá tràng, gây ra các vết loét hoặc tổn thương trên bề mặt niêm mạc. Điều trị loét dạ dày tá tràng mạn có thể bao gồm sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh và thuốc giảm tiết acid dạ dày; tuy nhiên, trong trường hợp nghiêm trọng có thể cần đến phẫu thuật. Phẫu thuật nội soi cắt dạ dày là một phương pháp điều trị loét dạ dày tá tràng mạn bằng cách cắt bỏ một phần của dạ dày bị tổn thương.
1. Nguyên lý của phương pháp
Cắt bỏ vùng phản xạ tiết axit của dạ dày, vùng hang môn vị, vùng thân vị bằng phẫu thuật nội soi đảm bảo 2 yêu cầu:
– Loại bỏ ổ loét và cắt phần dạ dày sinh bệnh loét.
– Lập lại lưu thông tiêu hóa bằng miệng nối giữa đoạn dạ dày còn lại với quai đầu tiên của hỗng tràng, kiểu Polya hoặc Finsterer.
Một số trường hợp do ổ loét sâu ở D2 hoặc D3, có thể cắt 2/3 dạ dày để lại ổ loét.
2. Chỉ định
– Loét dạ dày tá tràng mạn tính gây biến chứng: hẹp môn vị, chảy máu tiêu hóa nhiều lần, thủng ổ loét.
– Loét dạ dày tá tràng mạn điều trị nội khoa không đỡ.
3. Chống chỉ định
3.1. Chống chỉ định của mổ cắt dạ dày:
– Loét dạ dày tá tràng nhưng chưa điều trị nội đúng kế hoạch, chưa có biến chứng hẹp, xuất huyết tiêu hóa, chưa thủng.
– Người bệnh thể trạng yếu hay kèm bệnh nặng cấp.
3.2. Chống chỉ định của phẫu thuật nội soi:
– Tiền sử mổ viêm phúc mạc, tắc ruột.
– Cổ trướng tự do hoặc cổ trướng khu trú.
– Thoát vị thành bụng, thoát vị rốn.
– Nhiễm khuẩn tại chỗ thành bụng.
– Bệnh lý rối loạn đông máu.
4. Chuẩn bị
4.1. Người bệnh
– Làm các xét nghiệm cơ bản máu và nước tiểu, chụp và soi thực quản dạ dày, tá tràng.
– Bù dịch, điện giải, protit, số lượng hồng cầu thiếu. Chuẩn bị mổ:
– Rửa dạ dày nếu có hẹp môn vị. Vệ sinh răng miệng, làm hàm giả nếu không còn răng. Thụt tháo trước phẫu thuật và kháng sinh dự phòng.
4.2. Phương pháp gây mê: mê nội khí quản
4.3. Phương tiện, dụng cụ
– Bộ trang thiết bị đồng bộ mổ nội soi.
– Máy cắt, nối trong mổ nội soi dùng 1 lần.
5. Các bước tiến hành
5.1. Tư thế người bệnh
Người bệnh nằm ngửa, đặt ống sonde dạ dày trước mổ. Người bệnh năm ở tư thế đầu cao chân thấp một góc 30 độ so với mặt phẳng nằm ngang. Hai chân dạng một góc 90 độ.
5.2. Vị trí và phương tiện của nhóm mổ:
– Màn hình chính và các thiết bị trên xe đẩy ngang vị trí vai trái của người bệnh, màn hình phụ đặt bên phải.
– Người thực hiện đứng giữa 2 chân người bệnh, người cầm camera đứng bên trái người bệnh, người phụ và đưa dụng cụ đứng bên phải người bệnh.
5.3. Vị trí trocar:
– Bơm hơi vào ổ bụng bằng phương pháp bơm hơi mở kiểu Hasson, áp lực khí trong ổ bụng duy trì 12mmHg.
– Thông thường đặt 4 trocar, trocar đầu dành cho ống soi đặt cạnh rốn, ống soi 10mm, nghiêng 30 độ thường được sử dụng. Trocar 10mm đặt bên phải mũi ức dành cho que gạt để vén gan trái lên bộc lộ mặt trước dạ dày. Hai trocar thao tác đặt ở trên đường vú bên phải dưới bờ sườn 5 cm và ở đường nách trước trái ngang rốn.
5.4. Phẫu thuật:
– Thì I: Thăm dò,đánh giá thương tổn. Thăm dò đánh giá tình trạng ổ loét, kiểm tra các tạng khác trong ổ bụng.
– Thì II: Giải phóng bờ cong lớn dạ dày cắt bỏ và phẫu tích bờ cong nhỏ của dạ dày.
– Thì III: phẫu tích bó mạch môn vị, cặp bằng clip hay thắt chỉ.
– Thì IV: Cắt và đóng mỏm tá tràng bằng máy cắt với đạn dùng cho đường tiêu hóa.
– Thì V: Phẫu tích, cặp clip, cắt, hoặc buộc chỉ chắc động mạch vành vị.
– Thì V: Cắt phần dạ dày bằng máy cắt, dùng khoảng 2 đạn cho đường tiêu hóa.
– Thì VI: Lập lại lưu thông tiêu hóa bằng cách nối mổ dạ dày dạ dày hỗng tràng kiểu finsterer bằng máy hoặc khâu tay qua nội soi.
– Thì VII: Kiểm tra, lấy bệnh phẩm và đóng các lỗ trocar.
6. Theo dõi và chăm sóc sau phẫu thuật
– Truyền dịch ngày đầu sau phẫu thuật.
– Có thể uống nước sau 24 giờ.
– Điều trị kháng sinh theo phác đồ.
– Rút dẫn lưu theo từng trường hợp cụ thể.
7. Xử lý tai biến
– Chảy máu lách: Cầm máu bảo tồn. Nếu cầm máu bảo tồn không thành công, việc cắt lách có thể là cách duy nhất để kiểm soát chảy máu lách. Cắt lách là một phương pháp phẫu thuật để cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ của lách.
– Tổn thương đường mật: Khâu phục hồi, dẫn lưu ống Kehr.
– Lộ bóng Vater, cắt phải bóng Vater: Tạo hình
– Cắt phải cuống gan: Phục hồi tĩnh mạch của trước, động mạch gan (có thể thắt) và phục hồi đường mật sau cùng.
Tóm lại, phẫu thuật nội soi cắt dạ dày thường được đề xuất cho những bệnh nhân có loét dạ dày tá tràng mạn nghiêm trọng, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc có nguy cơ gây ra biến chứng nghiêm trọng như chảy máu tiêu hóa hoặc thủng dạ dày. Quyết định chọn phương pháp điều trị nào phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân cần được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và xác định các yếu tố liên quan như tình trạng sức khỏe chung, lịch sử bệnh và khả năng chịu đựng của bệnh nhân.
Nguồn tham khảo: Bộ Y tế
Leave a Reply