Một trong những vấn đề cần lưu tâm đến sau khi tiến hành phẫu thuật cắm Implant cho bệnh nhân chính là lựa chọn Abutment phù hợp, nhằm thuận lợi trong quá trình phục hình về sau. Bài viết này giới thiệu các loại Abutment trên lâm sàng, đồng thời phân tích kỹ về loại Abutment tuỳ biến trong Implant nha khoa. Cùng tìm hiểu.
1. Các loại Abutment trên lâm sàng
Các hãng implant sản xuất nhiều loại abutment khác nhau để phục hình một răng đơn lẻ. Abutment kết nối mão răng với implant và chống xoay giữa các thành phần. Nhiều loại abutment khác nhau được sử dụng tùy theo các yếu tố như vị trí implant, góc độ, độ sâu, đường viền mô mềm sao cho kết quả sau cùng vẫn đạt được thẩm mỹ. Phục hình sau cùng cần có hình dạng đúng để nâng đỡ và tạo dạng cho mô mềm. Điều này đòi hỏi sự chuyển tiếp từ đường kính 4mm của implant tiêu chuẩn đến phần cổ rộng 7mm của răng cửa giữa trong một khoảng dọc chỉ vài milimet.
Abutment cần chống chịu tốt với các lực nén, lực căng, lực xoắn do đó không được nối liền abutment với các implant hay các răng khác. Thường có rất ít trường hợp có thể để phục hình lộ kim loại ở đường viền nướu, do đó cần điều chỉnh thiết kế abutment để đặt đường hoàn tất cho thẩm mỹ. Phần lớn các phục hình đơn lẻ vùng răng trước được gắn bằng cement lên abutment, điều này sẽ giải quyết được các vấn đề có thể xảy ra với hướng lắp ở mặt ngoài.
Abutment cho phục hình răng đơn lẻ gồm các nhóm sau:
• Abutment tiêu chuẩn (làm sẵn)
• Abutment bán điều chỉnh
• Abutment tùy biến/tuỳ biến hoàn toàn (abutment cá nhân)
• Abutment CAD/CAM
• Abutment có thể sửa soạn
• Abutment cho mão răng bắt vít
Abutment cũng có thể phân loại theo vật liệu chế tạo như vàng, titanium và sứ. Một số abutment riêng biệt được dùng cả vĩnh viễn lẫn tạm thời. Bài viết này chỉ đề cập đến loại Abutment tuỳ biến/tuỳ biến hoàn toàn ở phần dưới đây.
2. Abutment tuỳ biến
Abutment tùy biến đòi hỏi trang thiết bị của labo để tạo dạng sao cho tối ưu hóa hình dạng của abutment theo tình huống lâm sàng. Abutment tùy biến được phân thành abutment sửa soạn bán phần, tùy biến hoàn toàn (đúc hoặc CAD/CAM) và có thể sửa soạn. Tất cả chúng đều có đặc điểm chung là làm cho abutment có dạng giải phẫu hơn, kiểm soát kết quả của mão răng thông qua mô mềm sao cho mão tự nhiên như răng thật nhất đến mức có thể. Với abutment truyền thống thì toàn bộ phục hồi có thiết diện cắt ngang hình tròn từ đầu implant đến suốt abutment. Hình dạng lý tưởng của mão răng chỉ được thực hiện từ chỗ bắt đầu mão răng. Với abutment tùy biến, bản thân abutment có thể được điều chỉnh để tương đồng chính xác với thiết diện cắt ngang của răng tự nhiên.
Chẳng hạn như, răng cửa giữa hàm trên có hình tam giác tròn ở mức ngang nướu với một mặt phẳng ở phía ngoài. Nếu ta đặt một abutment hình trụ vào đây thì hoặc là sẽ bị thiếu độ lồi theo chiều gần-xa hoặc là sẽ đẩy đường hoàn tất ở trung tâm mặt ngoài xuống dưới nếu sử dụng abutment kích thước lớn hơn, làm cho mão răng trở nên dài hơn. Abutment tùy biến còn cho phép hướng lắp của phục hình khác với hướng của implant, nhờ đó giải quyết được những implant có vị trí không lý tưởng và trong trường hợp có nhiều implant cạnh nhau, abutment tùy biến cho phép xếp lại hướng để các mão răng có thể gắn vào một cách độc lập, không phụ thuộc vào hướng của implant.
Các khoảng trống liên hàm quá mức cũng có thể được giải quyết bằng cách thay đổi chiều cao của thành phần lưu giữ cho mão răng.
3. Abutment tuỳ biến hoàn toàn (Abutment cá nhân hoá)
Loại abutment này có nhiều đặc điểm chung giống như abutment sửa soạn bán phần tuy nhiên chúng có thể cho phép tùy biến và điều chỉnh vị trí implant nhiều hơn nữa. Abutment này có thành phần được chế tạo sẵn bằng kim loại quý có liên kết abutment-implant tương ứng với thiết kế implant. Điều này cho phép sự khít sát tuyệt đối giữa abutment và implant. Phần còn lại của abutment là một trụ bằng nhựa có thể điều chỉnh được và kỹ thuật viên labo có thể tạo mẫu sáp trên đó. Trụ nhựa cũng được làm bằng loại nhựa có thể tan chảy, để cho toàn bộ abutment, (ngoại trừ phần kim loại liên kết) có thể được kỹ thuật viên tùy chỉnh rồi sau đó đúc ra abutment theo kỹ thuật đúc truyền thống.
Kết quả là một abutment bằng vàng không có thiết diện cắt ngang hình tròn và có hình dạng lý tưởng (trong mức độ cho phép) cần thiết cho mão răng sau cùng. Những abutment này cũng có thể được dùng cho phục hình bắt vít.
Phương pháp cơ bản được minh họa ở hình dưới
Ưu điểm của phương pháp này là chỉ cần một abutment duy nhất cho tất cả các trường hợp, do đó không cần phải chọn abutment. Với quy trình này cho phép ta có thể thay đổi đáng kể góc độ giữa implant và mão răng, đồng thời di chuyển trục của phục hình sau cùng sang một vị trí khác so với trục của implant, mặc dù điều này cũng chỉ trong mức độ giới hạn để đạt hình dạng lưu giữ cần thiết cho mão răng sau cùng.
Sự tùy biến cũng cho phép đạt được vị trí chính xác của đường hoàn tất cho phục hình sau cùng.
Vì sự phức tạp nên phương pháp này nó chỉ sử dụng giới hạn trong những trường hợp khó mà chỉ có thể giải quyết bằng abutment tùy biến hoàn toàn. Do bề mặt của abutment được đúc chứ không phải tiện nên độ khít sát có thể không được tốt. Ta dùng vít vặn abutment truyền thống để giữ abutment, còn lại sử dụng tương tự với tất cả các loại abutment tùy biến hoàn toàn khác.
Ưu điểm
- Phù hợp cho cả phục hình gắn bằng cement lẫn phục hình bắt vít.
- Khả năng tùy biến hoàn toàn bao gồm cả thay đổi góc độ lên đến 35°.
- Có thể dùng trong trường hợp khoảng hở quá mức.
- Dễ dàng sắp xếp trong trường hợp nhiều implant.
Nhược điểm
- Chỉ sử dụng abutment bằng vàng.
- Chi phí cao, đòi hỏi trang thiết bị labo phức tạp.
Nguồn: Implant trong thực hành Nha khoa – Richard D. Palmer/Nhóm dịch Saigon Young Dentists Việt Nam
Leave a Reply