Chẩn đoán hen phế quản theo GINA 2019

Hen phế quản (HPQ) là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan toả cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về chẩn đoán hen phến quản theo GINA 2019.

Hình ảnh minh họa bệnh nhân hen phế quản
Hình ảnh minh họa bệnh nhân hen phế quản

1. Chẩn đoán

1.1. Triệu chứng lâm sàng

– Khó thở, khò khè, thở rít, đặc biệt thì thở ra;

– Thời điểm xuất hiện cơn khó thở: về đêm, theo mùa, sau một số kích thích (cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi);

– Tiền sử có cơn khó thở kiểu hen: ho khạc đờm, khó thở, cò cử, nặng ngực, nghe phổi có ran rít, ran ngáy;

– Tiền sử bản thân: viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thuốc, thức ăn;

– Tiền sử gia đình có người mắc hen phế quản và/ hoặc các bệnh dị ứng;

– Cần lưu ý loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng giống hen phế quản như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản, viêm phế quản co thắt ….;

– Khẳng định chẩn đoán nếu thấy cơn hen phế quản với các dấu hiệu đặc trưng:

+ Tiền triệu: hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ…

+ Cơn khó thở: lúc bắt đầu khó thở chậm, ở thì thở ra, có tiếng cò cứ người khác cũng nghe được, khó thở tăng dần, sau có thể khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói từng từ hoặc ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5- 15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Cơn khó thở giảm dần và kết thúc với ho và khạc đờm. Đờm thường trong, quánh, dính. Khám trong cơn hen thấy có ran rít, ran ngáy lan toả 2 phổi.

1.2. Cận lâm sàng

Đo chức năng thông khí phổi

– Khi đo với hô hấp ký:

+ Đo ngoài cơn: kết quả chức năng thông khí (CNTK) phổi bình thường;

+ Trường hợp đo trong cơn: rối loạn thông khí (RLTK) tắc nghẽn phục hồi hoàn toàn với thuốc giãn phế quản: chỉ số FEV1/FVC ≥ 75% sau hít 400μg salbutamol;

– Sự biến đổi thông khí đo bằng lưu lượng đỉnh kế: lưu lượng đỉnh (LLĐ) tăng > 15% sau 30 phút hít 400μg salbutamol. LLĐ biến thiên hơn 20% giữa lần đo buổi sáng và chiều cách nhau 12 giờ ở người bệnh dùng thuốc giãn phế quản (hoặc hơn 10% khi không dùng thuốc giãn phế quản), hoặc LLĐ giảm hơn 15% sau 6 phút đi bộ hoặc gắng sức.

1.3. Chẩn đoán xác định

Hen phế quản là bệnh biến đổi (không đồng nhất), được đặc trưng bởi tình trạng viêm đường hô hấp mạn tính.

Hai đặc điểm cơ bản của hen phế quản

– (1) Bệnh sử của các triệu chứng hô hấp như thở khò khè, khó thở, tức ngực và ho. Các biểu hiện bệnh biến đổi theo thời gian, mức độ nặng, VÀ

– (2) Giới hạn luồng khí thở ra biến đổi, được khẳng định ít nhất một lần.

Lưu đồ chẩn đoán hen phế quản trên lâm sàng theo GINA (2019)

Lưu ý: Chẩn đoán hen phế quản nên dựa trên những thông tin ghi nhận của bệnh nhân và nên được thực hiện trước khi bắt đầu điều trị kiểm soát hen. Việc khẳng định chẩn đoán hen trở nên khó hơn nhiều sau khi bệnh nhân đã điều trị kiểm soát.

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán hen phế quản

Bảng: Những đặc điểm dùng trong chẩn đoán hen theo GINA (2019)

1. Tiền sử có các triệu chứng hô hấp thay đổi
Các triệu chứng điển hình là thở khò khè, khó thở, nặng ngực và ho.

– Người bị hen thường có nhiều hơn một trong các triệu chứng nêu trên;

– Các triệu chứng biến đổi theo thời gian và cường độ;

– Các triệu chứng thường xảy ra hoặc nặng hơn vào ban đêm hay lúc thức giấc;

– Các triệu chứng thường khởi phát khi gắng sức, cười lớn, tiếp xúc các dị nguyên hay không khí lạnh;

– Các triệu chứng thường xảy ra hoặc trở nên xấu đi khi nhiễm vi rút.

2. Bằng chứng giới hạn luồng khí thở ra biến đổi
– It nhất một lần trong quá trình chẩn đoán có FEV1 thấp, ghi nhận tỉ lệ FEV1/FVC thấp hơn giá trị bình thường thấp. Tỉ lệ FEV1/FVC bình thường lớn hơn 0,75-0,80 đối với người lớn và hơn 0,85 đối với trẻ em.

– Ghi nhận biến đổi chức năng hô hấp cao hơn ở người khỏe mạnh. Ví dụ:

+ FEV1 tăng hơn 12% và 200mL so với giá trị ban đầu (ở trẻ em, >12% giá trị dự đoán) sau khi hít thuốc giãn phế quản. Được gọi là “giãn phế quản hồi phục”.

+ Trung bình hằng ngày LLĐ thay đổi >10% (ở trẻ em, >13%)

+ FEV1 tăng hơn 12% và 200mL so với giá trị ban đầu (ở trẻ em, >12% giá trị dự đoán) sau 4 tuần điều trị bằng thuốc kháng viêm (ngoài các đợt nhiễm trùng hô hấp)

– Sự thay đổi vượt mức càng lớn trong nhiều lần đánh giá thì việc chẩn đoán hen phế quản càng chắc chắn hơn.

– Việc thăm dò nên được lặp lại trong khi có các triệu chứng, vào sáng sớm hay sau khi sử dụng các thuốc giãn phế quản.

– Hồi phục phế quản có thể không thấy trong đợt cấp nặng hay nhiễm vi rút. Nếu hồi phục phế quản không thấy trong thăm dò chức năng hô hấp lần đầu, thì bước tiếp theo phụ thuộc vào tính cấp bách của lâm sàng và sự sẵn có của các thăm dò khác.

– Làm thêm các thăm dò khác để hỗ trợ chẩn đoán, bao gồm cả thử nghiệm gây co thắt phế quản.

3. Các bước tiến hành để chẩn đoán hen phế quản

– Khai thác bệnh sử và tiền sử gia đình: thời điểm và cách khởi phát của các triệu chứng hô hấp, tiền sử mắc các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, chàm cơ địa của người bệnh hoặc gia đình

– Khám thực thể: phát hiện tiếng ran rít, ran ngáy thì thở ra khi nghe phổi hoặc các dấu hiệu của bệnh lý mắc kèm như viêm mũi dị ứng hoặc polyp mũi.

– Đo hô hấp ký để ghi nhận giới hạn luồng khí thở ra dao động

– Các xét nghiệm khác:

+ Test kích thích phế quản: dùng để đánh giá sự tăng tính phản ứng của đường thở. Các tác nhân kích thích bao gồm methacholine hít, histamine, vận động, tăng thông khí tự ý với CO2 máu bình thường hoặc mannitol hít.

+ Thử nghiệm dị ứng: test lẩy da hoặc định lượng nồng độ immunoglobulin E (lgE) Đặc hiệu trong huyết thanh với các dị nguyên hô hấp thông thường để phát hiện tình trạng quá mẫn với các dị nguyên này.

+ Đo nồng độ Oxit Nitric trong khí thở ra (FENO).

Nguồn tham khảo : Phác đồ chẩn đoán hen GINA (2019)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *